1. Dòng sự kiện:
  2. Nam shipper bị đánh tử vong
  3. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  4. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Dự án đường Văn Cao – Hồ Tây :

Cố ép dân vào sự đã rồi?

Điều mà người dân phản ứng quyết liệt là dự án đường Văn Cao - Hồ Tây không hề có trong Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg (ngày 20.6.1998) của Thủ tướng Chính phủ - phê duyệt điều chỉnh quy hoạch thủ đô Hà Nội đến năm 2020.

Ngày 28/2/2009, UBND phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ - Hà Nội và Sở GTVT TP.Hà Nội đã họp tổ dân phố 58, 61 phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ để công bố kế hoạch đền bù giải phóng mặt bằng dự án đường Văn Cao - Hồ Tây. Thế nhưng nhiều người dân bất bình trước việc làm không công khai minh bạch của cơ quan chính quyền nên gửi đơn khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Điều mà người dân phản ứng quyết liệt là dự án đường Văn Cao - Hồ Tây không hề có trong Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg (ngày 20.6.1998) của Thủ tướng Chính phủ - phê duyệt điều chỉnh quy hoạch thủ đô Hà Nội đến năm 2020.

Đây là việc làm trái pháp luật bởi trong quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ chỉ phê duyệt giao thông đường bộ đoạn "đường Láng Trung - đường Nguyễn Chí Thanh - Liễu Giai - Hoàng Hoa Thám", chứ không hề có đoạn đường Hoàng Hoa Thám - Hồ Tây.

Trong hồ sơ mà phía chủ đầu tư đưa ra cho thấy, ngày 29/6/2001, UBND TP.Hà Nội ra Quyết định số 47/2001/QĐ-UB, bổ sung vào đây đoạn đường Hoàng Hoa Thám - Thụy Khuê. Tiếp theo, ngày 16.5.2006, UBND TP.Hà Nội lại ra Quyết định số 70/2006/QĐ-UB, bổ sung thêm đoạn Thụy Khuê - Hồ Tây.

Tuy nhiên, ngày 9/7/2008 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 90/2008/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch phát triển GTVT thủ đô Hà Nội đến năm 2020 theo đề nghị của Bộ GTVT (tờ trình số 6938/TTr-BGTVT - ngày 30.10.2007; tờ trình số 2130/TTr-BGTVT - ngày 3.4.2008 và tờ trình số 4332/TTr-BGTVT - ngày 5.6.2008) và báo cáo thẩm định của Bộ Xây dựng (tờ trình số 341/BXD-KTQH - ngày 4.3.2008) có tham vấn ý kiến của UBND TP.Hà Nội.

Phần phụ lục về đoạn Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh - Liễu Giai - Hồ Tây đã được ghi là "đang triển khai, chiều dài 5km". Phải chăng UBND TP.Hà Nội lập dự án làm đoạn đường này, rồi mới đưa vào văn bản phê duyệt mới của Thủ tướng cho đúng thẩm quyền và núp dưới hình thức là "chỉnh trang tuyến phố", mặc dù trên thực tế đoạn đường Hoàng Hoa Thám - Thụy Khuê, Thụy Khuê - Hồ Tây chưa có.

Ngày 28/2/2009 UBND phường Thụy Khuê tổ chức họp dân, sau khi có chất vấn của người dân về việc không thừa nhận dự án này do vi phạm pháp luật. Ban quản lý dự án đường Văn Cao - Hồ Tây và Chủ tịch phường Thụy Khuê có giải thích: Đây là dự án loại B - thuộc thẩm quyền của UBND TP.Hà Nội phê duyệt nên không cần phải xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.

Nhưng nếu đây là dự án loại B thì tại sao Thủ tướng phải phê duyệt trong quy hoạch mới tại Quyết định số 90/2008/QĐ-TTg như đã nêu trên? Còn nếu là quy hoạch do Thủ tướng phê duyệt, nó phải là loại A? Nếu vậy, việc Hà Nội tự phê duyệt dự án này có đúng thẩm quyền?

Ông Nguyễn Văn Vinh - Chủ tịch UBND phường Thụy Khuê thừa nhận: "Đây là lần đầu tiên họp công bố công khai dự án với địa phương". Còn theo phản ánh của người dân: Đây là lần đầu tiên UBND phường, cũng như chủ đầu tư họp các hộ dân về nội dung liên quan đến công bố đền bù và giải phóng mặt bằng dự án đường Văn Cao - Hồ Tây, như vậy là họ đặt người dân "vào sự đã rồi".

Trước đó, ngày 26/9/2007, Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội đã ra văn bản số 1503/QHKT-HTKT về việc thông tin quy hoạch liên quan đến dự án đường Văn Cao - Hồ Tây, trong đó có nêu: "Đã tổ chức báo cáo xin ý kiến địa phương", "bàn giao cho các quận tổ chức công bố công khai", vậy mà không có người dân nào ở đây được biết về dự án này.

Về phía Ban Quản lý dự án giao thông đô thị (Sở GTVT Hà Nội), để thực hiện dự án đường Văn Cao - Hồ Tây, sẽ phải di dời 381 hộ và 5 cơ quan trên địa bàn quận Ba Đình và quận Tây Hồ, với tổng diện tích đất thu hồi 47.278m2. Trong đó, sẽ bố trí tái định cư 202 hộ tại khu 5,3ha Dịch Vọng (quận Cầu Giấy). Dự án xây dựng đường Văn Cao - Hồ Tây có tổng mức đầu tư trên 372 tỉ đồng với mục tiêu nối thông tuyến từ đường Láng - Hòa Lạc đến hồ Tây. Theo kế hoạch, công trình sẽ hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng vào tháng 10.2010, chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Vậy mà không hiểu sao bây giờ người dân mới biết rõ về dự án này.

Được biết, khi tiến hành đo diện tích đền bù giải phóng mặt bằng, thì dù cho người dân không có nhà, cán bộ địa chính vẫn trèo tường, trèo lên mái nhà vào nhà dân để tiến hành đo,… Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin mới nhất đến bạn đọc về vụ việc nêu trên.

Theo Ngọc Hưởng
Báo Bảo vệ Pháp luật cuối tuần