1. Dòng sự kiện:
  2. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2
  3. Xuyên Việt Oil

Có bỏ lọt tội phạm trong vụ thảm họa Carina khiến 13 người chết?

Xuân Duy

(Dân trí) - Trải qua một ngày xét xử, tòa nhận thấy có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm nên trả hồ sơ, điều tra bổ sung vụ cháy chung cư Carina khiến 13 người thiệt mạng.

Chiều 5/4, TAND TPHCM tiếp tục phiên tòa xét xử bị Nguyễn Văn Tùng (cựu Giám đốc công ty TNHH XD TMDV SX Hùng Thanh, chủ đầu tư chung cư Carina) và Nguyễn Quốc Tuấn (cựu Trưởng ban quản lý chung cư Carina ) về tội Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy.

Trải qua một ngày xét hỏi, HĐXX nhận thấy có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm nên quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung. 

Có bỏ lọt tội phạm trong vụ thảm họa Carina khiến 13 người chết? - 1

Các bị cáo tại tòa (Ảnh: Thanh Phúc).

Trước đó trả lời thẩm vấn, bị cáo Nguyễn Văn Tùng (cựu Giám đốc công ty Hùng Thanh, chủ đầu tư chung cư Carina) cho rằng cáo trạng quy kết bị cáo phạm tội Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy là chưa đúng.

Cụ thể, cáo trạng quy kết bị cáo biết hệ thống phòng cháy chữa cháy hư nhưng không sửa, không đôn đốc công ty SEJCO thực hiện đúng hợp đồng là không đúng.

Ông Tùng cho rằng mình không tham gia bàn giao hệ thống phòng cháy chữa cháy mà chỉ nhận bàn giao từ giám đốc tiền nhiệm, tiếp tục thực hiện hợp đồng giữa công ty Hùng Thanh và Công ty SEJCO tiếp tục vận hành nhà chung cư.

Bị cáo cho rằng mình không có chuyên môn về phòng cháy chữa cháy nên không kiểm tra hệ thống phòng cháy chữa cháy mà chỉ dựa vào báo cáo của Công ty SEJCO. Theo hợp đồng, Công ty SEJCO chịu trách nhiệm vận hành chung cư, trong đó có cả hệ thống phòng cháy chữa cháy.

Theo bị cáo Tùng, việc ông tháo máy bù áp để cho đơn vị khác mượn không ảnh hưởng gì đến việc chữa cháy.

Bị cáo này cho biết, ông phát hiện SEJCO thực hiện không đúng hợp đồng nên đã nhiều lần gửi văn bản yêu cầu công ty trên phải thực hiện đúng hợp đồng. 

Có bỏ lọt tội phạm trong vụ thảm họa Carina khiến 13 người chết? - 2

Bị cáo Nguyễn Văn Tùng cho rằng cáo trạng cáo buộc chưa đúng (Ảnh: Thanh Phúc).

Trong các văn bản này, ông Tùng đại diện Công ty Hùng Thanh yêu cầu không được mở cửa thoát hiểm, không để hộ dân phơi quần áo ở cầu thang thoát hiểm, nhân viên tuần tra không thực hiện đúng quy định…

Sau đó, Công ty SEJCO nộp phạt theo hợp đồng. Sau khi Công ty Hùng Thanh làm văn bản nhắc nhở thì tình hình được cải thiện. 

"Vận hành chung cư là trách nhiệm của ai?" - chủ tọa hỏi. Bị cáo Tùng không trả lời.

Chủ tọa cho rằng trách nhiệm là của Công ty Hùng Thanh nên công ty này mới có thể thuê người khác vận hành. Nếu người khác làm không đúng thì có thể thay người khác…

"Bị cáo là cư dân ở chung cư Carina, vợ con bị cáo cũng ở đó. Bị cáo luôn mong muốn đem lại đời sống tốt nhất cho cư dân chung cư. Do đó, những đề xuất của SEJCO bị cáo chưa bao giờ từ chối", bị cáo Tùng khai.

Theo lời Tùng: "Bản thân bị cáo nhiều lần đi kiểm tra và phát hiện những điều đó. Bị cáo không có động cơ gì để làm sai. Vì toàn bộ hư hỏng của chung cư không phải lấy tiền của bị cáo hay tiền của công ty mà là tiền của cư dân đóng nên bị cáo không có lý do gì để không chấp nhận đề xuất sửa chữa".

Trả lời tòa, bị cáo Nguyễn Văn Tuấn (cựu Trưởng ban quản lý chung cư Carina) thừa nhận khi kiểm tra hệ thống phòng cháy chữa cháy tại chung cư Carina thì hệ thống phòng cháy chữa cháy không bảo đảm. Ông Tuấn cho biết, hàng tháng có báo cáo về Công ty SEJCO.

Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng cửa thoát hiểm chung cư luôn trong tình trạng đóng. Việc đóng cửa thoát hiểm là trách nhiệm của bảo vệ.

Ông Đỗ Văn Vinh, cựu cán bộ phòng cháy chữa cháy Công an quận 8, cho biết, ông được phân công phụ trách địa bàn từ tháng 10/2016 đến khi xảy ra vụ cháy. Theo quy định 1 năm kiểm tra phòng cháy chữa cháy 4 lần, mỗi lần kiểm tra đều có kế hoạch cụ thể, ngoài ra còn có đợt kiểm tra đột xuất khác. 

Tại chung cư Carina, ông đã kiểm tra 7 lần. Nếu cơ sở không đảm bảo phòng cháy chữa cháy sẽ bị xử phạt. Tuy nhiên, khi chủ tọa hỏi sau khi xử phạt có kiểm tra lại xem cơ sở này có khắc phục lỗi không thì vị này cho rằng khắc phục lỗi là trách nhiệm của chủ đầu tư. 

Theo nội dung vụ án, tối 22/3/2018, một nam thanh niên ở Lô A chung cư Carina để xe dưới hầm. Rạng sáng hôm sau, xe của người này xuất hiện khói và tia lửa nhỏ.

Khi hệ thống chiếu sáng khu vực tầng hầm bị tắt, lửa bùng lên dữ dội, cháy lan các xe máy và ôtô để trong hầm. Khói, khí nóng và khí độc theo buồng thang thoát hiểm dẫn lên các tầng trên chung cư.

Hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động không hoạt động. Lửa càng lúc càng lớn, kéo dài hơn 13 phút nữa vẫn không có nhân viên bảo vệ hay bất kỳ người nào phát hiện. Từ đây, đám cháy lan ra các hướng rồi bùng lên phía trên cùng khói độc khiến 13 người chết, 72 người bị thương, gần 500 xe máy và 81 ôtô bị thiêu rụi.

Liên quan tới vụ án, trước phiên tòa, luật sư Nguyễn Thành Công (bào chữa cho bị cáo Tùng) có đơn kiến nghị đề nghị HĐXX trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhằm làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan Công ty Gia Khang, Công ty SEJCO, Công ty Thăng Long và đoàn kiểm tra phòng cháy, chữa cháy trong vụ án để tránh bỏ lọt tội phạm, xác định lại thiệt hại và đổi tội danh của các bị cáo sang Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.