1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Chuyện những người… dẫn tù

Ở Trại tạm giam số 1 Công an Hà Nội, có một lực lượng chuyên trách công tác dẫn giải can phạm đi xét xử ở tòa, áp giải phạm nhân đi chấp hành án ở các trại giam, đó là Đội Cảnh sát bảo vệ số 1.

Mỗi năm, các cán bộ chiến sĩ (CBCS) của đơn vị này dẫn giải hàng ngàn can phạm, phạm nhân đi xét xử và thi hành án... Có rất nhiều câu chuyện "khó tin nhưng có thật" của những người làm công việc này…

I - 7 giờ sáng 24/7, tôi có mặt tại phòng làm việc của Đội Cảnh sát bảo vệ số 1. Vừa phát lệnh dẫn giải can phạm đi xét xử cho các tổ, Trung sĩ An vừa thống kê cho tôi danh sách ngày 24/7, đội dẫn giải 18 can phạm của 11 vụ án đi xét xử tại 9 Hội đồng xét xử tại Tòa án nhân dân (TAND) TP Hà Nội và 8 tòa án các quận huyện, xa nhất là TAND huyện Gia Lâm.

Trung tá, Đội trưởng Đào Trọng Chính cho biết, trước kia có thời điểm đội có tới 276 CBCS. Ngày 28/3/2012, thực hiện quyết định của Giám đốc Công an thành phố, Đội CSBV mới tách thành hai đội số 1 và số 2. Theo quyết định này thì Đội CSBV số 1 còn lại 96 CBCS với nhiệm vụ: dẫn giải phạm nhân có án đi chấp hành án tại các trại giam; dẫn giải can phạm đã xét xử đi Trại giam số 2; đi trích xuất can phạm - phạm nhân từ các trại giam về phục vụ công tác điều tra - truy tố và xét xử; dẫn giải can phạm đi khám bệnh tại các bệnh viện và canh gác can phạm - phạm nhân điều trị tại bệnh viện…

Đưa cho tôi xem lệnh dẫn giải can phạm Nguyễn Danh Tẹo, phạm tội giết người, đi xét xử tại TAND TP Hà Nội, Đại úy Đặng Văn Phăng bảo rằng nhà anh ở quận Đống Đa nhưng ngày nào anh cũng có mặt tại trại lúc 6 giờ 30 phút. Sau khi thay quân phục, lên nhận lệnh vào trích xuất can phạm để khoảng 7 giờ 30 phút là lên xe "đi tòa", vì với tình trạng giao thông của Hà Nội bây giờ, có đi như vậy mới kịp giờ làm việc của Tòa.

Tôi theo Đại úy Phăng ra nơi tập trung can phạm. 7 giờ 20 phút, tất cả 18 can phạm của 11 vụ án đã được trích xuất khỏi buồng giam nhưng vẫn phải đứng chờ trước cổng khu giam giữ để… chờ xe, bởi ở Trại tạm giam số 1 hiện có 28 xe chuyên dụng nhưng lại chỉ có… 13 lái xe, vì vậy tính trung bình một lái xe được giao 2 xe, có người tới 3 xe, nên vào những hôm có nhiều vụ thì chuyện ghép can phạm của 2, thậm chí 4 vụ án tại 3 Hội đồng xét xử (HĐXX) khác nhau lên 1 xe đã thành "chuyện hàng ngày ở trại".

Có tận mắt chứng kiến thì mới thấy so với khối lượng công việc hàng ngày thì quân số 96 con người vẫn là ít, bởi thông thường khi dẫn giải một can phạm ra tòa sẽ phải có 2 CSBV, với những can phạm phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thì phải có 4 CSBV. Trong khi hầu như ngày nào anh em trong đội cũng phải dẫn giải ít thì 7-8 can phạm đi xét xử ở 5 - 7 HĐXX tại TAND  các cấp; ngày cao điểm thì tới 20 vụ. 

Đầu tháng 3 vừa rồi, TAND TP Hà Nội mở phiên xét xử bị cáo Trần Hoàng Anh và Trần Thị Hiền cùng đồng bọn về các tội "mua bán người", "mua bán trẻ em", "che giấu tội phạm và không tố giác tội phạm". Phiên tòa này có tới 29 bị cáo. Để đảm bảo công tác dẫn giải, bảo vệ cho riêng phiên tòa này, Trại tạm giam số 1 phải dùng 6 chiếc xe chuyên dụng chở phạm và 1 xe chở quân cùng hơn 50 CBCS trong suốt 3 ngày diễn ra phiên tòa.

Theo Trung tá Đào Trọng Chính thì đã thành một quy luật, hàng tháng cứ 10 ngày đầu tháng anh em còn được nhàn một chút vì lịch xét xử của các cấp tòa thường thưa, nhưng từ ngày thứ 11 tới hết tháng thì lịch xét xử dày đặc cả sáng lẫn chiều khiến cho anh em làm công tác dẫn giải rất vất vả vì đi từ sáng tới khoảng 11 giờ 30 phút tòa mới nghỉ, đưa can phạm về nhập trại xong là hơn 12 giờ, anh em chỉ kịp ăn vội bát cơm để 13 giờ lại trích xuất phạm để đi tiếp. Nhiều vụ xét xử ở tận Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn, Gia Lâm, cách trại tới 20 - 40km nhưng buổi trưa cũng vẫn phải về, chiều lại đi như vậy.    

Dẫn giải can phạm ra khỏi khu giam giữ. 
Dẫn giải can phạm ra khỏi khu giam giữ. 

II - Nhưng, chuyện giờ giấc, đi lại chỉ là một phần rất nhỏ trong cái vất vả của "nghề dẫn tù". Yêu cầu của công tác dẫn giải vừa phải đảm bảo an toàn cho can phạm vừa phải đảm bảo phục vụ được các yêu cầu của vụ án. 

30 năm công tác ở Trại tạm giam số 1 thì có tới gần 20 năm làm CSBV, Đại úy Đặng Văn Phăng hiện là một trong số ít những người có thâm niên lâu nhất của đội. 

Trong câu chuyện với tôi, đúc kết kinh nghiệm, anh Phăng bảo rằng làm nghề này vừa phải kiên quyết nhưng cũng lại phải biết…  nhịn thì mới được, vì trong khi dẫn giải can phạm, CSBV bị can phạm và người nhà can phạm, người nhà nạn nhân khiêu khích, thậm chí… chửi rủa là chuyện không hiếm. Lúc ấy mà nổi khùng lên đánh lại thì có khi mình lại trở thành can phạm ngay, nên vẫn phải bình tĩnh, kiên quyết xử lý nhưng phải đúng pháp luật.

Năm ngoái, Đại úy Phăng cùng tổ công tác đưa một can phạm phạm tội cố ý gây thương tích gây chết người đi xét xử sơ thẩm ở TAND quận Cầu Giấy, vì không đồng tình với tội danh và mức án tòa tuyên nên gia đình nạn nhân đã gây rối ngay tại tòa khiến anh em rất vất vả bảo vệ an toàn cho bị cáo.              

Có kẻ khi ra tòa lại giở trò giả điên. Mấy năm trước, TAND TP Hà Nội xét xử bị cáo Đặng Tuấn Dũng (trú ở phường Bồ Đề, quận Long Biên) phạm tội giết người. Tòa vừa khai mạc thì Dũng bất ngờ đưa ngón tay lên… làm súng rồi bắn. Thỉnh thoảng Dũng còn ngồi bệt xuống đất nhặt rác cho vào mồm nhai. Tình huống bất ngờ này khiến chủ tọa cũng lúng túng. "Bắt bài" được kẻ giả điên này, anh em CSBV vừa giải thích nhưng kiên quyết yêu cầu Dũng chấp hành quy định của tòa.

Khó khăn mà các anh hàng ngày phải đối mặt khi làm nhiệm vụ chính là tâm lý không ổn định của các can phạm. Bởi sau một thời gian bị tạm giam, can phạm thường có những thay đổi tâm lý rất phức tạp. Từ sự thay đổi này mà có thể xảy ra tình huống bất ngờ nơi xét xử. Cách đây khá lâu, tại phòng xử trên tầng 2 ở TAND TP Hà Nội, trong lúc chủ tọa phiên tòa đang thẩm vấn những người liên quan thì bị cáo bất ngờ lao đến cửa sổ nhảy xuống đất để chạy trốn. Đã từng có bị cáo tìm cách tự sát ngay tại tòa bằng cách lao đầu vào tường… Tất cả những vụ ấy dù chưa gây ra hậu quả nhưng đều trở thành những bài học kinh nghiệm cho lực lượng làm công tác dẫn giải, bảo vệ luôn phải có phương án cụ thể từng chi tiết để xử lý. 

Đơn giản nhất là chuyện khi ở tòa, can phạm cần đi "giải quyết nỗi buồn" thì trước khi cho bị cáo vào nhà vệ sinh, CSBV cũng phải vào kiểm tra trước, trong khi can phạm "giải quyết" thì CSBV đứng trực bên cạnh. Nhưng đấy là với nam chứ với can phạm là nữ, ngoài việc vào kiểm tra để đảm bảo thân nhân can phạm không "gửi gắm" sẵn vài vật cấm trong nhà vệ sinh, thì khi "giải quyết nhu cầu", can phạm không được khóa, chốt cửa, cán bộ dẫn giải đứng canh bên ngoài. Nguyên tắc này không chỉ phòng ngừa can phạm bỏ trốn, hay "tranh thủ có thai" nhằm thoát án tử mà còn là ngăn chặn thông cung…

Ngoài dẫn giải can phạm ra tòa, tháng nào anh em Đội CSBV số 1 cũng có vài chuyến dẫn giải phạm nhân đến các trại giam để thi hành án. Bữa ngồi nói chuyện với tôi, thỉnh thoảng Trung tá Chính lại bấm điện thoại cho ai đó hỏi "đi đến đâu rồi". Hóa ra hôm đó một tổ đang dẫn giải 82 phạm nhân đi thi hành án ở Trại giam số 6 trong Nghệ An nên đội trưởng gọi điện để kiểm tra tình hình trên đường. Sở dĩ ngồi nhà mà đội trưởng cứ phải liên tục kiểm tra vì phần lớn các trại giam đều cách Hà Nội ít cũng trăm cây số, xa thì tới vài trăm cây, mà trên đường đi thì luôn có đủ thứ chuyện có thế xảy ra.

Có chuyến anh em đưa phạm nhân toàn án chung thân đi trại, trên đường đi, những kẻ này tìm đủ cách để hành cán bộ dẫn giải, thậm chí sau khi đi vệ sinh, những kẻ này còn đổ luôn thùng nước thải ấy ra xe. Vì thế, đội trưởng ngồi nhà cứ phải hỏi thăm anh em suốt chặng đường. Chỉ khi nào anh em về đến "nhà" báo cáo kết thúc chuyến công tác mới yên tâm.

Tôi nghe Trung tá Vũ Đức Thể thống kê công việc trong 6 tháng đầu năm 2012 của đội mà không khỏi bất ngờ vì lượng công việc mà gần 100 CBCS đã làm. Trong 6 tháng, đội đã dẫn giải hơn 1.000 phạm nhân đi chấp hành án tại các trại giam của Tổng cục Thi hành án Hình sự và Hỗ trợ tư pháp; dẫn giải hơn 1.000 can phạm, phạm nhân có mức án thấp đi Trại tạm giam số 2; dẫn giải trên 2.500 lượt can phạm, phạm nhân đi xét xử tại 1.351 phiên tòa; dẫn giải 90 lượt can phạm đi khám bệnh tại các bệnh viện trong đó có 50 lượt can phạm nằm điều trị tại các bệnh viện…          

Tuy nhiên, ngoài dẫn giải can phạm đi tòa, một trong số những công việc hàng ngày của Đội CSBV số 1 là kiểm tra buồng giam tử tù. Trước kia, khi việc thi hành án tử hình còn áp dụng phương pháp bắn, thì đội CSBV còn có nhiệm vụ bảo vệ pháp trường, dẫn giải phạm nhân từ buồng giam ra trường bắn và làm các công tác chuẩn bị cho việc thi hành án.

Nhắc lại chuyện đưa tử tù ra pháp trường, Trung tá, Đội phó Vũ Đức Thể vẫn nhớ hai phạm nhân trong vụ án ma túy Vũ Xuân Trường, đó là Xiêng Phênh và Lại Thị Ngấn. Hôm đưa tử tù Xiêng Phênh đi thi hành án, sau khi vui vẻ ăn hết cả suất xôi gà, Xiêng Phênh vẫn cười vì không nghĩ mình bị đưa đi xử bắn.

Chỉ tới khi CSBV bịt mắt chuẩn bị đưa ra pháp trường thì anh ta mới biết mình sắp chết. Vậy là mặt mũi tái mét, lúc ấy Xiêng Phênh mới xin được khai. Và từ buổi thi hành án hụt ấy mà cả đường dây buôn bán ma túy của Vũ Xuân Trường đã bị triệt phá. Còn Lại Thị Ngấn là tử tù hiếm hoi đã ngất ngay sau khi được cán bộ thông báo đi thi hành án.

Dẫn giải can phạm ra khỏi khu giam giữ. 
Chưa có cán bộ nữ nên việc dẫn giải can phạm nữ vẫn do các nam cảnh sát bảo vệ đảm nhiệm dù có nhiều lúc bất tiện. 

III - Trong lịch trực của chỉ huy đội, ngày nào cũng có một mục là đi kiểm tra ở… bệnh viện. Mặc dù Trại tạm giam số 1 cũng có khu bệnh xá, có đội ngũ y, bác sĩ chuyên chăm sóc sức khỏe cho các can phạm, phạm nhân. Tuy nhiên với các trường hợp bệnh nặng hoặc phải điều trị chuyên sâu hoặc tiểu phẫu, phẫu thuật đều phải chuyển đến các bệnh viện bên ngoài để chữa trị. Từ nhiều năm nay, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông trở thành "đầu mối" tiếp nhận những bệnh nhân đặc biệt mà Trại tạm giam số 1 đưa ra. Từ đây, nếu bệnh viện điều trị được thì sẽ ở lại, nếu cần chuyên khoa sâu hơn, bác sĩ sẽ làm hồ sơ chuyển tiếp, và dĩ nhiên, phạm đi điều trị ở bệnh viện nào thì cán bộ phải đi theo mà… canh gác.

Hôm tôi đến làm việc, thấy trong cuốn sổ theo dõi của đội đang có 7 can phạm đi điều trị ở Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, phần lớn số này đều nằm ở khoa truyền nhiễm vì các bệnh lao, phổi. Để canh gác số can phạm này, đội phải cử một tổ 5 người ra túc trực 24/24 giờ. Can phạm đã phải vào bệnh viện thường bệnh nặng, có khi không đi lại được, thế nên cán bộ đi canh gác nhiều khi còn phải làm luôn cả phần việc chăm sóc can phạm…

Nhưng, với cánh đàn ông, đi canh phạm nằm viện cũng chưa bằng đưa phạm đi… khám thai và đi đẻ.

Hầu như năm nào trại cũng tiếp nhận vài trường hợp can phạm, phạm nhân nữ vào trại trong tình trạng bụng mang dạ chửa. Vậy là, ngoài việc hàng ngày, anh em còn phải thay phiên nhau đưa phạm đi bệnh viện phụ sản khám thai. Thảo nào lúc ngồi nói chuyện với tôi, Trung tá Chính cứ mong đội được bổ sung thêm 2 cán bộ nữ. Những lúc ấy có cán bộ nữ thì đỡ phiền toái được bao nhiêu, nhưng trong khi chờ, anh em cứ phải thay phiên nhau đi. Vì thế có khi phạm nhân vào siêu âm thai thì cán bộ cũng cứ phải đứng cạnh mà canh. Đến khi phạm đi đẻ, cán bộ cũng lại phải chầu trực trước phòng đẻ như những ông chồng đưa vợ đi đẻ và cũng chỉ mong sớm "mẹ tròn con vuông". 

Tháng 5 vừa rồi, sau khi tiếp nhận phạm nhân Phùng Thị Tho vào thụ án 24 tháng, lúc này Tho đã có thai 27 tuần. Vì sức khỏe yếu nên sau khi đưa vào Bệnh viện Hà Đông nằm đúng nửa tháng. Ban giám thị đã phải làm văn bản báo cáo 3 ngành nội chính cho cô này tạm đình chỉ thi hành án để về nhà sinh con. May mắn là đề xuất này đã được chấp nhận.

Chia tay những người đang ngày ngày làm "nghề dẫn tù", tôi cứ nhớ hình ảnh Đại úy Phăng với mái đầu đã bạc quá nửa nhưng trên vai áo vẫn là quân hàm Đại úy đã bạc màu vì mưa nắng. Đã hơn 10 năm nay, anh Phăng đeo quân hàm đại úy và "cũng chỉ đến thế thôi, lương cũng chỉnh đến hết khung rồi". Chỉ hai năm nữa là anh về hưu. Nhưng chẳng riêng gì anh, ở đội này, còn rất nhiều người như vậy vì trong số hơn 30 sĩ quan, chỉ có 9 người đeo quân hàm cấp tá. Nhưng, "đã mang cái nghiệp vào thân", họ vẫn đang làm công việc mà không phải ai cũng biết này

Theo Nguyễn Thiêm

An ninh thế giới