1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Chuyện khó tin, hàm oan gần 40 năm chỉ được bồi thường hơn 1 tỷ đồng

Xuân Duy

(Dân trí) - Ông Dũng bị bắt giam oan và mang thân phận "bị can" suốt 40 năm. Sau khi được minh oan, người này kiện Viện KSND tỉnh Tây Ninh đòi 3,6 tỷ đồng nhưng tòa chỉ chấp nhận hơn 1 tỷ.

Ngày 23/3, TAND tỉnh Bình Dương mở phiên tòa xét xử vụ án yêu cầu bồi thường oan sai theo luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Dũng (62 tuổi, Dũng nhỏ) và bị đơn là Viện KSND tỉnh Tây Ninh.

Theo nội dung vụ án, khuya ngày 26/7/1979, nhà máy xay lúa ở xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, xảy ra vụ cướp. Nửa tiếng sau, công an bắt được người đàn ông tình nghi. Từ lời khai của người này, ông Nguyễn Văn Dũng cùng cha mẹ, chị gái và 4 người khác lần lượt bị bắt.

Sau 4 năm giam các bị can, cơ quan điều tra tỉnh Tây Ninh không chứng minh được hành vi phạm tội của ông Dũng và những người trong gia đình nên trả tự do. Quyết định đình chỉ điều tra đối với các bị can được ban hành sau đó, song ông Dũng và những người trong gia đình không nhận được.

Chuyện khó tin, hàm oan gần 40 năm chỉ được bồi thường hơn 1 tỷ đồng - 1

Ông Nguyễn Văn Dũng được bồi thường hơn 1 tỷ đồng.

Sau 35 năm gõ cửa các cơ quan tố tụng trung ương và địa phương kêu cứu, tháng 4/2019, họ mới nhận được quyết định đình chỉ bị can và được giải oan.

Viện KSND tỉnh Tây Ninh lý giải rằng, các quyết định này đã bị "bỏ quên" giờ mới tìm thấy. Cuối năm đó Viện kiểm sát tổ chức xin lỗi công khai nhưng bố của ông Dũng đã chết trước khi được minh oan.

Đến tháng 10/2020, Viện KSND tỉnh Tây Ninh bồi thường cho 6 người, mỗi người hơn một tỷ đồng. Riêng ông Dũng không đồng ý mức bồi thường này, thương lượng không được nên khởi kiện ra TAND tỉnh Bình Dương. Nguyên đơn yêu cầu cơ quan gây oan sai phải bồi thường tổng cộng 10,9 tỷ đồng bao gồm thiệt hại về sức khỏe, tinh thần, chi phí kêu oan, mất thu nhập, mất tài sản...

Trong đơn kiện, ông Dũng cho biết, lúc bị bắt đang là du kích xã; cha mẹ ông đều là những người tham gia cách mạng. Thời gian họ bị giam, nhà cửa, đất đai, ruộng vườn bị người khác chiếm giữ. Khi được trả tự do, họ vẫn bị xóm giềng hoài nghi. Vì mặc cảm nên gia đình ông phải bỏ xứ phiêu bạt nhiều nơi.

Theo ông Dũng, những thiệt hại về sức khỏe, tinh thần, vật chất, tài sản, danh dự, uy tín, nhân phẩm mà ông phải chịu đựng trong suốt 40 năm qua là mất mát quá lớn nhưng chưa được Viện KSND tỉnh Tây Ninh thực hiện đúng Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Trong đó, cơ quan công tố đã bỏ qua thời gian 40 năm ông mang thân phận bị can và không giải quyết các thiệt hại về tài sản rất lớn của gia đình mình.

Tại tòa, ông Dũng bất ngờ thay đổi yêu cầu bồi thường từ gần 11 tỷ đồng xuống còn 3,6 tỷ.

Sau khi nghị án, hội đồng xét xử cho rằng yêu cầu khởi kiện của ông Dũng là có cơ sở, đúng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, HĐXX chỉ chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện về việc bồi thường thiệt hại trong thời gian ông Dũng bị giam giữ, còn thời gian trong hơn 36 năm mang thân phận bị can thì không chấp nhận.

Căn cứ vào hồ sơ vụ án, tòa tuyên buộc Viện KSND tỉnh Tây Ninh phải bồi thường cho ông Dũng số tiền như quyết định trước đây là 1,059 tỷ đồng và phải chịu án phí theo quy định của pháp luật. 

Sau khi nghe tòa tuyên án, ông Dũng bày tỏ sự thất vọng vì không được bồi thường thiệt hại trong thời gian hơn 40 năm mang thân phận bị can.  

"Đợi chờ biết bao nhiêu lâu mới đến ngày tòa tuyên án, nhưng khi nghe tòa tuyên tôi buồn lắm. Cơ quan công tố tỉnh Tây Ninh đã tắc trách để trong suốt hơn 40 năm tôi mang thân phận bị can. Tôi bị họ hàng, người dân xa lánh, hắt hủi phải bỏ xứ đi phiêu bạt khắp nơi", ông Dũng nói.

Trước đó, cũng bị oan như nguyên đơn, ông Nguyễn Văn Dũng (64 tuổi, cựu quân nhân, Dũng lớn) khởi kiện Viện KSND tỉnh Tây Ninh nhưng chỉ được bồi thường 615 triệu đồng.