1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Chuyện ít biết về đại gia xăng giả Trịnh Sướng

Câu hỏi về “lòng tốt” đối với địa phương của đại gia này dường như đã có câu trả lời và theo người dân, “lòng tốt” ấy mang tính vụ lợi.

Vụ đường dây xăng giả cực lớn khiến người dân sửng sốt bởi lượng nhiên liệu giả hàng chục triệu lít tuồn ra thị trường nhiều năm với món lợi bất chính hàng trăm tỉ đồng. Xung quanh đó là câu chuyện của ông Trịnh Sướng, chủ tịch Công ty TNHH Mỹ Hưng (Sóc Trăng), nhân vật chính trong đường dây.

Bạo chi quà tặng và mời quan chức du lịch nước ngoài

Để biết hơn về nhân vật này, mấy ngày qua PV Pháp Luật TP.HCM đi nhiều nơi trong TP Sóc Trăng và thu thập được nhiều thông tin về “thời hoàng kim” của ông Trịnh Sướng.

Theo đó, ông Trịnh Sướng từng tặng cho tỉnh tám xe cứu thương, đài thọ nhiều cán bộ đương chức và hưu trí đi tham quan, học tập ở nước ngoài… Ông này cũng đã được tỉnh tặng bằng khen là doanh nhân tiêu biểu, xuất sắc.

Đáng lưu ý, tháng 12-2018, khi tổ chức lễ trao tặng chiếc xe cứu thương thứ ba cho tỉnh Sóc Trăng, ông Trịnh Sướng mời được ông Huỳnh Thành Hiệp (nguyên Phó Chủ tịch tỉnh), ông Mai Hồng Thái (nguyên Chủ tịch tỉnh)… và một số quan chức khác đến dự.

Đến tháng 3-2019, ông Trịnh Sướng tài trợ một đoàn gần 20 người, trong đó có nhiều nhân vật đương chức đi Nhật Bản, danh nghĩa là đi học tập kinh nghiệm nước ngoài. Sau chuyến đó, một chuyến “học tập” khác chuẩn bị sang Úc thì ông Trịnh Sướng bị bắt.

Chuyện ít biết về đại gia xăng giả Trịnh Sướng - 1

Khu xăng dầu nơi được cho là trung tâm pha chế xăng giả của ông Trịnh Sướng (thuộc huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng). Ảnh nhỏ: Ông Trịnh Sướng. Ảnh: TRẦN VŨ - NAM GIAO

Manh mối xăng giả từ những chiếc xe bất ngờ cháy

Trao đổi với báo chí, Đại tá Lê Vinh Quy, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông, cho hay từ việc nhiều phương tiện xe máy trên địa bàn tỉnh này bốc cháy, cơ quan chức năng đã vào cuộc. Trong quá trình điều tra nguyên nhân, công an kiểm tra một cửa hàng xăng dầu ở thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông) thì phát hiện ở đây có chứa 10 m3 xăng giả. Từ những manh mối này, đường dây xăng giả cực lớn trải nhiều tỉnh, thành liên quan tới Trịnh Sướng bị bóc gỡ.

Theo cơ quan chức năng, nhiều chủ cây xăng bán xăng giả biết rõ nguồn gốc hàng hóa mình nhập về. Tuy vậy, họ vẫn đưa xuống hầm chứa để bán và từ đó thu được nguồn lợi rất lớn. Vụ việc diễn ra ở rất nhiều địa phương trên cả nước nhưng đang trong quá trình điều tra nên không thể thông tin chính xác tất cả cây xăng bán hàng giả.

Về tác hại của xăng giả, các chuyên gia cho hay khi sử dụng xăng giả, động cơ của phương tiện (xe máy, ô tô...) chắc chắn sẽ bị giảm công suất và tuổi thọ. Đồng thời, động cơ của xe sẽ bị nóng lên khi sử dụng xăng giả, quá trình này diễn ra lâu ngày sẽ khiến vỏ dây điện, vỏ nhựa xung quanh nóng lên, khi di chuyển sẽ bị đứt. Điều này dễ dàng dẫn tới tình trạng hở điện gây cháy nổ.

Biểu hiện dễ nhận thấy nhất khi phương tiện đang sử dụng xăng giả để hoạt động chính là việc chiếc xe sẽ bị ảnh hưởng đến quá trình tăng tốc. Xe có thể tự thay đổi tốc độ khi đang chạy hoặc việc tăng tốc sẽ mất thời gian khá lâu.

Trước đó, từ đầu năm 2017, lực lượng chức năng TP.HCM bắt giữ, giao các địa phương xử lý hàng chục vụ buôn lậu xăng dầu cũng như dung môi với số lượng lớn lên đến hàng triệu lít. Thời điểm đó, trả lời báo chí, Thượng tá Nguyễn Thế Anh, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, cho hay đoàn đặc nhiệm phát hiện lượng dung môi nhập về lớn cả mấy chục triệu lít. Theo ông Anh, nếu lượng dung môi này dùng để pha chế thành xăng bán ra thị trường thì món lợi bất chính rất lớn. Ông Anh dẫn chứng giá nhập dung môi 9.000 đồng/lít, sau khi nộp thuế, phí tương đương 10.000 đồng/lít. Nhưng khi pha chế thành xăng (việc pha thành xăng rất đơn giản), bán ra thị trường bằng với giá xăng thật.

Được biết vụ án xăng giả cực lớn đang được Bộ Công an tiếp tục điều tra làm rõ, nếu phát hiện cá nhân, tổ chức có sai phạm sẽ xử lý.

Tỉnh Sóc Trăng nhận khuyết điểm

Tại cuộc họp báo ngày 11-6, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Lê Văn Hiểu đã nhận trách nhiệm của UBND tỉnh về vai trò quản lý nhà nước còn yếu kém. Ông cho hay tỉnh đã chỉ đạo, phân công rất nhiều đơn vị, đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra nhưng thực hiện chưa đảm bảo chặt chẽ, chưa phát hiện được tổ chức, cá nhân vi phạm. “Trước mắt UBND tỉnh xin nhận khuyết điểm, đây là bài học cho địa phương” - ông nói.

Còn trước thông tin ông Trịnh Sướng cho một phó giám đốc Sở Công Thương vay 600 triệu đồng, tỉnh cho hay đã kiểm điểm người này nhưng số tiền vay chỉ là mối quan hệ thân tình giữa những người vợ với nhau…

Về việc ông Huỳnh Văn Sum đi Nhật từ ngày 29-3 tới 3-4-2019, PV đã liên lạc để hỏi thêm chi tiết nhưng ông Sum từ chối tiếp xúc, nói có gì hỏi qua tỉnh… Trong khi đó, tại văn bản thông tin về việc này, tỉnh Sóc Trăng chỉ khẳng định ngắn gọn ông Sum xin nghỉ phép, đi tham quan bằng kinh phí tự túc, hồ sơ và thủ tục đúng quy định…

Ngày 13-6, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, gửi thư khen công an các địa phương Đắk Nông, Sóc Trăng, TP.HCM, TP Cần Thơ cùng nhiều đơn vị thuộc Bộ Công an đã phối hợp đấu tranh triệt phá đường dây xăng giả do Trịnh Sướng cùng nhiều người tổ chức.

Lãnh đạo Bộ Công an đánh giá đây là chiến công xuất sắc thể hiện tinh thần khắc phục khó khăn, kiên quyết đấu tranh trấn áp tội phạm, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các đơn vị. Đại tướng yêu cầu các đơn vị khẩn trương điều tra mở rộng, củng cố tài liệu, chứng cứ để truy tố những người trong đường dây. 

Theo P.Bình - Trần Vũ - Nam Giao

Pháp luật TP Hồ Chí Minh