1. Dòng sự kiện:
  2. Nam shipper bị đánh tử vong
  3. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  4. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Chuyên gia tội phạm học phân tích vì sao hơn 90% dân cá độ "trắng tay"

Hải Nam

(Dân trí) - Khi tham gia cá độ, cá cược, não bộ sẽ sản sinh một loại chất truyền dẫn có tác dụng làm hưng phấn thần kinh. Chất này sẽ khiến người chơi khi thắng thì muốn chơi tiếp, khi thua thì muốn gỡ.

Thời gian qua, Bộ Công an và công an các địa phương đã triệt phá rất nhiều đường dây đánh bạc theo hình thức cá độ bóng đá. Đặc biệt, khi Vòng chung kết World Cup 2022 đang diễn ra, cơ quan chức năng liên tục cảnh báo người dân tránh xa trò "đỏ - đen" này.

Phân tích về vấn nạn này, Thượng tá, TS Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học, nhận định bóng đá là môn thể thao vua. Vì vậy, trong khoảng thời gian thưởng thức những trận đấu, sẽ sinh ra nhu cầu dự đoán về diễn biến trên sân, kết quả chung cuộc... giữa những người xem.

"Đây chính là chất kích thích để người xem đưa ra dự đoán, thách đấu nhau bằng tiền. Từ đó, tạo nên một hình thức đánh bạc là "cá độ bóng đá" ", Thượng tá Hiếu phân tích.

Chuyên gia tội phạm học phân tích vì sao hơn 90% dân cá độ trắng tay - 1

Thượng tá, TS Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học.

Theo vị chuyên gia, "cá độ bóng đá" bắt nguồn từ nước Anh, sau đó lan ra toàn cầu và trở thành vấn nạn nguy hiểm tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. 

"Nhiều người ham mê cá độ chưa chắc đã dành tình yêu cho thể thao một cách thực sự, mà người ta coi việc này là một cách kiếm tiền. Ở nhiều quốc gia hiện nay, việc cá độ bóng đá đã được hợp pháp hóa. Còn tại Việt Nam, Nghị định 06/2017/NĐ-CP cũng mới cho thí điểm về đặt cược bóng đá quốc tế với các quy định khá chặt chẽ. Tuy nhiên, việc đặt cược bóng đá trái với Nghị định này, vẫn bị coi là hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc và bị pháp luật cấm", Thượng tá Đào Trung Hiếu nói.

Chuyên gia tội phạm học Đào Trung Hiếu thông tin có khoảng 90% người chơi, người cá độ bóng đá thua độ. Giải thích về con số này, ông Hiếu phân tích về 2 góc độ:

Một là, tại Việt Nam, ông Hiếu nhận định kiến thức, trình độ hiểu biết về bóng đá số đông còn nhiều hạn chế. Nhiều người "đặt kèo" theo cảm tính, trông chờ vào vận may chứ không thực sự phân tích về thế mạnh, yếu, các vấn đề kỹ thuật của từng đội để có dự đoán chính xác nhất.

Hai là, khi tham gia cá độ, cá cược, não bộ sẽ sản sinh một loại chất truyền dẫn có tác dụng làm hưng phấn thần kinh. Theo vị Thượng tá, chất này sẽ làm người chơi "Khi thắng thì rất hưng phấn và muốn chơi thêm nữa để thu bộn tiền", còn "Khi thua thì lâm vào bối rối, cay cú, hoảng loạn, muốn gỡ gạc lại số tiền đã mất".

Chuyên gia tội phạm học cho biết khi người chơi mất kiểm soát về tâm lý, thiếu bình tĩnh, sáng suốt, hậu quả sẽ là "trắng tay".

Về phía nhà cái, ông Hiếu cho biết họ sẽ luôn thắng. Cụ thể, vị Thượng tá công an phân tích bản chất nhà cái là thu tiền dịch vụ. Bên cạnh đó, khi đưa ra "kèo", nhà cái có một đội ngũ chuyên gia để phân tích và đưa ra các loại "kèo" rất sát với thực tế. 

"Chưa kể khi có quá nhiều người đặt cược vào một cửa, thì một số nhà cái sẽ có các chiêu như điều chỉnh tỷ lệ cá cược theo thời gian thực, thậm chí tệ hơn, còn thao túng, dàn xếp tỷ số", ông Hiếu cho hay.

Đưa ra lời khuyên, Thượng tá Đào Trung Hiếu nhấn mạnh có tới hơn 90% người chơi thua độ, vì vậy, những người đang và đã tham gia cá độ nên suy xét những thứ "được - mất" khi đặt cược vào trái bóng tròn.

"Qua nhiều năm làm công tác điều tra hình sự, chúng tôi đã từng khám phá những vụ cướp, cướp giật, lừa đảo, cưỡng đoạt tài sản, giết người, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật… có liên quan đến cá độ bóng đá. Cá độ bóng đá đã và đang đem đến rất nhiều hệ lụy nguy hiểm cho xã hội", chuyên gia tội phạm học chia sẻ.