1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Tiến sĩ tội phạm học phân tích diễn biến tâm lý của Giáp Thị Huyền Trang

Hải Nam

(Dân trí) - Theo nhận định của Thượng tá Hiếu, cảm giác lo sợ, bất an đã "kích hoạt bản năng tự vệ của động vật" trong đối tượng, đó là làm tất cả những gì có thể để triệt tiêu khả năng bị bắt.

Công an tỉnh Hưng Yên đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Giáp Thị Huyền Trang (27 tuổi, quê huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) về tội Giết người. Nữ bị can này hiện vẫn là "bí ẩn", khi cơ quan chức năng chưa có kết luận giám định danh tính một tử thi nổi trên mặt sông Đuống, nghi là Trang.

Theo nhà chức trách, Trang đã bắt cóc bé gái 21 tháng tuổi ở huyện Gia Lâm (Hà Nội), chở đi huyện Văn Giang (Hưng Yên) để sát hại. Trong lúc đó, Trang đòi gia đình bé gái 1,5 tỷ đồng để chuộc con. Vài ngày sau, bị can được nhận định đã tử vong.

Cảm giác bất an, lo sợ dẫn đến hành động giết bé gái?

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Thượng tá, Tiến sĩ tội phạm học Đào Trung Hiếu đã đưa ra nhận định về diễn biến tâm lý của đối tượng gây án.

Theo ông Hiếu, về động cơ bắt cóc bé gái của Trang, có thể do túng quẫn, khó khăn từ việc vay nợ, ma túy, cờ bạc... là nguyên nhân để đối tượng cần tiền gấp. Thực tế, có nhiều thông tin cho rằng Trang nợ nần từ việc chơi cờ bạc, đầu tư trên mạng...

Về quyết định bắt cóc bé gái, Thượng tá Hiếu nhận định đây là hành động bột phát nhất thời. "Nếu có dự mưu từ trước, đối tượng đã chuẩn bị sẵn phương án giam nhốt nạn nhân", tiến sĩ tội phạm học chia sẻ.

Tiến sĩ tội phạm học phân tích diễn biến tâm lý của Giáp Thị Huyền Trang - 1

Thượng tá, Tiến sĩ tội phạm học Đào Trung Hiếu (Ảnh: Hải Nam).

Từ nhận định trên, ông Hiếu cho rằng Trang có quỹ thời gian đủ dài để đánh giá, tự ý thức về việc làm của mình. "Đối tượng có đủ khả năng nhận thức được về hành vi của mình đã phạm trọng tội, nếu bị phát hiện, bắt giữ sẽ phải gánh chịu hình phạt nghiêm khắc", Thượng tá Hiếu nói.

Phân tích diễn biến tâm lý của Trang, ông Hiếu cho rằng Trang sẽ nhận thấy việc đưa cháu bé trong tình trạng khóc lóc là quá nguy hiểm vì gây sự chú ý của người đi đường. Mặt khác, đối tượng cũng đánh giá được phản ứng của gia đình bị mất con là trình báo công an, và các cơ quan chức năng đang rốt ráo tìm kiếm mình.

"Cảm giác lo sợ, bất an, không dám đối đầu với sự thật đã kích hoạt bản năng tự vệ của động vật trong đối tượng, đó là làm tất cả những gì có thể để triệt tiêu khả năng bị bắt. Trong đó, một cách dễ nhất là thoát ly "vật chứng", ở đây là cháu bé bị bắt cóc để xóa bỏ sự dính líu", Tiến sĩ tội phạm học phân tích.

Tiến sĩ tội phạm học phân tích diễn biến tâm lý của Giáp Thị Huyền Trang - 2

Giáp Thị Huyền Trang.

Tuy nhiên, thay vì đưa bé gái đến một vị trí an toàn rồi để đấy, đối tượng đã chọn cách hành xử man rợ là giết cháu bé vô tội.

"Điều này có thể đi ra từ tâm lý hoảng loạn, không còn minh mẫn, tỉnh táo để kiểm soát hành vi của hung thủ, không nghĩ ra được cách xử sự tốt hơn", ông Hiếu nói và nhìn nhận đây là "bước trượt tâm lý" - lỡ làm cái này, thì phải làm cái kia. 

Bên cạnh đó, động cơ giết hại nạn nhân của Trang, theo vị Thượng tá, còn có thể là từ suy nghĩ nếu để bé gái sống thì hành vi phạm tội của mình sẽ bị tố giác, vì nạn nhân đã có khả năng kể lại với người lớn chuyện xảy ra đối với mình. 

Quyết định tự sát

Theo một số thông tin, Trang đã giết hại bé gái, sau đó mới nhắn tin đòi tiền chuộc từ gia đình nạn nhân.

Thượng tá Đào Trung Hiếu dẫn lại một vụ án khác có tính chất tương tự, đó là vụ Nguyễn Trọng Thọ (SN 1980, ở huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) đã bắt cóc, sát hại nam sinh Trần Thành Công (SN 1996, khi đó học lớp 7) vào ngày 9/1/2008. 

Vụ án trên, ông Hiếu trực tiếp tham gia điều tra, bắt giữ hung thủ gây án. 

"Sau khi giết cháu Công (vùi xác xuống sông Đuống), Thọ đã lấy máy điện thoại của nạn nhân gọi cho bố cháu đòi số tiền chuộc là 350 triệu đồng", ông Hiếu cho hay.

Từ tình tiết tương đồng ở 2 vụ án nêu trên, ông Hiếu nhận định, đối tượng gây án đã lợi dụng sự thương con của bố mẹ nạn nhân, hy vọng họ chấp nhận yêu sách của mình để lừa, chiếm đoạt tài sản, thể hiện của sự man rợ, vô nhân tính, không có khả năng cải tạo.

Tiến sĩ tội phạm học phân tích diễn biến tâm lý của Giáp Thị Huyền Trang - 3

Nhận dạng của Trang khi bắt cóc bé gái (Ảnh: Chụp màn hình).

Nhận định thêm, trong trường hợp thi thể ở sông Đuống chính là Giáp Thị Huyền Trang, Thượng tá Đào Trung Hiếu cho rằng có thể đối tượng đã tự tử nhằm trốn tránh, chối bỏ trách nhiệm trước pháp luật và tòa án lương tâm của chính cô ta.

"Quá trình trốn chạy, hung thủ biết rõ lực lượng chức năng đang ráo riết truy lùng và không thể thoát, cùng với quá trình tự ý thức, biết mình đã phạm tội tày đình, kết hợp với tình trạng bế tắc trong cuộc sống như đang ngập trong nợ nần… đối tượng quyết định tự sát", ông Hiếu nói.

Một diễn biến tâm lý khác có thể xảy ra dẫn đến hành động tự kết liễu cuộc đời của bản thân, theo vị tiến sĩ, là phần lương tri còn sót lại của đối tượng "lên tiếng", khiến chính hung thủ cũng không thể chấp nhận được mình.

Phản ứng tâm lý này, ông Hiếu cho biết đã từng gặp khi tiếp xúc với 2 "ác thú" Nguyễn Đức Nghĩa (đối tượng giết bạn gái, phân xác ở Hà Nội hồi tháng 5/2010) và Lê Văn Luyện (kẻ giết cả gia đình chủ tiệm vàng ở Bắc Giang để cướp tài sản, tháng 8/2011).

Theo ông Hiếu, bản thân ông tiếp nhận một số thông tin đồn đại rằng "cơ quan chức năng khóa tài khoản của đối tượng, hung thủ không chi tiêu được số tiền 350 triệu đồng gia đình nạn nhân đã chuyển, dẫn đến sự tức tối mà ra tay sát hại nạn nhân".

Đưa ra quan điểm cá nhân, Thượng tá Đào Trung Hiếu cho rằng đây là bịa đặt ác ý, với mục tiêu hướng dư luận phê phán sai lầm trong thao tác nghiệp vụ của lực lượng phá án. 

Ông Hiếu nhắc lại, sau khi giết nạn nhân hung thủ mới gọi điện đòi tiền chuộc. Để xác định tình tiết trên, vị Thượng tá cho rằng cơ quan điều tra có thể căn cứ thời điểm nhân chứng nhìn thấy hung thủ ướt quần áo và thời điểm cô ta gọi điện tống tiền gia đình nạn nhân.

"Tôi tin lực lượng phá án sẽ không làm gì để kích động đối tượng vì mục tiêu hàng đầu là giải cứu nạn nhân an toàn", Tiến sĩ tội phạm học nhận định.