1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Mái ấm, nhà trẻ là nơi có nguy cơ bạo hành cao

An Huy

(Dân trí) - "Nếu không có được các kỹ năng, phẩm chất đạo đức, đặc biệt là khả năng chịu áp lực cao thì các bảo mẫu rất dễ nảy sinh các hành vi bạo hành trẻ em như ở Mái ấm Hoa Hồng", tiến sĩ Đoàn Văn Báu nói.

Vụ bạo hành trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng, phường Trung Mỹ Tây (quận 12) đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ. TPHCM cũng vừa tiến hành kiểm tra đột xuất và phát hiện nhiều sai phạm tại 2 mái ấm thuộc huyện Củ Chi và quận Bình Thạnh. 

Chuyên gia tâm lý tội phạm đã đưa ra những cảnh báo và cách bảo vệ trẻ trong các mái ấm hiện nay.

Môi trường dễ xảy ra bạo hành

Trao đổi với phóng viên Dân trí, tiến sĩ Đoàn Văn Báu, chuyên gia tâm lý tội phạm cho biết, vụ bạo hành trẻ em ở Mái ấm Hoa Hồng đã gây bức xúc trong dư luận, nhiều người phẫn nộ và lên án hành vi này.

Nhiều người hiện ngạc nhiên, không hiểu tại sao những người làm công việc thiện nguyện, nhân đạo lại có những hành vi bạo hành trẻ em. Tuy nhiên, ông không ngạc nhiên bởi lịch sử trên thế giới và Việt Nam từng chứng minh rằng, các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em lang thang, cơ nhỡ, tàn tật… thường là nơi có nguy cơ xâm hại, bạo hành trẻ em cao nhất. Bởi theo ông, những nơi này có nhiều các yếu tố dẫn đến điều đó.

Mái ấm, nhà trẻ là nơi có nguy cơ bạo hành cao - 1

Lực lượng chức năng căng áo mưa đưa hơn 80 em bé tại Mái ấm Hoa Hồng lên xe khách đưa về các cơ sở bảo trợ xã hội công lập (Ảnh: An Huy).

Theo ông Báu, những trung tâm này thường nhận được nguồn lực xã hội rất lớn, chẳng hạn như tiền bạc, vật chất, thậm chí công sức để chăm sóc các em. Có người chăm sóc miễn phí không lấy lương, thậm chí đem thêm tiền bạc đến đóng góp giúp đỡ.

Nguồn lợi rất lớn như vậy, những người làm ở các trung tâm này dễ phát sinh hành động vụ lợi. Ban đầu, có thể họ thành lập mái ấm vì mục đích nhân đạo, nhưng sau đó nguồn lực quá lớn khiến họ nảy sinh lòng tham.

Họ sẽ phơi bày những hình ảnh đáng thương của các bé lên mạng xã hội, truyền thông để lấy đi tình yêu thương, lòng thiện của những người khác, thu hút được nguồn lợi về cho họ.

Việc nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, mồ côi, tàn tật là những áp lực cho các bảo mẫu. Chúng ta nuôi con bình thường nhiều khi cũng bực bội, thì những người làm công việc này, họ luôn chịu một áp lực dễ dẫn đến hành vi bạo hành. Trường mầm non hoặc các mái ấm rất dễ nảy sinh các hành vi này.

Mái ấm, nhà trẻ là nơi có nguy cơ bạo hành cao - 2

Các em bé hồn nhiên, vui đùa trên xe khách chuẩn bị khởi hành về nơi ở mới chiều 4/9 (Ảnh: An Huy).

Vị chuyên gia cho biết, nếu không có được kỹ năng, phẩm chất đạo đức, đặc biệt chịu áp lực cao, các bảo mẫu rất dễ nảy sinh hành vi bạo hành.

Những cơ sở này thường hoạt động rất kín kẽ. Hình ảnh các trung tâm cho xã hội thấy đều là những điều cao đẹp về yêu thương, chăm sóc trẻ. Những gì sau đó, chúng ta thường không biết nên họ sẽ qua mặt được cơ quan chức năng.

Những người làm công tác quản lý, phòng chống xâm hại trẻ em hay nghĩ rằng người ta làm từ thiện, có lòng nhân ái như vậy làm sao hành hạ trẻ nên chủ quan, không nắm kỹ hoạt động các cơ sở này.

Làm thiện nguyện phải sáng suốt

Tiến sĩ Đoàn Văn Báu cho rằng, để phòng ngừa, ngăn chặn những hành vi bạo hành, đầu tiên là cần tăng cường hoạt động quản lý của cơ quan chức năng, tổ chức xã hội ở địa phương.

Chúng ta không cần quan tâm các mái ấm có cơ quan chủ quản là tổ chức, cá nhân, chính trị xã hội hay của tôn giáo. Chúng ta phải giám sát hoạt động của họ theo tôn chỉ mục đích rõ ràng, không được chủ quan, đó là điều quan trọng nhất.

Thứ hai, những người có lòng nhân ái khi đến các cơ sở này phải sáng suốt, biết quan sát, ghi nhận, đánh giá những biểu hiện bất thường của các em về mặt tâm lý, cơ thể. Từ đó, mọi người nhận định các em có bị xâm hại, bạo hành hay không.

Thậm chí, mọi người có thể đến các cơ sở này đột xuất vào bất cứ giờ nào, kiểm tra xem có gì bất thường, cơ sở vật chất thế nào. Để từ đó, mọi người phát hiện ra những hành vi bạo hành, xâm hại trẻ em và tố cáo đến cơ quan chức năng kịp thời, ngăn chặn và xử lý.

Mái ấm, nhà trẻ là nơi có nguy cơ bạo hành cao - 3

Lực lượng chức năng kiểm tra tại Mái ấm Hoa Hồng chiều 4/9 (Ảnh: An Huy).

Thứ 3, những người làm công tác nuôi dưỡng trẻ em phải thực sự phù hợp với công việc này. Họ phải có phẩm chất đạo đức, khả năng chịu áp lực cao với công việc.

Những ai không có khả năng chịu áp lực, chịu khó, tốt nhất không nên làm những công việc này. Đừng vì thu nhập, tiếng tăm mà đối xử với trẻ một cách thậm tệ, hãy để người khác làm.

Thứ 4, nếu chúng ta đã quyết tâm làm các công việc thiện nguyện, phải làm đúng với bản chất của nó. Khi dính đến tiền bạc, vụ lợi mà buông bỏ trách nhiệm quản lý, lòng yêu thương trẻ, người làm rất dễ vướng những sai phạm.

"Đây là lời cảnh báo không chỉ cho các mái ấm mà là toàn xã hội. Những cơ sở này là điểm nóng cần chú ý nhất vì nó rất dễ nảy sinh các hành vi bạo hành, xâm hại trẻ em", tiến sĩ Đoàn Văn Báu nói.

Đến nay, cơ quan điều tra xác định 5 bảo mẫu tại Mái ấm Hoa Hồng có hành vi hành hạ trẻ em. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, chỉ có 2 trường hợp có mặt tại cơ sở gồm: Nguyễn Thị Ngọc Cẩm (SN 1978, quê Đồng Nai) và T.M.N. (SN 1953, quê Cà Mau); 3 trường hợp không có mặt gồm: N.T.Q. (SN 1983, quê Tiền Giang), Đ.T.K.L. (SN 1978, ngụ TPHCM) và D.N.T. (SN 1977, quê Sóc Trăng).

Qua làm việc, Nguyễn Thị Ngọc Cẩm thừa nhận trong quá trình chăm sóc các trẻ, Cẩm nhiều lần dùng tay đánh vào cơ thể của trẻ để làm các cháu sợ, không quấy phá. Nghi can này đang được Công an quận 12 tạm giữ để điều tra.

Ngày 6/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Thị Ngọc Cẩm và Diệp Ngọc Tuyền (SN 1977, quê Sóc Trăng) về tội Hành hạ người khác, theo Điều 140 Bộ luật hình sự.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM có đầy đủ chứng cứ và cơ sở pháp lý xác định Cẩm và Tuyền đã nhiều lần đánh các cháu bé ở mái ấm.