1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Chuyên án "Dũng mặt sắt": Sung công hàng chục siêu xe

Sau khi chuyên án “Dũng mặt sắt” được Cơ quan cảnh sát điều tra – Bộ Công an triệt phá, hàng chục siêu xe đã bị tạm giữ. Liên quan tới số xe nói trên, một số doanh nghiệp đã có đơn cầu cứu và đề nghị được tái xuất, tuy nhiên cơ quan chức năng đã bác bỏ. Bộ Tài chính cho biết, số xe này sẽ được sung công quỹ.

Hàng chục chiếc siêu xe sẽ được sung công quỹ do không xác định được chủ sở hữu (ảnh minh họa)
Hàng chục chiếc "siêu xe" sẽ được sung công quỹ do không xác định được chủ sở hữu (ảnh minh họa)

Các nội dung trên được nêu ra tại văn bản vừa được Bộ Tài chính báo cáo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình liên quan tới Đơn cầu cứu số CV09/CV-3CT của 3 công ty về lô hàng tạm nhập tái xuất năm 2013.

Trình bày sự việc Bộ Tài chính nêu rõ, ngày 5-3-2013, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an tiến hành phá chuyên án “Dũng mặt sắt”, bắt giữ một loạt xe ô tô tạm nhập tái xuất của Công ty TNHH Tuấn Đông tại cửa khẩu Bắc Phong Sinh (tỉnh Quảng Ninh) và xe của Công ty CP Thương mại Quốc tế NC.

Cơ quan Hải quan đã tiến hành rà soát toàn bộ ô tô tạm nhập tái xuất đang tồn ở Việt Nam, trong đó có 26 xe ô tô đã làm thủ tục và chờ xuất sang Trung Quốc của các công ty là Công ty CP Đầu tư thương mại xuất nhập khẩu Hải Thăng Long (8 xe), Công ty TNHH Trường Giang Móng Cái (9 xe), Công ty CP Thương mại Quốc tế NC (2 xe) và Công ty CP Xuất nhập khẩu Đức Thịnh (7 xe).

Bộ Tài chính cho biết, các lô hàng trên liên quan tới đối tượng đang bị điều tra, vì vậy Cơ quan Hải quan chưa cho tái xuất để tiến hành điều tra xác minh theo yêu cầu của Cơ quan Cảnh sát điều tra.

Trong tổng số 26 chiếc xe được các doanh nghiệp đề nghị cho tái xuất, có 25 xe mới chưa qua sử dụng và 1 xe đã qua sử dụng. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã tiếp nhận 1 xe đã qua sử dụng để phục vụ điều tra vụ án.

Theo hồ sơ của các doanh nghiệp các lô hàng trên được khai báo tạm nhập từ các công ty đối tác tại Hồng Kông (Trung Quốc) và dự kiến tái xuất cho các đối tác khác tại Trung Quốc. Tuy nhiên, kết quả xác minh tại Hong Kong và Trung Quốc, Bộ Tài chính khẳng định việc mua bán xe ôtô của 4 công ty với các đối tác nước ngoài không có thực do các doanh nghiệp này không tồn tại.

Bên cạnh đó, hồ sơ chứng từ 4 doanh nghiệp xuất trình cho hải quan để làm thủ tục tạm nhập tái xuất là giả, nhằm hợp thức hóa vận chuyển lậu hàng hóa từ Hong Kong vào Việt Nam đi Trung Quốc.

Quá trình xác minh đối với các doanh nghiệp trong nước, Bộ Tài chính cho biết, các doanh nghiệp chỉ làm dịch vụ và không thanh toán tiền mua – bán hàng như ghi trong hợp đồng. 3 doanh nghiệp Việt Nam cũng thừa nhận không phải chủ sở hữu của lô hàng. Trong khi các công ty đối tác thực tế cũng không tồn tại vì vậy không xác định được chủ sở hữu của lô hàng. Do vậy, các doanh nghiệp đề nghị trả hàng để tái xuất là không có cơ sở.

Do không xác định được chủ sở hữu lô hàng nên Cơ quan Cảnh sát điều tra quyết định không khởi tố vụ án. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết các lô hàng này sẽ bị tịch thu để sung công quỹ theo đúng quy định.

Theo Anh Tú

An ninh thủ đô