Chưa thể tuyên án Hưng “kính” cùng đồng phạm
(Dân trí) - Do tính chất phức tạp của vụ án, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội quyết định nghị án kéo dài. Sáng 26/7, tòa sẽ tuyên án vụ Hưng “kính” cùng đồng phạm cưỡng đoạt tài sản ở chợ Long Biên.
Sau một ngày xét xử vụ án thu tiền bảo kê ở chợ Long Biên, chiều muộn 25/7, bị cáo Nguyễn Kim Hưng (tức Hưng “kính”) và nhóm đàn em được nói lời sau cùng trước khi HĐXX vào nghị án.
Trong lời sau cùng, các bị cáo đều tỏ thái độ thành khẩn, đồng thời gửi lời xin lỗi gia đình bị hại là chị Nghiêm Thúy Nga, anh Hoàng Anh Hà, mong anh chị bỏ qua mọi sự đã xảy ra. Hưng “kính” và nhóm đàn em đều mong muốn HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt để sớm quay trở về với gia đình, với xã hội.
Do tính chất phức tạp của vụ án, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội quyết định nghị án kéo dài. Sáng 26/7, tòa sẽ tuyên án.
Trước đó, đại diện Viện kiểm sát đề nghị tòa cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo Nguyễn Kim Hưng mức án từ 4 năm 6 tháng đến 5 năm tù; Nguyễn Hữu Tiến từ 3 năm 6 tháng đến 4 năm; Lê Thanh Hải từ 4 năm đến 4 năm 6 tháng tù; Nguyễn Mạnh Long từ 4 năm đến 4 năm 6 tháng tù và Dương Quốc Vương từ 3 năm 6 tháng đến 4 năm tù cùng về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.
Theo VKS, căn cứ vào quá trình thẩm vấn công khai tại phiên tòa, lời khai của các bị cáo cùng các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, Viện KSND TP Hà Nội có đủ cơ sở kết luận, các bị cáo lợi dụng hợp đồng lao động ký kết với Ban quản lý chợ Long Biên, lợi dụng công việc của mình để có hành vi xâm phạm đến nhân thân của bị hại. Mỗi bị cáo thực hiện với mỗi vai trò khác nhau.
Chị Nghiêm Thúy Nga nhiều lần bật khóc trước tòa.
Trong đó, bị cáo Hưng giữ vai trò cầm đầu, chỉ huy mọi hoạt động của những bị cáo khác. Xét vai trò, mức độ hành vi của từng bị cáo, bị cáo Hưng phải chịu hình phạt cao hơn so với các bị cáo còn lại. Bị cáo Hưng có tình tiết giảm nhẹ là đã nộp tiền khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, các bị cáo đều bị xem xét tình tiết tăng nặng là phạm tội 2 lần trở lên.
Về hành vi, cơ quan công tố nhận định, hành vi của các bị cáo gây ra là rất nghiêm trọng, gây bất bình trong quần chúng nhân dân, nên cần áp dụng hình phạt tù, để phòng ngừa chung cho xã hội.
Khi chủ tọa hỏi về việc đề nghị các bị cáo bồi thường đối với những tổn thất gây ra, bị hại trong vụ án là chị Nghiêm Thúy Nga đã bật khóc lớn. Bị cáo nhắc lại trước những áp lực rất lớn mà nhóm bị cáo gây ra. Chị đã hai lần muốn tìm đến cái chết.
Khi các bị cáo bị bắt, chị vẫn tiếp tục chịu nhiều sức ép vô hình. Chị không yêu cầu bồi thường bởi những thiệt hại do các bị cáo gây ra đã qua mà chỉ đề nghị xử đúng người, đúng tội để còn tinh thần, làm ăn buôn bán.
Trong khi đó, Hưng “kính” nghẹn ngào nói lời xin lỗi tới các hộ kinh doanh tại chợ Long Biên vì trong thời gian qua “đã có những cái chưa làm đúng theo quy định của Ban quản lý chợ giao, để bê trễ công việc và cách ứng xử thiếu văn minh, chưa đúng mực, đặc biệt với hộ chị Nga, anh Hà”.
Tự bào chữa, Hưng “kính” chỉ mong tòa xem xét vì bị cáo nhiều bệnh tật nên mong được trở về sớm với gia đình.
Tại phần tranh tụng, luật sư Trần Đình Triển bất ngờ đề nghị HĐXX trả hồ sơ, điều tra lại và yêu cầu phải xác định rõ cả trách nhiệm của Ban quản lý chợ Long Biên. Luật sư Triển cho rằng có dấu hiệu đồng phạm của những người đứng đầu BQL chợ Long Biên, khi sử dụng các đối tượng có tiền án tiền sự làm việc trong chợ và để cho việc bảo kê diễn ra kéo dài trong thời gian dài.
Luật sư Đặng Xuân Cường (Công ty luật Trương Anh Tú - Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, các luật sư bảo vệ cho người bị hại đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề liên quan nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng “cắt gọt”. Đây mới là những vấn đề mấu chốt trong vụ án, là nguyên nhân, điều kiện để các bị cáo dễ dàng thực hiện hành vi phạm tội.
Tiến Nguyên