Chủ tịch Louis Holdings đổ trách nhiệm cho đồng bọn vụ "thổi giá" cổ phiếu
(Dân trí) - Chủ tịch Louis Holdings khai không biết gì về chứng khoán và chỉ biết "nộp tiền", còn cựu TGĐ Chứng khoán Trí Việt lại cho rằng toàn bộ hành vi thao túng giá cổ phiếu là do ông Nhân chủ mưu.
Sau khi VKSND Hà Nội hoàn tất việc công bố bản cáo trạng, phiên tòa xét xử 8 bị cáo trong vụ án Thao túng thị trường chứng khoán bắt đầu với phần xét hỏi.
Trước tòa, Đỗ Thành Nhân (Chủ tịch Công ty Louis Holdings) mong muốn được HĐXX đánh giá lại vai trò của mình trong vụ án. Bị cáo phủ nhận cáo buộc của VKS rằng bản thân là người khởi xướng, chủ mưu, đồng thời thu lời bất chính số tiền hơn 150 tỷ đồng.
"Bị cáo lệ thuộc hoàn toàn vào sự tư vấn và nguồn tài chính của người khác", bị cáo Nhân nói.
Theo Chủ tịch Louis Holdings, ông ta và Công ty Chứng khoán Trí Việt hợp tác kinh doanh bằng việc góp vốn với tỷ lệ 50-50. Bị cáo Nhân cùng Đỗ Đức Nam (cựu Tổng Giám đốc Chứng khoán Trí Việt) thực hiện các hoạt động để thao túng giá 2 mã cổ phiếu.
Khai với HĐXX, bị cáo Nhân cho biết, bản thân chỉ có nhiệm vụ "nộp tiền", còn việc mua cổ phiếu với số lượng bao nhiêu, giá như nào, đặt lệnh mua... đều do Công ty Trí Việt quyết định và thực hiện.
"Bị cáo không thực hiện các lệnh giao dịch mà do Nam làm. Còn Nam chỉ đạo những ai làm thì bị cáo không biết. Số lượng cổ phiếu mua về chính là tài sản đảm bảo để vay vốn từ Chứng khoán Trí Việt", bị cáo Nhân khai.
Về cáo buộc "huy động" người nhà, người thân, nhân viên mở hàng loạt tài khoản chứng khoán để thao túng cổ phiếu, ông Nhân phân trần là mỗi tài khoản bị giới hạn mua nên nếu muốn mua số lượng lớn, cần phải lập nhiều tài khoản.
"Bị cáo không biết gì về chứng khoán. Khi thực hiện hành vi trên, bị cáo không biết đó là vi phạm pháp luật, mãi sau này khi được cơ quan điều tra giải thích, bị cáo mới hiểu", Chủ tịch Louis Holdings trình bày.
Tiếp tục bị chất vấn về cáo buộc lập trang Facebook để lôi kéo nhà đầu tư, bị cáo Nhân giải thích mục đích tạo trang là để trao đổi thông tin, không có ý định "lùa gà". Bị cáo nói bản thân cũng không nhận thức được việc đăng bài hứa hẹn mã cổ phiếu sẽ tăng là sai phạm.
Đối với kết luận được hưởng lợi 152 tỷ đồng, bị cáo Nhân cho rằng số tiền này là lợi nhuận của công ty chứ không phải cá nhân bị cáo được hưởng.
Ngay sau đó, HĐXX yêu cầu bị cáo Nam đứng lên bục khai báo để chất vấn. Trước tòa, bị cáo này phủ nhận toàn bộ lời khai của ông Nhân.
Theo Nam, việc Trí Việt giao dịch cổ phiếu đều là từ nhu cầu của khách vay, cụ thể ở đây là ông Nhân. "Trí Việt không cung cấp dịch vụ online nên muốn đặt lệnh thì phải thông qua Trí Việt. Bản chất Trí Việt chỉ là thao tác hộ, giao dịch theo nhu cầu khách hàng", ông Nam khai trước HĐXX.
Chủ tọa sau đó cho 2 bị cáo đối chất nhưng quan điểm của 2 người giữ nguyên và hoàn toàn đối ngược nhau.
Theo cáo trạng, cổ phiếu BII ban đầu được mua với giá 1.000-5.000 đồng/CP, còn TGG là 1.800-6.000 đồng/CP. Sau khoảng 9 tháng, các bị cáo đã thao túng, mua đi bán lại cổ phiếu, đẩy giá BII lên đỉnh là 33.800 đồng/CP và 74.800 đồng/CP TGG.
Sau khi các bị cáo "chốt lời", TGG và BII rơi vào trạng thái mất thanh khoản, tụt giá, nằm sàn.