1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn có bị tuyên án khi đang bỏ trốn?

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Theo chuyên gia pháp lý, mặc dù bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Chủ tịch Công ty AIC đang bỏ trốn, nhưng cơ quan điều tra, tố tụng vẫn có thể khởi tố, truy tố và xét xử, tuyên án nữ chủ tịch này.

Trường hợp hy hữu trong lịch sử tố tụng?

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (AIC) và các đơn vị liên quan.

Đồng thời, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án kèm theo bản kết luận điều tra đến Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao đề nghị truy tố 36 bị can về 5 tội danh nói trên.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng 7 người đang bỏ trốn nhưng vẫn bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố trong vụ án trên. 

Theo đó, bà Nhàn bị đề nghị truy tố về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và tội "Đưa hối lộ".

Ngày 11/11, Bộ Công an yêu cầu các bị can này ra đầu thú để được hưởng khoan hồng; nếu không, cơ quan điều tra coi đó là từ bỏ quyền tự bào chữa và vụ án vẫn được kết luận theo quy định của pháp luật.

Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn có bị tuyên án khi đang bỏ trốn? - 1

Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn. (Ảnh: AIC).

Một số chuyên gia pháp lý cho rằng, đây là trường hợp hy hữu trong lịch sử tố tụng. Thông thường các bị can bỏ trốn, cơ quan tố tụng sẽ tạm đình chỉ điều tra đối với bị can, chờ bắt được sẽ xử lý sau.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Đề nghị truy tố đối với bị can đang bỏ trốn, đang bị truy nã là chuyện rất hy hữu, hiếm gặp nhưng vẫn có cơ sở pháp lý. 

Ông Cường giải thích, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có quy định về việc xét xử vắng mặt đối với bị can đang bị truy nã. Cụ thể, Khoản 2, Điều 290 bộ luật này quy định, tòa án chỉ có thể xét xử vắng mặt bị cáo trong các trường hợp: Bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả; Bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa; Bị cáo đề nghị xét xử vắng mặt và được Hội đồng xét xử chấp nhận;...

"Để xét xử bị cáo đang bị truy nã thì trước đó VKS phải có cáo trạng để truy tố, đề nghị xét xử đối với bị can đó. Có thể sau khi truy tố thì bị can bỏ trốn nên bị truy nã và vẫn xét xử. Còn trường hợp nếu VKS không truy tố đối với bị can thì không có căn cứ để tòa án xét xử đối với bị can đó", ông Cường giải thích thêm.

Cũng theo ông Cường, trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày VKS nhận được bản kết luận điều tra và hồ sơ vụ án mà bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn đầu thú, thì VKS sẽ quyết định tạm giam đối với bị can này và sẽ ghi nhận việc đầu thú là tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự quy định tại Khoản 2, Điều 51 Bộ luật Hình sự.

Trong thời hạn truy tố và xét xử, nếu bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả, lập công chuộc tội... thì đó là những tình tiết giảm nhẹ đáng kể trách nhiệm hình sự trong vụ án này.

Bị can đang bỏ trốn - vẫn khởi tố, truy tố, xét xử bình thường

Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn có bị tuyên án khi đang bỏ trốn? - 2

Trụ sở Công ty AIC tại số 69 Tuệ Tĩnh (quận Hai Bà Trưng - Hà Nội). (Ảnh: Nguyễn Dương).

Trở lại vấn đề Cơ quan điều tra đề nghị truy tố đối với bị can khi đang bỏ trốn, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Trương Việt Toàn - nguyên Phó chánh án Tòa án nhân dân TP Hà Nội cho biết, nhiều năm làm chủ tọa các vụ án lớn ông chưa từng xét xử vụ nào mà bị can đang bỏ trốn. Tuy nhiên, ông nói chứng kiến nhiều vụ tương tự, VKS truy tố và tòa vẫn tuyên án với người bỏ trốn.

Bởi vậy, trong vụ án trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố 36 bị can, trong đó có bà Nhàn cùng 7 người khác đang bỏ trốn là "không đặc biệt" và "không sai về tố tụng".

Ông Toàn phân tích: "Bị can bỏ trốn thì quá trình điều tra, xét xử chỉ thiếu lời khai của họ chứ không làm thay đổi bản chất vụ án. Cơ quan tố tụng sẽ dựa vào toàn bộ chứng cứ có trong hồ sơ và tài liệu, lời khai của các bị can hoặc người liên quan khác để làm căn cứ truy tố, xét xử".

Cũng về vấn đề này, một thẩm phán ở cấp tòa án Trung ương chia sẻ, việc bị can Nhàn cùng các bị can khác bỏ trốn, cơ quan điều tra, tố tụng vẫn có thể khởi tố, truy tố và xét xử một cách bình thường. Việc này đều được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự.

"Lời khai nhận tội của bị cáo tại phiên tòa không phải là chứng cứ để kết tội họ. Trừ khi lời khai của bị cáo tại tòa mà phù hợp với các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án thì tòa mới sử dụng làm chứng cứ kết tội bị cáo. Do đó, trong vụ án AIC, tòa án vẫn có thể xét xử vắng mặt và tuyên án đối với các bị can, bị cáo đang bỏ trốn. Khi bản án có hiệu lực, tòa án vẫn phát hành bản án theo đúng quy định pháp luật, còn cơ quan thi hành án sẽ thực hiện chức năng của họ. Khi bắt được bị cáo hoặc bị cáo ra đầu thú thì sẽ phải chấp hành bản án", vị thẩm phán trên giải thích.

Trước đó, như đã đưa tin, theo bản kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) mới ban hành, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã có hành vi đưa hối lộ kéo dài suốt 10 năm.

Chỉ riêng Dự án Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, bà Nhàn đã đưa hối lộ Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và Giám đốc Sở Y tế của tỉnh Đồng Nai thời điểm thực hiện dự án là 43,8 tỷ đồng.

Cũng theo bản kết luận điều tra, thời điểm thực hiện dự án trên dàn lãnh đạo tỉnh Đồng Nai từ Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Sở Y tế,... đã bị bà Nhàn "thao túng" bằng tiền. Đổi lại, Công ty AIC của bà Nhàn đã trúng 16 gói thầu tại dự án, qua đó hưởng lợi trái pháp luật gần 150 tỷ đồng.