1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Chợ mua bán xe không giấy tràn lan trên mạng xã hội sau Tết

Hoàng Hướng

(Dân trí) - Không chỉ mua bán xe không giấy, nhiều thành viên trong các hội nhóm còn rao bán, trao đổi khung sườn xe máy cùng số khung, số máy và giấy tờ trên mạng xã hội.

Dù cơ quan chức năng đã nhiều lần xử lý, tuy nhiên các chợ mua bán xe không giấy (xe không có giấy tờ chứng minh quyền sở hữu) vẫn ngang nhiên hoạt động công khai trên mạng xã hội.

Xe nào cũng có

Chỉ cần gõ từ khóa "mua bán xe không giấy" trên Facebook, có hàng chục hội nhóm kín lẫn công khai với đông người tham gia. Bên trong các hội nhóm này, liên tục có những bài rao bán xe không giấy, khung sườn xe mô tô với đầy đủ số khung, số máy kèm theo các loại giấy tờ. 

Trên các trang nhóm mua bán xe không giấy, có đủ loại xe, giá các xe này được rao bán chỉ từ 1 đến 20 triệu đồng tùy thuộc thương hiệu, độ mới.

Chợ mua bán xe không giấy tràn lan trên mạng xã hội sau Tết - 1

Hàng loạt bài rao bán xe máy không giấy tờ trên các hội nhóm trên mạng xã hội (Ảnh: Mạng xã hội).

"Kho xe máy bên em thanh lý lô xe không giấy tờ giá rẻ. Với các dòng xe SH, SH Mode, Wave, Dream, Lead,… Giá chỉ từ 5 đến 15 triệu đồng, đảm bảo uy tín, chất lượng. Khách hàng vui lòng kết bạn để bên em tư vấn và xem ảnh xe máy. Em hỗ trợ vận chuyển 63 tỉnh thành cho anh chị ở xa không qua kho xem được", một tài khoản rao bán xe trong nhóm Chợ mua bán xe máy cũ TPHCM.

Tương tự tại nhiều hội nhóm khác, việc rao bán xe cũ không giấy tờ vẫn hoạt động rầm rộ.

Vào nhóm "Hội mua bán xe Noop không giấy MBC uy tín" với gần 74.000 người tham gia, chỉ trong một ngày nhóm này có hơn chục bài đăng bán xe không giấy tờ, thậm chí rao bán luôn cả sườn xe kèm theo số khung, số máy và giấy tờ liên quan.

Trong nhiều bài rao trong nhóm này, trong vai là một khách hàng, phóng viên liên hệ tài khoản có tên T.J. vờ mua sườn xe. Người này báo giá bộ sườn có số khung, số máy và cà vẹt của xe máy hiệu Honda biển số 36B8-306.30 có giá 2,5 triệu đồng.

"Bộ này mình bao check, bao tranh chấp toàn quốc nha. Mua về chỉ cần hàn vô là bao công an luôn, vì dàn áo che hết mấy mối hàn rồi", người này nói. 

Sau những bài rao bán xe không giấy giá rẻ trên các hội nhóm này, một số người nhẹ dạ cả tin bị kẻ xấu lừa tiền đặt cọc chiếm đoạt tài sản.

Anh A.V. (25 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) cho biết, vừa bị lừa 1 triệu đồng tiền đặt cọc mua xe.

Theo đó, sau khi lướt mạng xã hội thấy nhiều bài đăng bán xe máy giá rẻ trong một hội nhóm mua bán xe cũ ở TPHCM nên anh V. liên hệ.

"Để phục vụ nhu cầu công việc tôi hỏi mua xe tay ga trong bài đăng với giá rao bán chỉ 4 triệu đồng. Khi tôi liên hệ, người này bảo hiện xe đã có nhiều người hẹn lấy, muốn mua được xe này thì cần đặt cọc 1 triệu đồng. Vì thấy xe còn mới, giá lại rẻ nên tôi đồng ý chuyển cọc, sau khi chuyển tiền người này đã chặn tài khoản tôi. Khi đó, tôi mới biết mình bị lừa", anh V. cho hay. 

Không chỉ anh V., nhiều người khác cũng bị các đối tượng dẫn dụ, lừa tiền đặt cọc với cùng thủ đoạn trên. 

Rủi ro pháp lý khi mua xe không giấy 

Trao đổi với phóng viên, luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình, Đoàn Luật sư TPHCM) đánh giá, việc mua bán các loại xe không giấy trên các mạng xã hội như hiện nay tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, rủi ro về pháp lý cho người mua.

Đối với các loại xe không giấy, người mua không thể thực hiện các thủ tục sang tên, đăng ký xe, chưa có quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản. Thông qua các công tác đăng ký, đăng kiểm, điều tra giải quyết các vụ tai nạn… người mua các loại xe không giấy có thể bị xử lý về lỗi xe không chính chủ.

Ngoài ra, nếu người mua biết xe là tài sản do phạm tội mà có nhưng vẫn mua thì việc mua bán sẽ bị vô hiệu, người mua sẽ đối mặt với nguy cơ mất tiền, xe đã mua sẽ phải giao cho cơ quan công an để phục vụ điều tra và bàn giao lại cho người bị mất.

Bên cạnh đó, người mua xe còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.

Chợ mua bán xe không giấy tràn lan trên mạng xã hội sau Tết - 2

Bộ số khung, số máy, cà vẹt xe được rao bán riêng (Ảnh: Mạng xã hội).

Việc mua các loại xe không giấy phần nào góp phần giúp sức cho các đối tượng xấu tiêu thụ các loại xe gian, thậm chí là "hô biến" các loại giấy tờ nhằm hợp thức hóa xe gian.

Tùy theo mức độ vi phạm mà người mua bán các loại xe không có giấy tờ, không rõ nguồn gốc xuất xứ sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Căn cứ theo quy định tại Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP, người mua các loại xe không giấy, không rõ nguồn gốc có thể bị phạt tiền từ 400.000 đến 600.000 đồng đối với cá nhân, từ 800.000 đến 1,2 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy. Phạt tiền từ 2 đến 4 triệu đồng đối với cá nhân, từ 4 đến 8 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe.

Ngoài ra, nếu đủ các dấu hiệu cấu thành tội hình sự, người thực hiện hành vi mua bán, trao đổi các loại xe không giấy, không rõ nguồn gốc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có với mức hình phạt cao nhất lên đến 15 năm tù giam, đồng thời còn có thể bị phạt tiền lên đến 50 triệu đồng hoặc tịch thu một phần, tịch thu toàn bộ tài sản.

Một cán bộ công an TPHCM khuyến cáo, việc mua bán xe cần tuân thủ đúng trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Người dân không nên chủ quan, ham rẻ mà sập bẫy lừa đảo của các đối tượng. Tuyệt đối không chuyển tiền đặt cọc khi chưa xác định rõ người bán là ai, đáng tin hay không.

Không mua xe khi chưa kiểm tra rõ nguồn gốc, xuất xứ. Việc mua các loại xe không giấy tờ có thể phạm tội chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Trước đó, giữa tháng 12/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM (PC01) đã phá đường dây "phù phép" hàng nghìn xe cũ thành xe mới tại cửa hàng bán xe máy Tân Tiến do Bùi Văn Tân (43 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) làm chủ.

Mở rộng điều tra, cơ quan công an đã khởi tố, bắt tạm giam 12 đối tượng về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Mua bán tài liệu của cơ quan tổ chức.