1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Chích máu tìm được... kẻ gian?

Người dân tộc Ca Dong, Xê Đăng ở huyện miền núi Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam có tập tục chích máu vào tay để tìm kẻ gian. Nghe có vẻ mê tín, nhưng thực tế cho thấy, dân làng vẫn tìm được thủ phạm từ cách xử dân gian này!

Người Xê Đăng, Ca Dong ở Nam Trà My thường sống quần cư trên các triền đồi
Người Xê Đăng, Ca Dong ở Nam Trà My thường sống quần cư trên các triền đồi

Ở nhiều xã xa xôi của huyện Nam Trà My, người dân sống cheo leo trên các đỉnh đồi. Sáng sớm, những đám sương trắng vắt ngang qua nóc nhà. Ở xứ xở hư ảo này chứa đựng một phong tục lạ chưa được lý giải. Đó là tục chích máu tìm kẻ gian.

Giải quyết mâu thuẫn bằng chích máu

Anh Hồ Văn Thơm - cán bộ văn phòng xã Trà Cang, cũng là một người Xê Đăng - từng nhiều lần chứng kiến tục chích máu trong làng. Lần đầu tiên vào năm 2001, ông Hồ Văn Lùng đặt bẫy được 1 con trút. Một người đi rừng thấy vậy đã nói cho ông Hồ Văn Quả ở thôn 2, ông Quả tự nhận là bẫy của mình rồi mang về bán được 2 triệu đồng. Khi ông Lùng hỏi thì ông Quả một mực chối tội. Sự việc này được giải quyết bằng cách chích máu. Cuối cùng, ông Quả buộc phải đền tiền cho ông Lùng và chịu phạt.

Anh Hồ Văn Thơm kể về tập tục chích máu tìm kẻ gian
Anh Hồ Văn Thơm kể về tập tục chích máu tìm kẻ gian
 
Hay như năm 2012, tại thôn 7, xã Trà Cang, anh Hồ Văn Kiêu bị mất trộm chiếc điện thoại di động. Anh Kiêu xin làng cho chích máu để tìm ra kẻ gian. Do làng này có 2 khu dân cư được phân định bởi tuyến đường liên thôn chạy ngang qua nên già làng yêu cầu đại diện khu dân cư trên đường và khu dưới đường ra chích máu.

Người đại diện ở khu dân cư dưới đường bị chảy máu nên già làng yêu cầu các hộ trong khu này tiếp tục chích máu. Cuối cùng Hồ Thị T. (23 tuổi) bị chảy máu và đã đem điện thoại trả lại cho Kiêu.

Người bị nghi oan được đền bù

Theo anh Thơm, thể thức thực hiện tục chích máu cũng tương đối rườm rà. Vào ngày già làng chọn, những người có liên quan sẽ tập trung ở cuối làng hoặc nơi đang tranh chấp lúc sáng tinh mơ, khi gà chưa gáy, mặt trời chưa mọc. Những người chích máu không được ăn uống trước khi chích. Sau đó, già làng phân công 1 người đàn ông uy tín vót 2 que nứa dài chừng 5 cm phát cho 2 người tham gia chích máu.

Trước khi tiến hành, mỗi người sẽ cầm que nứa giơ lên trời vái lạy sông núi, thần linh về chứng giám để giúp dân làng tìm ra người đúng, kẻ sai: “Ông trời, ông đất ơi! Ăn máu thì phải hút máu của hắn, trả lại sự công bằng cho tôi”.

Vái xong, người này sẽ dùng que nứa chích vào bàn tay trái của người kia. Cứ thế họ chích với nhau đến khi người chứng giám thấy đủ độ sâu (thường thì chích vào thịt khoảng 1 cm) và già làng sẽ hô: “Rút que!” Nếu vết chích của người nào bị chảy máu, chứng tỏ người đó có lỗi.

Theo quy định của làng, một khi đã tiến hành chích máu thì người yêu cầu phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho những người bị nghi oan. Nghĩa là người bị nghi ngờ đã chích nhưng không chảy máu, sẽ được đền heo, gà, vịt…

Khó lý giải

“Tôi cũng không hiểu vì sao mà người thắng cuộc chỉ bị thâm da, không chảy máu, trong khi kẻ gian máu chảy xối xả” - anh Thơm nói.

Ông Nguyễn Đỗ Tri, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Cang, cho biết: “Chưa ai giải thích được từ đâu có tục lệ này. Tuy có vẻ mê tín, nhưng đây là cách của dân gian, lại chủ yếu tìm ra kẻ xấu nên không bị cấm. Tuy chỉ là tục lệ nhưng mọi người đều xem như một phiên tòa công lý để giải quyết mâu thuẫn”.

Đời sống người dân miền núi Nam Trà My còn rất khó khăn
Đời sống người dân miền núi Nam Trà My còn rất khó khăn

Tục chích máu còn được áp dụng để xử tội những thanh niên trai gái hư hỏng. Trong làng, cô gái nào chưa chồng mà mang bầu thì thanh niên trong làng sẽ bị chích máu để tìm ra “tác giả”. Cô gái cũng sẽ bị chích máu để xác định “tác giả” có trong làng hay không.

Nếu tay cô gái chảy máu thì kẻ gian là người ngoài làng. Một khi chích máu tìm được thủ phạm, đôi trai gái phải nộp phạt heo, gà, vịt… cho làng cúng. Cũng chính vì sợ bị chích máu nên thanh niên, trai gái ở các làng hiếm khi dám nếm “trái cấm” trước khi kết hôn.

Xem ra tục lệ này mãi mãi là tục lệ của người vùng cao vì chích máu sẽ tiềm tàng nhiều nguy cơ mà người tỉnh, thành khó chấp nhận.

Theo Trần Thường

NLĐ