1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Cháy lan sang nhà hàng xóm, ai bồi thường?

Sau khi vụ cháy xảy ra trên phố Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội) vào trưa ngày 1.11 khiến 13 người tử vong, nhiều ngôi nhà khác bị ảnh hưởng nghiêm trọng, dư luận đang băn khoăn và đặt câu hỏi về việc bồi thường trong vụ việc này.


Cảnh tượng tan hoang sau vụ cháy.

Cảnh tượng tan hoang sau vụ cháy.

Theo đó, những ngôi nhà bên cạnh bị cháy lan sang thì việc bồi thường sẽ được xử lý như thế nào? Ai là người phải bồi thường cho những chủ nhân của ngôi nhà bị cháy lan sang này. Luật sư Nguyễn Quang Ngọc – Thành viên Đoàn Luật sư TP. Hà Nội chia sẻ rõ hơn về vấn đề này đến bạn đọc.

Luật sư Nguyễn Quang Ngọc cho hay, trước tiên để xác định rõ các nhà bị cháy được bồi thường, ai là người bồi thường, trước hết cần phải xác định được nguyên nhân trực tiếp dẫn tới việc cháy là do đâu? Tại khoản 2 Điều 3 Luật phòng cháy chữa cháy 2001 sửa đổi, bổ sung năm 2013 quy định chất nguy hiểm về cháy, nổ là chất lỏng, chất khí, chất rắn hoặc hàng hoá, vật tư dễ xảy ra cháy, nổ. Các cơ sở kinh doanh phải tuân thủ các quy định về phòng cháy chữa cháy theo quy định tại điều 4 Luật này.

Trong vụ việc này, nguyên nhân ban đầu có thể do hàn xì gây ra cháy, nổ. Khi hàn xì tại khu vực dễ cháy được xác định là nguồn nguy hiểm cao độ gây cháy. Việc bồi thường thiệt hại thuộc trường hợp bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra quy định tại Điều 623 Bộ luật dân sự 2005.

Việc bồi thường và chủ thể bồi thường được xác định như sau:

Chủ thể bồi thường: Căn cứ vào khoản 2 Điều 623 Bộ luật dân sự 2005 và Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 8.7.2006 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật dân sự 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra có thể được áp dụng với các chủ thể sau: Chủ sở hữu: Người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ; Người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật nguồn nguy hiểm cao độ.

Việc xác định ai trong số các chủ thể trên phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể.

Điều 165 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định nguyên tắc thực hiện quyền sở hữu, Do đó, khi có thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, trách nhiệm bồi thường trước hết được đặt ra cho chủ sở hữu, trừ trường hợp chủ sở hữu chứng minh được trách nhiệm thuộc về người khác. Điều này có nghĩa là nếu thuộc trường hợp phải bồi thường thiệt hại thì chủ sở hữu của chất cháy/ thiết bị gây cháy tại số nhà 68 Trần Thái Tông sẽ phải bồi thường (trừ trường hợp chủ sở hữu này cho người khác thuê, mượn chất cháy này).

Thứ hai, về các trường hợp được bồi thường: Theo quy định trên thì trong trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ (chất cháy chứa trong bình gas để hàn hoặc thiết bị hàn điện) gây ra thiệt hại thì chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây: Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại; Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Thứ ba: Về thông tin chủ chiếm hữu tại địa điểm 68 Trần Thái Tông kinh doanh Karaoke nhưng chưa đáp ứng đủ các điều kiện kinh doanh mà đã kinh doanh là vi phạm nghiêm trọng khoản 6 điều 13 Luật phòng cháy chữa cháy.

Như vậy, ngoài hai trường hợp trên, chủ sở nguồn nguy hiểm/ cơ sở kinh doanh tại 68 Trần Thái Tông sẽ phải bồi thường thiệt hại đã xảy ra cho 03 nhà bên cạnh theo đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra theo quy định tại khoản 1 điều 63, chủ cơ sở này có thể bị xử phạt hành chính và xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo luật sư Ngọc, để có đủ cơ sở kết luận chủ nguồn nguy hiểm cao độ hay chủ cơ sở kinh doanh phải bồi thường thì cần phải dựa vào kết luận chính thức của cơ quan chức năng về việc này. Ngoài ra, đây là vụ việc gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, tính mạng con người nên cần có đánh giá khách quan về nguyên nhân gây cháy để có giải pháp phòng ngừa đồng thời cần làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của cá nhân tổ chức quản lý nhà nước có liên trong công tác quản lý phòng chữa cháy.

"Ðiều 623 - Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra:

1. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải tuân thủ các quy định bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật.

2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

3. Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây: a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại; b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

4. Trong trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại. Khi chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ cũng có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

Theo Cao Nguyên

Lao động