1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Nghệ An:

Chân dung ông Phó giám đốc “bán trời không văn tự”

(Dân trí) - Với khả năng hoạt ngôn, Lâm tự tạo cho mình vỏ bọc của một đại gia tiêu tiền không tiếc tay khiến nhiều người tin tưởng và đưa tiền để gã tìm hộ việc làm, chạy dự án xây dựng. Việc không thấy đâu, hơn 50 người trình báo công an nhờ can thiệp.

Chân dung ông Phó giám đốc “bán trời không văn tự” - 1

Với vỏ bọc của một đại gia tiêu tiền không tiếc tay, Bùi Xuân Lâm dễ dàng lừa hàng chục người với số tiền lên tới gần 4 tỷ đồng

Sức nóng vụ Phó Giám đốc Trung tâm văn hóa thông tin tỉnh Nghệ An lừa đảo rồi ôm tiền tỷ bỏ trốn chỉ dịu xuống khi chiều ngày 10/2, Bùi Xuân Lâm đến trụ sở cơ quan cảnh sát điều tra để tự thú. Theo Đại tá Đào Hồng Lập - Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ Công an tỉnh Nghệ An - hiện tại đã có 50 nạn nhân gửi đơn tố cáo Bùi Xuân Lâm với số tiền bị lừa lên tới gần 4 tỷ đồng. Ông Lập dự báo, trong những ngày tới, số nạn nhân đến trình báo sẽ còn tăng. “Trong quá trình điều tra, ngoài việc liên quan đến lừa đảo xin việc làm, Bùi Xuân Lâm còn liên quan đến các vụ chạy dự án xây dựng. Hiện tại qua đường dây nóng, chúng tôi đã tiếp nhận 3 trường hợp tố cáo Lâm về vấn đề này”, Đại tá Lập cho biết thêm.

Bùi Xuân Lâm sinh năm 1978, trú tại xã Tường Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An), có vợ là giáo viên trường mầm non và 2 con trai. Cuối năm 2010, từ vị trí là Phó giám đốc Trung tâm văn hóa huyện, Lâm được đề bạt lên vị trí Phó giám đốc Trung tâm văn hóa tỉnh. Cũng từ đây, chân dung một vị phó giám đốc siêu lừa mới bắt đầu được phát giác bởi với đồng lương của mình, không thể nào cho Lâm hưởng thụ một cuộc sống vương giả đến thế. Đi từ quê xuống cơ quan, Lâm không đi xe khách như những người khác mà thuê hẳn một chiếc xe riêng. Khi biết người tài xế đang có tang, lập tức Lâm xuống thuê một chiếc khác để chạy về Vinh mà không thèm đôi co lấy lại tiền. Cái sự tiêu tiền thoáng đến kỳ lạ của Lâm cũng chính là một vỏ bọc hoàn hảo khiến nhiều nạn nhân dễ dàng tự chui đầu vào tròng.

Đi ăn uống hay bất cứ chuyện gì Lâm không để cho người khác trả tiền. Thậm chí vào quán nước, ông Phó giám đốc sẵn sàng trả 100 nghìn cho một ly cà phê 20 nghìn. “Khám xét phòng trọ của Lâm chúng tôi thực sự choáng váng bởi hàng bì tải hoa quả, bánh trái cao cấp được vứt xung quanh nhà. Có vẻ những thứ này đã quá thừa mứa với Lâm”, Trung tá Hồ Khắc Hùng, phụ trách vụ án cho biết. Nhưng ít ai biết rằng, ở quê nhà, vợ con Lâm vẫn phải sống một cách chật vật bởi đồng lương giáo viên mầm non quá ít ỏi. Ngay sau khi vụ vỡ nợ của chồng được phát giác, người vợ khốn khổ và 2 đứa trẻ suốt ngày phải tiếp những vị khách đến đòi nợ Lâm. Đến nỗi, chị không dám ở nhà mình mà phải ôm hai con về nhà ngoại lánh nạn.

Với cái mác Phó giám đốc, tiêu tiền không phải nghĩ lại khoe khoang mình có nhiều mối quan hệ ở cấp to nên Bùi Xuân Lâm dễ dàng thực hiện được các phi vụ lừa đảo. “Trong vụ việc này, cũng cần phải nói thêm rằng nguyên nhân một phần cũng thuộc về các nạn nhân. Do sức ép việc làm quá lớn nên khi biết người có thể chạy việc cho mình, họ sẵn sàng đưa tiền đến nhờ vả. Lợi dụng điều này, Bùi Xuân Lâm dễ dàng thực hiện trót lọt các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người. Thậm chí, trong số các nạn nhân của Lâm cũng có người làm trong ngành công an, Viện KSND”, Đại tá Đào Hồng Lập cho biết thêm.

Lợi dụng vị trí công tác và sự quen biết Lâm đã gợi ý xin việc cho nhiều người và rêu rao khả năng chạy dự án để lừa các doanh nghiệp xây dựng có năng lực nhưng đang “khát”công trình. Lâm trực tiếp nhận tiền và hồ sơ của các nạn nhân hoặc thông qua môi giới. Với lời hứa xin việc nhanh, số tiền nhận để chạy việc cho các nạn nhân được Lâm biến thành tờ giấy vay nợ và hứa không được việc sẽ hoàn trả vốn và lãi suất ngân hàng Lâm đã lừa được nhiều nạn nhân. Số tiền Lâm lừa đảo chiếm đoạt của mỗi nạn nhân từ vài chục đến cả nửa tỷ đồng.

Chân dung ông Phó giám đốc “bán trời không văn tự” - 2
Ngay cả khi đến cơ quan điều tra tự thú, Bùi Xuân Lâm vẫn cho rằng mình đang bị người khác chơi xấu vì ghen tức

Anh Nguyễn Văn T. đang công tác trong ngành công án - một nạn nhân của Lâm chua chát nói: “Tôi có 2 đứa cháu tốt nghiệp đại học đã lâu nhưng chưa có việc làm. Tình cờ gặp Lâm ở quán cà phê, Lâm cho biết có anh rể đang làm ở một công ty viễn thông và có thể giúp xin việc cho cháu tôi, lương khởi điểm 6 triệu, sau nửa năm tăng lên 9 triệu và sau 1 năm vào làm việc sẽ có mức lương 12 triệu đồng. Lâm ra giá 30 triệu/trường hợp.

Ngày 30/8/2011 tôi đưa đến phòng làm việc của Lâm 1 bộ hồ sơ cùng 30 triệu đồng. Ngày 1/9 đúa tiếp bộ thứ hai. Vì nghĩ Lâm có thể giúp được nên tôi giới thiệu một chị bạn của mình gửi hồ sơ cho Lâm. Cả 3 lần tôi đưa cho Lâm 140 triệu đồng. Lâm hẹn ngày 10/9 sẽ tổ chức phỏng vấn những chờ mãi không thấy phía công ty gọi điện hẹn phỏng vấn. Hỏi thì Lâm cho biết lịch phỏng vấn chuyển đến ngày 15/11/2011. Sau ngày đó thì Lâm cũng mất tích luôn. Tìm không được, gọi vào cả 4 số di động của Lâm máy đều báo không liên lạc được tôi mới biết mình bị lừa”.

Chị Lê Thị A., trú tại phường Cửa Nam (TP Vinh) được Lâm hứa hẹn sẽ xin việc làm cho nhiều người ở nhiều cơ quan nhà nước khác nhau. Tin tưởng vào địa vị của Lâm, từ ngày 15/9/2011 đến ngày 31/12/2011 chị A đã nhận tiền đặt cọc xin việc của một số người rồi đưa cho Bùi Xuân Lâm số tiền 500 triệu đồng. Đổi lại, Lâm viết cho chị A một tờ giấy ghi nợ và cam kết đến ngày 30/11/2011 sẽ có quyết định đi làm cho một số sinh viên, nếu không sẽ hoàn trả lại tiền đặt cọc cùng tiền lãi theo lãi suất ngân hàng. Tuy nhiên, chờ mãi không xin được việc lại bị những người gửi hồ sơ thúc sau lưng, ngày 15/1/2012, chị A quyết định đòi lại số tiền đặt cọc thì Lâm tắt điện thoại, tìm đến cơ quan và nhà riêng thì Lâm đã biến mất.

Sau khi nhận tiền của nhiều người và tiêu xài cá nhân nhưng không tìm được việc làm, Lâm đã bị thúc đòi ráo riết cả ở cơ quan và trên điện thoại. Từ ngày 10/12/2011 đến 30/1/2012 Lâm đã xin cơ quan nghỉ việc để đi chữa bệnh thế nhưng quá hạn ngày nghỉ cuối cùng vẫn không thấy ông Phó giám đốc quay trở lại cơ quan. Ngày 2/2/2012, Lâm chính thức viết đơn xin từ chức và biến mất thêm một lần nữa.

“Từ các manh mối do trinh sát thu thập được chúng tôi xác định sau khi vụ việc bị vở lỡ, Bùi Xuân Lâm đã trốn sang Lào và vận động đối tượng tự thú để được hưởng khoan hồng. Chiều ngày 10/2, Bùi Xuân Lâm đã đến cơ quan điều tra để tự thú. Thế nhưng ngay cả khi ngồi trước công an Lâm vẫn một mực khẳng định bị người khác “chơi xấu”. Lâm cho rằng có người vì ghen tỵ với năng lực của mình và sợ bị Lâm chiếm mất “ghế” nên xúi giục các nạn nhân làm đơn kiện. Hiện tại các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng việc hứa xin việc làm và chạy dự án của Bùi Xuân Lâm đang tiếp tục điều tra làm rõ để sớm truy tố đối tượng ra trước pháp luật”, Đại tá Đào Hồng Lập cho biết thêm.

Trong khi Bùi Xuân Lâm đang chờ cơ quan chức năng điều tra, xử lý thì các nạn nhân lại đang hết sức khốn khổ bởi tiền thì mất mà công việc thì không thấy đâu. Và một điều chắc chắn rằng con số về các nạn nhân và số tiền lừa đảo, chiếm đoạt của ông Phó giám đốc “bán giời không văn tự” này sẽ không dừng lại ở đó khi cơ quan điều tra tiếp tục mở rộng vụ án nhưng đằng sau đó là một bài học đắt giá cho những người nhẹ dạ cả tin.

Hoàng Lam