Nghệ An:
Cắt dây tiếp địa chống sét của trạm viễn thông quân đội đi bán đồng nát
(Dân trí) - Sau khi cắt trộm hàng chục mét dây tiếp địa chống sét của trạm viễn thông quân đội, Hải cùng đồng bọn đốt lấy dây đồng đi bán phế liệu. Với hành vi này, các bị cáo phải chia nhau gần 11 năm tù.
Sáng ngày 15/3, Tòa án quân sự Quân khu 4 mở phiên tòa xét xử vụ án “phá hủy công trình quan trọng về an ninh quốc gia” và “trộm cắp tài sản” đối với Trần Xuân Hải (SN 1986), Đặng Trọng Sơn (SN 1979), Đặng Trọng Long (SN 1986), Trần Xuân Cường (SN 1993) cùng trú tại xã Diễn Cát, Diễn Châu, Nghệ An và Đậu Công Điệp (SN 1979, trú xã Diễn Phúc, Diễn Châu).
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát quân sự Quân khu 4, vào một tối cuối tháng 4/2015, Trần Xuân Hải cùng Đặng Trọng Sơn, Đặng Trọng Long và Đậu Công Điệp đến trạm phát sóng BTS của Trung tâm Viettel Diễn Châu (thuộc Chi nhánh Viettel Nghệ An) cắt 37m dây tiếp địa dùng để chống sét cho trạm. Sau khi cắt trộm được số dây tiếp địa này, cả nhóm đưa về một ngôi nhà hoang ở xã Diễn Bình đốt lấy lõi đồng bán cho một người thu mua phế liệu với giá 1,3 triệu đồng.
Cơ quan chức năng xác định các đối tượng đã gây thiệt hại cho Chi nhánh Vietel Nghệ An hơn 3,8 triệu đồng. Hải, Long, Sơn và Điệp bị truy tố ra trước pháp luật tội “phá hủy công trình quan trọng về an ninh quốc gia”.
Đến khoảng tháng 5/2015, Trần Xuân Hải cùng Đặng Trọng Sơn, Trần Xuân Cường vào trạm phát sóng BTS của Trung tâm viễn thông Diễn Châu (thuộc Viễn thông Nghệ An) đóng tại xã Diễn Cát cắt 38m dây tiếp địa dùng để chống sét cho trạm phát sóng, gây thiệt hại cho Trung tâm viễn thông Diễn Châu 8,7 triệu đồng.
Số dây tiếp địa này cũng được các đối tượng đốt lấy lõi đồng bán phế liệu, thu lợi 2,2 triệu đồng. Hành vi của Trần Xuân Hải, Đặng Trọng Sơn và Trần Xuân Cường bị truy tố tội “trộm cắp tài sản”.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Điệp cho rằng trong vụ án này Viện Kiểm sát quân sự Quân khu 4 truy tố Điệp tội “phá hủy công trình quan trọng về an ninh quốc gia” là không thỏa đáng. Luật sư cho rằng dây tiếp địa chống sét cũng như Trạm BTS của Chi nhánh Viettel Nghệ An vào thời điểm này không được xem là công trình quan trọng về an ninh quốc gia. Hậu quả mà Điệp và các bị cáo khác trong vụ án gây ra chưa gây hại cho an ninh quốc gia cũng như ảnh hưởng đến công cuộc bảo vệ Tổ quốc.
Đại diện Viện Kiểm sát quân sự Quân khu 4 đã viện dẫn các quy định tại Nghị định 126 NĐ-CP và văn bản số 1771 của Bộ quốc phòng để khẳng định việc truy tố Đậu Công Điệp và các bị cáo khác về tội “phá hủy công trình quan trọng về an ninh quốc gia” là đúng người, đúng tội.
Tại phiên tòa, các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng nêu, nhận thức được hậu quả do hành vi của mình gây nên và bày tỏ sự ăn năn hối cải, mong muốn được xem xét giảm nhẹ hình phạt. Sau khi sự việc bị phát hiện, các bị cáo đã tự nguyện bồi thường cho Chi nhánh Viettel Nghệ An và Viễn thông Nghệ An.
Hội đồng xét xử nhận định, trong vụ án này Trần Xuân Hải là người khởi xướng nên phải chịu trách nhiệm chính, các bị cáo Đậu Công Điệp, Đặng Trọng Long, Đặng Trọng Sơn đóng vai trò giúp sức tích cực. Xem xét vai trò của các bị cáo trong vụ án, HĐXX Tòa án quân sự Quân khu 4 tuyên phạt Trần Xuân Hải 3 năm 6 tháng tù về tội “phá hủy công trình quan trọng về an ninh quốc gia”, 10 tháng tù về tội “trộm cắp tài sản”; Đậu Công Điệp 4 năm 6 tháng tù về tội “phá hủy công trình quan trọng về an ninh quốc gia”; Đặng Trọng Long 3 năm 3 tháng tù về tội “phá hủy công trình quan trọng về an ninh quốc gia”; Đặng Trọng Sơn bị tuyên phạt 3 năm tù về tội “phá hủy công trình quan trọng về an ninh quốc gia” và 8 tháng tù về tội “trộm cắp tài sản”.
Riêng đối với Trần Xuân Cường, nhận thấy chưa cần thiết phải cách li bị cáo ra khỏi đời sống xã hội nên HĐXX tuyên phạt Cường 6 tháng tù cho hưởng án treo về tội “trộm cắp tài sản”, thử thách 12 tháng.
Hoàng Lam