113 Nghệ An và những câu chuyện chưa kể:
Cảnh sát phản ứng nhanh vượt lũ đưa dân đi… đẻ
(Dân trí) - Đưa thai phụ đi đẻ, “dọa” trẻ con ăn cơm, cắt tóc cho “dân chơi” hay tư vấn tâm lý cho người dân về việc giáo dục, quản lý con cái… chẳng ai nghĩ đó là việc mà lực lượng cảnh sát phản ứng nhanh phải thực hiện.
Nhắc đến lực lượng cảnh sát phản ứng nhanh người ta thường nghĩ đến những chiến sỹ có mặt nhanh nhất tại các điểm “nóng” về an ninh trật tự. Sự có mặt kịp thời, giải quyết hiệu quả, nhanh chóng khiến người ta mặc định đây là lực lượng “hạ nhiệt” những cái đầu nóng đang quyết sống mái với nhau.
Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, lực lượng cảnh sát phản ứng nhanh còn làm được nhiều hơn thế với nhưng công việc mà thoạt nhìn dường như chẳng liên quan đến nghiệp vụ chuyên môn. Thế nhưng với Thượng tá Nguyễn Cảnh Chanh – Phó Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64) Công an Nghệ An, phụ trách lực lượng cảnh sát 113 Nghệ An thì “Bất cứ lúc nào người dân cần, chúng tôi đều có mặt”.
Cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát 113 Nghệ An vẫn chưa quên “nhiệm vụ” đưa người dân đi đẻ cách đây 4-5 năm trước. Đó là một đêm mưa như rút nước. Lũ kéo về rất nhanh. Nội thành Tp. Vinh nhiều nơi đã ngập nước. Công an Nghệ An được lệnh ứng trực 100% số để sẵn sàng giúp dân chống lũ, lực lượng cảnh sát 113 không phải là ngoại lệ.
Điện thoại tổng đài réo liên tục. Đầu dây bên kia là giọng một người đàn ông gấp gáp: “Nhờ các anh đến địa điểm… giúp đưa vợ tôi đi sinh. Cô ấy sắp vỡ ối rồi”. Người đàn ông này cho biết, khu vực anh ta sinh sống đã bị ngập nặng, gọi điện cho xe tắc xi hay xe cấp cứu họ đều bảo không thể vào được. Trong lúc nguy cấp, anh ta chỉ nhớ số điện thoại của lực lượng cảnh sát phản ứng nhanh để gọi.
Ngay lập tức, chỉ huy đơn vị điều một tổ công tác gồm 5 cán bộ, chiến sỹ và một chiếc xe chuyên dụng đến ngay địa điểm người đàn ông cung cấp. Chiếc xe chuyên dụng xé màn đêm lao đi. Đưa được sản phụ lên xe, chiếc xe lại nhắm thẳng bệnh viện lao tới, áp lực phải nhanh nhưng phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho sản phụ và thai nhi khiến ai cũng hết sức căng thẳng. Chiếc xe trùng triềng, dò dẫm giữa “sông”…
Tại thời điểm đó, cán bộ, chiến sỹ cảnh sát 113 chưa được đào tạo qua về kỹ năng đỡ đẻ, ai cũng lo ngay ngáy nhỡ sản phụ hạ sinh ngay trên xe thì không biết xử trí thế nào mặc dù có sự hỗ trợ từ người nhà sản phụ. Rất may, nhờ sự ứng cứu kịp thời của cảnh sát 113, sản phụ được đưa đến bệnh viện kịp thời, cháu bé chào đời khỏe mạnh.
Nói về những câu chuyện vui vui trong nghề, thượng tá Nguyễn Cảnh Chanh cười: “Những chuyện như thế này thì nhiều lắm, kể không hết đâu. Nhiều khi tổng đài 113 bị quá tải vì bị người dân gọi báo án. Có những vụ việc, đến nơi thì hóa ra không phải lại phải thu quân về. Hay có những lần, chúng tôi nhận được những cú điện thoại của người dân báo về những vụ bạo hành gia đình nhưng khi có mặt thì chỉ là những chuyện cải vã vụn vặt giữa hai vợ chồng, hàng xóm tưởng có chuyện lớn nên gọi điện nhờ 113 can thiệp”.
Không những vậy, lực lượng cảnh sát 113 nhiều khi còn bị “biến” thành “ngáo ộp” để dọa trẻ con. “Có lần, bộ phận trực tổng đài nhận được điện thoại, khi kết nối thì nghe đầu dây bên kia nói: “Có ăn không, bố gọi cảnh sát 113 bây giờ”. Mặc dù “bất ngờ” với “chức năng mới” của mình nhưng bộ phận trực tổng đài vẫn từ tốn giải thích với người bố về việc gọi điện đến 113.
Cứ một người dân hoang báo thông tin qua tổng đài hoặc gọi điện đến tổng đài 113 để đùa giỡn biết đâu, đúng thời khắc đó, có một vụ việc thực sự nguy cấp đến tính mạng của người dân nhưng do máy báo bận nên không để báo để lực lượng phản ứng nhanh can thiệp”, thượng tá Chanh nói.
(Còn tiếp)
Hoàng Lam