Can ngăn đánh nhau dẫn đến bị thương tích, có phải là tai nạn lao động?
(Dân trí) - Theo luật sư, khoản 8, điều 3, Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 đã nêu rất rõ thế nào là tai nạn lao động.
Một bạn đọc hỏi: Trong giờ làm việc tại Công ty, do có mâu thuẫn nên anh A và anh B là đồng nghiệp lao vào đánh nhau, thấy vậy tôi đã vào can ngăn nhưng không may bị gãy một ngón tay (không rõ là anh A hay anh B gây ra). Vậy, quý báo cho tôi hỏi trường hợp của tôi có được xem là tai nạn lao động hay không? Trường hợp không phải là tai nạn lao động thì tôi phải làm gì để được bồi thường?
Vấn đề bạn hỏi, sau khi tìm hiểu, nghiên cứu các quy định của pháp luật, Luật sư Trần Hậu, Công ty Luật FDVN có những thông tin xin trao đổi như sau:
Khoản 8, Điều 3, Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 như sau: "Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động". Theo đó, tai nạn phải gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.
Trong trường hợp của bạn, cần xác định việc bạn can ngăn việc đồng nghiệp đánh nhau tại nơi làm việc có phải là một trong những nhiệm vụ trong công việc mà bạn đang thực hiện theo hợp đồng lao động hay không (ví dụ: nhiệm vụ của nhân viên bảo vệ).
Nếu đây không phải là nhiệm vụ được giao trong công việc mà bạn đang đảm nhận thì sẽ không được xem là tai nạn lao động và ngược lại, nếu đây là nhiệm vụ, công việc của bạn thì thuộc trường hợp tai nạn lao động.
Trong trường hợp xác định không phải là tai nạn lao động, bạn có thể khởi kiện anh A và anh B bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm, các thiệt hại có thể được bồi thường gồm:
Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại; Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại; Thiệt hại khác do luật quy định.