1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Căn bệnh thế kỷ và mong ước của người đàn bà bất hạnh

Chồng nghiện lại “dính ết”, bản thân cũng mang mầm bệnh như chồng nên những ngày trong tù, Hưng chỉ ao ước 3 đứa con dù đói khổ nhưng không bị mắc căn bệnh thế kỷ.

Thân gái như hạt mưa sa

Người đàn bà ấy là Đinh Thị Hưng, SN 1979, trú tại xã Ân Hòa, huyện Kim Sơn (Ninh Bình). Hưng “dính ết” từ chồng nhưng vào tù vì tội buôn bán ma túy với mức án 5 năm tù. Nét mặt nhàu nhĩ, đôi mắt sụp mí sầu muộn, trông Hưng chẳng có chút gì của người phụ nữ mới ngoài 30 tuổi.

Sinh ra đã sớm thiệt thòi vì không có bố nên Hưng sống thui thủi bên người mẹ nghèo bệnh tật, tại một chòi canh cá ngoài đồng. Nhà chỉ có một mẹ, một con song Hưng cũng được đi học, đủ để thuộc mặt chữ cái rồi nghỉ ở nhà giúp mẹ kiếm tiền bằng việc đi làm giúp việc, cấy thuê, cuốc mướn. Tuổi thơ nhọc nhằn mấy rồi cũng trôi qua, 16 tuổi, Hưng kiếm được một tấm chồng, người cùng xã.

Chồng Hưng là một thanh niên nghèo nhưng khỏe mạnh và chăm chỉ nên cuộc sống gia đình của Hưng thời gian đầu cũng dễ chịu. Vợ tần tảo việc nhà, chồng đi quanh làng thu gom chiếu cói đưa đi các tỉnh bán nên cũng có chút ít dành dụm.

Thấy vợ chồng Hưng lam làm, 3 đứa con ngoan ngoãn, khỏe mạnh, ai cũng mừng cho cô nhưng nụ cười mãn nguyện chưa kịp tròn đầy thì Hưng đã ngấm ngầm khóc vì đau khổ. Sau một thời gian chăm chỉ kiếm tiền, chồng cô bắt đầu thích đàn đúm. Rồi chồng Hưng dính nghiện.

Chồng sinh hoạt thất thường, ngày ngủ, tối đi, có khi vài tháng trời không gần gũi vợ, Hưng không mảy may nghi ngờ cho tới khi đồ đạc trong nhà cứ mất dần tới nỗi thóc vừa gặt về đã bay biến thì cô không thể im lặng mãi. Hưng động viên chồng đi cai và lần nào cũng thế, cứ cai về được vài tháng yên ổn là chồng cô lại đi tìm ma túy.

Quản giáo Tâm đang trò chuyện, động viên phạm nhân Đinh Thị Hưng
Quản giáo Tâm đang trò chuyện, động viên phạm nhân Đinh Thị Hưng

Cuộc sống vất vả, thiếu thốn, chồng 4 lần cai lại tái nghiện đã đẩy gia đình Hưng rơi vào cảnh khánh kiệt, không còn thứ gì có thể đem đi cầm cố. Không còn hy vọng gì ngoài tư tưởng chấp nhận “sống chung với lũ” và như một quy luật tất yếu, Hưng đã nghe lời tỉ tê của đám con nghiện, mua ma túy về bán cho chúng. Vậy là ngày ngày, Hưng đạp xe đi chợ, trong giỏ của cô ngoài mấy mớ rau bao giờ cũng có vài tép heroin vừa để bán, vừa để chồng thỏa mãn cơn nghiện.

Được một thời gian thì cái quy luật sáng ra đồng chăm lúa, chiều đi chợ để có ma túy chăm chồng, có tiền nuôi con, bị phát hiện. Ngày Hưng bị bắt, chồng phê ma túy ngồi rũ một góc, chẳng nói câu gì, chỉ có 3 đứa trẻ là quấn lấy mẹ, khóc. Hưng cũng nước mắt nhạt nhòa thương con. Mang tiếng buôn bán ma túy mà đến khi tra tay vào còng số 8, Hưng chẳng dành dụm được chút tiền nào cho các con, mỗi bước chân là mỗi bước sụt sùi lo lắng.

Mong ước nhỏ nhoi

“Tôi phụ trách Hưng từ lúc chị ta tạm giam đến lúc thành án nên tâm trạng của chị ta vui buồn thế nào, tôi đều biết cả”, thượng úy Bùi Thị Tâm, quản giáo Trại tạm giam Công an tỉnh Ninh Bình, khẽ thở dài.

Ngày mới bị bắt, Hưng ủ rũ, chỉ nói khi buộc phải trả lời còn không cả ngày cứ ngồi một góc, lầm lũi khóc. Thấy Hưng ít ăn, ít ngủ, hễ bưng bát cơm là nước mắt ngắn, dài, quản giáo Tâm đã đưa cô ta vào diện đặc biệt quan tâm, lúc nào cũng để mắt tới vì sợ làm điều tiêu cực.

Khi đọc hồ sơ về Hưng, biết người đàn bà này phạm tội do hoàn cảnh xô đẩy, quản giáo Tâm rất thương, thi thoảng có cái bánh, cái kẹo lại gọi Hưng lên cho. Thậm chí, chị còn cho Hưng cả cái áo khoác để mặc vì thấy Hưng chỉ có mấy cái áo mỏng phong phanh.

Rồi những buổi gặp gỡ riêng đã khiến nữ quản giáo này thấy phạm nhân của mình có điều gì đó không bình thường nên đề nghị kiểm tra sức khỏe, vì thế mà phát hiện ra căn bệnh thế kỷ Hưng đang ủ trong người. Hôm được quản giáo gọi lên cho biết đã nhiễm HIV, Hưng như người chết rồi, đứng lặng hồi lâu mới òa lên khóc. Khi biết mình dính “ết”, đoán chắc chồng cũng chung số phận với mình, Hưng lại lo cho 3 đứa con bé bỏng, sợ chúng lây bệnh từ bố mẹ…

Hưng biết ơn quản giáo Tâm nhiều lắm bởi chính quản giáo đã giúp Hưng có được thuốc uống, là cầu nối để người thân không bỏ rơi cô ta và quan trọng nhất là không bỏ rơi lũ trẻ. 3 đứa con của vợ chồng Hưng được người thân cưu mang, được chu cấp cho ăn học, dẫu rằng cuộc sống chưa thể nói là no đủ nhưng vẫn còn hơn sống với người bố nghiện ngập.

Sáng nào cũng thế, việc làm đầu tiên của Hưng trước khi bước chân khỏi giường là cầu trời khấn phật, mong những điều tốt lành đến với con cái mình. Chắc hẳn cô mong lắm có được một sức khỏe tốt để bước qua khúc quanh hoạn nạn, trở về nuôi dạy con cái.

Theo Lam Trinh
Công lý