Cạm bẫy lừa đằng sau sàn vàng trái phép IMMS
Ngày 18/10, Cục Cảnh sát hình sự cho biết, đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Đặng Hữu Trung, 35 tuổi, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông và tiếp thị Sài Gòn (IMMS) về tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo tài liệu của cơ quan điều tra, Trung đã lừa đảo nhiều tỷ đồng của mọi người thông qua hình thức huy động vốn trả lãi suất cao. Sau đó, cơ quan Cảnh sát điều tra sẽ tiếp tục xem xét để khởi tố đối tượng Trung và những người liên quan về tội Kinh doanh trái phép. Vụ án khiến chúng ta nhớ lại vụ phá sàn vàng Khải Thái năm 2014.
Mặc dù trong giấy phép đăng ký kinh doanh không có nhưng Công ty IMMS vẫn lập sàn kinh doanh vàng tài khoản. Để lập được sàn vàng, Trung đã mạnh tay bỏ ra 75.000 USD (tương đương 1,5 tỷ đồng) để liên hệ, mua phần mềm MT4 của Công ty Metaquotes ở Nga.
Để duy trì hoạt động của hệ thống MT4, Trung thuê server (máy chủ) và trả phí duy trì phần mềm MT4 với giá 4.000 USD mỗi tháng để quản lý danh sách khách hàng, quản lý số tiền khách hàng nộp, theo dõi các giao dịch của khách hàng và khách hàng trực tiếp giao dịch trên phần mềm MT4. Khi có phần mềm MT4 và MT4 Manager, công ty đã tổ chức kinh doanh vàng tài khoản với khách hàng.
Để kinh doanh vàng tài khoản với công ty, khách hàng phải nộp tối thiểu 22 triệu đồng và ký hợp đồng hàng hóa tương lai với công ty. Tổng số khách hàng tham gia giao dịch vàng tài khoản với Công ty IMMS khoảng hơn 3.000 người.
Tháng 3/2014, do công ty thiếu hụt tiền trong kinh doanh nên Trung tự nghĩ cách huy động vốn bằng hình thức hợp tác đầu tư. Trung quảng cáo huy động vốn bằng hình thức Robot Tranding Algo. Khi kêu gọi khách hàng hợp tác đầu tư sản phẩm Robot Trading Algo, Công ty IMMS giới thiệu là liên kết với Công ty IBFX ở Australia để kinh doanh tài chính.
Theo Trung khếch trương với mọi người, Công ty IMMS có một con robot có thể tự động giao dịch mua bán vàng, ngoại tệ với thị trường thế giới. Robot này được chạy với thuật toán mà đảm bảo “đánh chỉ có thắng”, nghĩa là đảm bảo luôn có lợi nhuận khoảng 4 đến 5%/ tháng. Nếu khách hàng nào muốn tham gia thì sẽ phải đóng cho Công ty IMMS số tiền tối thiểu là 5.000 USD, tương đương 110 triệu đồng.
Công ty sẽ dùng số tiền này để robot tự động giao dịch và sinh lãi, công ty sẽ trích lại tiền lãi để trả cho nhân viên và thu lời, còn lại khách hàng sẽ được trả là 1,7%/tháng. Tuy nhiên, bản thân khách hàng và ngay cả các cộng sự của Trung cũng chưa bao giờ được nhìn thấy hoạt động của con Robot “thần thánh” này. Khách chỉ nộp tiền và hằng tháng được nhận lãi là 1,7%/ tổng số tiền đã nộp.
Cho đến khi cơ quan điều tra vào cuộc, đã phát hiện hành vi kinh doanh trái phép và lừa đảo của Tổng Giám đốc Đặng Hữu Trung. Thực chất, Công ty IMMS không hề tổ chức hợp tác đầu tư với Công ty IBFX nào cả, cũng chẳng có con robot “thần thánh” chuyên sinh lời. Toàn bộ số tiền các khách hàng nộp vào, Trung sử dụng vào việc chi phí thuê văn phòng, trả tiền lương nhân viên, mua xe ôtô, mua đất, nhà ở và trả lãi cho khách hàng đầu tư trước đó.
Cụ thể, Trung đã mua 2 mảnh đất với tổng diện tích 500m², 1 căn hộ diện tích 130m² ở Đà Nẵng, 2 căn hộ ở khu Imperia An Phú đã nộp 6 tỷ đồng, mua 1 tòa nhà để cho thuê làm văn phòng tại 40 Hoàng Việt. Rồi vị Tổng Giám đốc này sắm hàng hoạt xe ôtô hạng sang… Tổng số tiền Trung vung ra mua sắm, đầu tư cho mình là khoảng 30 tỷ đồng.
Trong khi đó hiện nay, tổng số khách hàng tham gia hợp tác đầu tư Robot Trading Algo với Công ty IMMS có khoảng 500 người, số tiền khách hàng đầu tư hiện tại còn lại tại Công ty IMMS là khoảng 70 tỷ đồng. Như vậy, nếu bán hết tài sản mà Trung đầu cơ đi (không thể thu hồi như số tiền bỏ ra mua) thì các khách hàng cũng đang rơi vào tình cảnh chỉ thu về được khoảng 1/3 số tiền đã đầu tư.
Vì vậy, trước hết, để tránh được các “bẫy” lừa đảo giống như của IMMS và Khải Thái, các khách hàng phải là những “nhà đầu tư thông thái”, đừng vì lòng tham mà tin vào những “miếng pho mát trong bẫy chuột”.
Theo T.H.
Công an nhân dân