1. Dòng sự kiện:
  2. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2
  3. Xuyên Việt Oil

Bộ trưởng Tư pháp: “Muốn hay không, mại dâm vẫn tồn tại...”

(Dân trí) – “Chúng ta phải nhìn thẳng thực tế, mại dâm là một hiện tượng xã hội, dù muốn hay không, nó vẫn tồn tại cùng với sự tồn tại của xã hội. Đã đến lúc, cần có sự đổi mới thái độ đối xử với người bán dâm” – Bộ trưởng Hà Hùng Cường trao đổi.

Buổi giao lưu trực tuyến sáng nay, 24/7, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường nhận một câu hỏi từ chị Khánh Ngân (thành phố Cà Mau): “Cũng liên quan đến vấn đề dư luận gần đây hết sức quan tâm giống như vấn đề hôn nhân đồng tính là chuyện có công nhận mại dâm là một nghề hay không? Ý kiến cá nhân của Bộ trưởng?:.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường phân trần, hiện, đang có 2 luồng ý kiến về vấn đề này.

Nhiều người cho rằng nên công nhận mại dâm là một nghề với quy chế quản lý đặc thù. Làm như vậy sẽ dễ dàng hơn trong việc cung cấp các dịch vụ y tế, ngăn ngừa bệnh lây lan qua đường tình dục, phòng, chống buôn bán phụ nữ và các tội phạm khác liên quan.

Nhưng Bộ trưởng Tư pháp cũng lật lại, đây là vấn đề lớn, liên quan đến truyền thống, đạo đức, văn hóa xã hội. Vì vậy, có luồng ý kiến thứ 2 không đồng tình với quan điểm trên.
Bộ trưởng Tư pháp: “Muốn hay không, mại dâm vẫn tồn tại cùng xã hội”
Bộ trưởng Hà Hùng Cường: "Nhận thức mới là xem người bán dâm như một nạn nhân của xã hội" (ảnh: Việt Hưng).

“Cá nhân tôi cho rằng cần phải tiếp tục có những nghiên cứu rất thấu đáo trên tất cả các phương diện về đạo đức, xã hội, kinh tế, pháp luật và quyền con người thì mới có thể có ý kiến chính thức theo phương án nào” – ông Cường trả lời.

Người đứng đầu ngành Tư pháp nhận thêm một câu hỏi “xoáy”: “Nhưng kể cả trường hợp nhà nước không “hợp thức hóa, mại dâm vẫn tồn tại, diễn ra hàng ngày?”.

Ông Cường “gật đầu”: “Chúng ta phải nhìn thẳng vào thực tế, mại dâm là một hiện tượng xã hội và dù muốn hay không thì nó vẫn tồn tại cùng với sự tồn tại của xã hội. Có lẽ đã đến lúc, cần có sự đổi mới trong thái độ đối xử với người bán dâm theo hướng tăng cường các giải pháp kinh tế - xã hội phù hợp hơn là biện pháp mang tính chế tài tư pháp để giải quyết vấn đề”.

Bộ trưởng Tư pháp phân tích, việc bỏ biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người bán dâm trong Luật xử lý vi phạm hành chính vừa được Quốc hội thông qua cũng thể hiện, xã hội cũng đã có cách nhìn nhận cởi mở hơn về vấn đề này.

Theo ông Cường, đây cũng hướng nhận thức mới khi xem người bán dâm như một nạn nhân của xã hội. Cần phải đồng bộ thực hiện các biện pháp phát triển kinh tế xã hội để giúp những người này thay vì việc chỉ xử phạt tư pháp.

Liên quan đến vấn đề tệ nạn, tội phạm, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhận câu hỏi bức xúc của một người dân đặt vấn đề, đến khi nào luật Việt Nam mới có thể áp dụng hình thức truy tố đến cùng người phạm tội tham nhũng, lợi dụng chức vụ gây hậu quả nghiêm trọng, làm sai gây hậu quả nghiêm trọng… dù người đó đã nghỉ hưu, chuyển công tác hay sức khỏe yếu.

Đánh giá đây là một câu hỏi thú vị, ông Cường xác nhận, tình trạng tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vi phạm pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng đang là vấn nạn gây bức xúc xã hội. Việc ngăn ngừa và trừng trị tội phạm liên quan đến chức vụ, tham nhũng, thời gian qua, nhà nước đã và đang có nhiều chủ trương, giải pháp để phòng, chống và xử lý những đối tượng phạm các tội này trên tinh thần nghiêm minh.

Pháp luật hình sự của Việc Nam qua những lần sửa đổi cũng đã quy định theo hướng xử lý nghiêm khắc hơn những tội phạm về chức vụ nói chung, đặc biệt là nhóm tội phạm liên quan đến tham nhũng. Việt Nam cũng đã tham gia Công ước quốc tế về phòng, chống tham nhũng. Kết quả xử lý nhóm tội phạm trên thời gian qua được đánh giá là khá tốt.

Về vấn đề liên quan đến quy định của pháp luật hình sự về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, bộ trưởng Hà Hùng Cường phân tích, pháp luật của tất cả các nước đều quy định về thời hiệu, vấn đề chỉ là thời hiệu dài hay ngắn, không có nước nào quy định vô thời hạn.

Bộ luật hình sự của Việt Nam xác định rõ thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây hậu quả nghiêm trọng hoặc cố ý làm trái các quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng là từ 10 năm đối với các tội nghiêm trọng, 15 năm đối với các tội rất nghiêm trọng, 20 năm đối với các tội đặc biệt nghiêm trọng, tính từ ngày tội phạm được thực hiện.

Việc nghỉ hưu, chuyển công tác hay sức khỏe yếu... theo Bộ trưởng Tư pháp, đều không được coi là lý do, điều kiện miễn trách nhiệm hình sự. Những trường hợp này vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự bình thường. Bộ luật hình sự cũng quy định, nếu người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có lệnh truy nã thì thời gian trốn tránh không được tính vào thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự nói trên.

“Tuy nhiên, câu hỏi này cũng đặt ra vấn đề cần suy nghĩ, thảo luận tới đây trong quá trình xây dựng dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đã được Quốc hội đưa vào Chương trình và tôi nghĩ sẽ có rất nhiều ý kiến xung quanh việc này” – Bộ trưởng Hà Hùng Cường ghi nhận.
 

Về việc Bộ Tư pháp “tuýt còi” nhiều văn bản trái luật do các bộ, ngành, địa phương ban hành thời gian qua, Bộ trưởng Hà Hùng Cường thông tin thêm, trong năm 2010, 2011, Bộ Tư pháp đã kiểm tra trên 3.000 văn bản, phát hiện gần 600 văn bản có dấu hiệu sai, về hình thức, thể thức, thẩm quyền ban hành, đặc biệt có 261 văn bản chưa bảo đảm tính hợp pháp về nội dung.

“Nói “tuýt còi” thì hơi nặng nề, nhưng Bộ Tư pháp đã thông báo và đề nghị cơ quan ban hành văn bản tự kiểm tra, xử lý đối với những văn bản này” – ông Cường nói.

Khi nhận được phản ánh, Bộ Tư pháp đã cho kiểm tra và yêu cầu các địa phương, đơn vị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các văn bản trái luật. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, một số địa phương đơn vị trong một số trường hợp vẫn thấy rằng lý lẽ của họ là đúng hơn lý lẽ của Bộ Tư pháp. Trong năm 2010 và 2011 vẫn còn 31 văn bản của 7 Bộ và 10 địa phương chưa tổ chức tự kiểm tra, xử lý theo thông báo của Bộ.

Bộ Tư pháp đã đôn đốc và đầu tháng 7 vừa rồi đã có văn bản lần cuối đề nghị các bộ, ngành và các địa phương này thực hiện việc tự kiểm tra, rà soát và xử lý ngay những văn bản đã được thông báo. Sau thời hạn 45 ngày, nếu các Bộ, ngành và địa phương không thực hiện việc tự kiểm tra, xử lý, Bộ Tư pháp sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

P.Thảo