1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

"Bộ sậu" công ty FOSCO đối mặt án tử hình

Xuân Duy

(Dân trí) - Lợi dụng vị trí chức năng nhiệm vụ được giao và sự buông lỏng quản lý của cấp trên, Trần Hoàng Nguyệt và đồng phạm đã lập khống 314 bộ chứng từ lương để chiếm đoạt của FOSCO số tiền 44 tỷ đồng.

Ngày 8/12, Viện KSND TPHCM đã ban hành cáo trạng truy tố các bị can trong vụ tham ô hàng chục tỷ đồng xảy ra tại công ty TNHH MTV dịch vụ cơ quan nước ngoài (viết tắt là FOSCO).

Theo đó, bị can Trần Hoàng Nguyệt (sinh năm 1981, nguyên phó phòng tài chính kế toán FOSCO) cùng 3 đồng phạm bị truy tố về tội tham ô tài sản. Nguyệt cùng đồng phạm bị truy tố có khung hình phạt từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình.

Liên quan tới vụ án, Trần Công Thanh (sinh năm 1967, nguyên phó tổng giám đốc của FOSCO) cùng 13 đồng phạm bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Bộ sậu công ty FOSCO đối mặt án tử hình - 1

Truy tố nhóm bị can nguyên lãnh đạo công ty FOSCO.

Theo cáo trạng, khoảng tháng 6/2012, Nguyễn Tấn Tài (tổng giám đốc FOSCO, hiện đã chết) trao đổi và thống nhất cùng Ngô Minh Dũng (phó giám đốc trung tâm cung ứng lao động phụ trách mảng dịch vụ cung ứng lao động), Đoàn Trúc Sơn (trưởng phòng dịch vụ cung ứng lao động) và Hà Minh Hoàng (nhân viên lập bảng lương) về việc lập ký khống các bảng lương mục đích rút tiền từ tài khoản của FOSCO để sử dụng làm phí ngoại giao nhằm "bôi trơn" cho các dự án, sử dụng vào các hoạt động khác của công ty và tiêu dùng cá nhân, việc lập các bảng lương khống do Trần Hoàng Nguyệt  hướng dẫn cách thực hiện.

Trong khoảng thời gian từ tháng 12/2012 đến tháng 3/2016, lợi dụng vị trí chức năng nhiệm vụ được giao, lợi dụng việc buông lỏng quản lý của cấp trên thì Trần Hoàng Nguyệt, Đoàn Trúc Sơn, Ngô Minh Dũng và Hà Minh Hoàng đã cấu kết lập khống 314 bộ chứng từ lương để chiếm đoạt của FOSCO số tiền 44 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra xác định trong vụ án này, ngoài Nguyễn Tấn Tài (chủ mưu đã chết) thì Nguyệt là người tổ chức, hướng dẫn và kiến tạo ra cách thức lập các bộ chứng từ lương khống để chiếm đoạt tiền của FOSCO, Đoàn Trúc Sơn là đồng phạm giúp sức tích cực cho Nguyệt và là người thực hiện việc rút, chuyển giao số tiền chiếm đoạt. Quá trình điều tra, bị can Sơn và Hoàng đã khắc phục một phần hậu quả của vụ án.

Đối với Trần Công Thanh, thời điểm Nguyễn Tấn Tài nghỉ chữa bệnh thì Thanh được UBND TPHCM tin tưởng giao trọng trách điều hành mọi hoạt động của FOSCO. Tuy nhiên, Thanh đã buông lỏng quản lý tạo điều kiện cho Nguyệt và đồng phạm thực hiện hành vi tham ô tài sản. Thời điểm Thanh phụ trách, số tiền FOSCO bị thiệt hại là 13,4 tỷ đồng. Đối với cấp dưới của Thanh đã có một số hành vi vi phạm các quy định của Luật kế toán, Luật doanh nghiệp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Quá trình điều tra, Nguyệt khai báo quanh co, không thừa nhận hành vi phạm tội. Bị can này cũng không thừa nhận đã nhận tiền chiếm đoạt của FOSCO và nhờ Sơn hợp thức số tiền chiếm đoạt bằng việc mua nhà. Tuy nhiên, căn cứ vào kết quả điều tra và xét ý thức thì Nguyệt là người tổ chức và thống nhất cùng Sơn sử dụng danh tính của những người thân của Sơn để lập khống mục đích chiếm đoạt tiền. Do đó, Nguyệt phải liên đới chịu trách nhiệm về số tiền chiếm đoạt.

Quá trình điều tra, Trần Công Thanh và Vũ Thanh Hoàng (cựu trưởng phòng tài chính kế toán, kế toán trưởng của FOSCO) không thừa nhận việc được chia tiền chiếm đoạt. Căn cứ theo lời khai của Sơn thì các lần đưa tiền giữa Sơn với Thanh và Hoàng là tại phòng làm việc của các cá nhân này, không có người chứng kiến. Xét ngoài lời khai của Sơn, không có tài liệu khác chứng minh Hoàng, Thanh biết và tiếp tay việc tham ô. Do đó, cơ quan tố tụng cho rằng không đủ căn cứ xác định Hoàng và Thanh đồng phạm với Nguyệt, Sơn trong hành vi tham ô tài sản.

Viện KSND TPHCM xác định hành vi của các bị can là rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiệm trọng đã xâm phạm đến tài sản và hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước trong quản lý kinh tế. Do đó, cần phải được xử lý nghiêm để có tác dụng giáo dục đối với các bị can và phòng ngừa chung.