Bộ Công an giải đáp thắc mắc về xử lý hành vi đánh bạc
(Dân trí) - Bộ Công an vừa giải đáp thắc mắc của người dân liên quan đến việc xử lý tội đánh bạc và giải quyết một số tài sản mang theo người bị cơ quan điều tra thu giữ.
“Vừa qua, tôi bị công an bắt trong khi đang đánh bạc, tổng số tiền, hiện vật sử dụng để đánh bạc là 2.000.000 đồng. Bên cạnh đó, tôi còn bị thu giữ gần 7.000.000 đồng tiền mặt và một số tài sản khác mang trong người.
Theo tôi được biết, nếu đánh bạc bằng tiền hoặc hiện vật trị giá 5.000.000 đồng trở lên mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Vậy, Bộ Công an cho tôi hỏi, tôi có được nhận lại số tiền và tài sản mang trong người nhưng không sử dụng để đánh bạc hay không?”- một người dân gửi thắc mắc tới Bộ Công an.
Trả lời người dân trên Cổng thông tin điện tử (www.mps.gov.vn), Bộ Công an cho biết, tội đánh bạc được quy định tại Điều 321 Bộ luật Hình sự năm 2015 như sau:
1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm: a) Có tính chất chuyên nghiệp; b) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên; c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Chính vì thế, nội dung người dân hỏi không nêu cụ bị bắt khi đang tham gia đánh bạc bằng hình thức gì; 2.000.000 đồng là số tiền của riêng cá nhân sử dụng vào việc đánh bạc hay của nhiều người cùng tham gia đánh bạc; số tiền đó được sử dụng trong nhiều lần hay trong một lần đánh bạc,..
Tuy nhiên, Bộ Công an cho biết, hai trường hợp phạm tội mà Điều 321 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định như sau:
Trường hợp người phạm tội đã có hành vi đánh bạc trái phép và tiền hay hiện vật đánh bạc có giá trị từ 5.000.000 đồng trở lên:
Hành vi đánh bạc cấu thành tội phạm khi tiền hay hiện vật đánh bạc của từng lần đánh bạc có trị giá từ 5.000.000 đồng trở lên. Tiền hay hiện vật dùng để đánh bạc là những thứ có thể thu giữ được trực tiếp tại chiếu bạc, trong người đánh bạc hoặc nơi khác mà có đủ căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng để đánh bạc.
Cần phân biệt các trường hợp khi xác định tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc. Trường hợp nhiều người cùng tham gia đánh bạc với nhau thì việc xác định tiền, trị giá hiện dùng đánh bạc đối với từng người đánh bạc là tổng số tiền, trị giá hiện vật của những người cùng đánh bạc.
“Do vậy, nếu như bạn sử dụng số tiền 2.000.000 đồng để đánh bạc bằng các hình thức xóc đĩa, chơi bài tú lơ khơ, xí ngầu… với nhiều người cùng tham gia thì việc xác định tiền, trị giá hiện vật dùng đánh bạc đối với từng người đánh bạc là tổng số tiền, trị giá hiện vật mà Cơ quan điều tra đã thu giữ trên chiếu bạc; nếu tổng số tiền thu giữ có giá trị từ 5.000.000 đồng trở lên thì bạn và những người tham gia chơi đánh bạc cùng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Đánh bạc quy định tại Điều 321 Bộ luật Hình sự năm 2015”- Bộ Công an thông tin.
Trường hợp đánh bạc dưới hình thức chơi số đề, cá độ bóng đá, cá độ đua ngựa… thì một lần chơi như vậy được hiểu là tham gia chơi trong một lô đề, tham gia cá độ trong một trận bóng đá, tham gia cá độ trong một kỳ đua ngựa… trong đó người chơi có thể chơi làm nhiều đợt và trách nhiệm hình sự được xác định đối với người chơi một lần đánh bạc trong các trường hợp này là tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để chơi trong các đợt đó.
Theo Văn bản số 01/2017/GĐ-TANDTC của TAND Tối cao, việc xác định số tiền dùng để đánh bạc (đánh đề hoặc cá độ) vẫn được thực hiện theo hướng dẫn tại các Điểm a, b Mục 5.1 Khoản 5 Điều 1 Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.
Trong đó, số tiền của người chơi đề, cá độ dùng đánh bạc là tổng số tiền mà họ đã bỏ ra để mua số đề, cá độ cộng với số tiền thực tế mà họ được nhận từ chủ đề, chủ cá độ (trong trường hợp người chơi số đề, cá độ có trúng số đề, thắng cược cá độ) hoặc là tổng số tiền mà họ đã bỏ ra để mua số đề, cá độ (trong trường hợp người chơi số đề, cá độ không trúng số đề, không thắng cược cá độ).
“Do vậy, nếu như bạn sử dụng số tiền 2.000.000 đồng để đánh bạc bằng hình thức cá cược số lô, số đề hoặc cá độ bóng đá và Cơ quan điều tra có tài liệu xác định được tổng số tiền mà bạn đã bỏ ra để mua số đề, cá độ bóng đá là 2.000.000 đồng cộng với số tiền thực tế mà bạn được nhận từ chủ đề, chủ cá độ (trong trường hợp bạn trúng số đề, thắng cược cá độ) trên 5.000.000 đồng thì bạn vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 321 Bộ luật Hình sự”- Bộ Công an giải thích.
Còn trường hợp đã thực hiện hành vi đánh bạc trái phép mà tiền hay hiện vật dùng để đánh bạc trị giá dưới 5.000.000 đồng nhưng trước đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 Bộ luật Hình sự, chưa được xóa án tích thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 321 Bộ luật Hình sự.
Về việc giải quyết đối với 7.000.000 đồng và một số tài sản khác mang trong người mà Cơ quan Công an đã thu giữ, theo Bộ Công an, nếu trường hợp hành vi của công dân cấu thành tội đánh bạc theo quy định tại Điều 321 Bộ luật Hình sự thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì việc giải quyết đối với số tiền và tài sản mang theo người được hiện như sau:
+ Cơ quan điều tra chứng minh được số tiền 7.000.000 đồng và một số tài sản khác mang theo người có liên quan đến hành vi đánh bạc thì sẽ bị tạm giữ, tịch thu, xung công quỹ Nhà nước.
+ Cơ quan điều tra chứng minh được số tiền 7.000.000 đồng và một số tài sản khác công dân mang theo không liên quan đến hành vi đánh bạc nhưng trong quá trình điều tra vụ án, Cơ quan điều tra vẫn có thể tạm giữ số tiền và tài sản này để phục vụ công tác điều tra, làm rõ hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo việc thi hành án khi vụ án được đưa ra xét xử.
Trường hợp công dân đã thực hiện hành vi đánh bạc nhưng chưa đủ định lượng để xử lý hình sự thì việc giải quyết đối với số tiền và tài sản mang theo người được thực hiện như sau:
+ Cơ quan điều tra chứng minh được số tiền 7.000.000 đồng và một số tài sản khác mang theo người để sử dụng vào việc đánh bạc hoặc có được do thực hiện hành vi đánh bạc thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 26 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Phòng, chống tệ nạn xã hội; Phòng cháy và chữa cháy; Phòng, chống bạo lực gia đình và bị áp dụng hình phạt bổ sung là “Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và tịch thu tiền do vi phạm hành chính mà có” theo quy định tại Khoản 6 Điều 26 của Nghị định này.
+ Cơ quan điều tra chứng minh được số tiền 7.000.000 đồng và một số tài sản khác mang theo người không để sử dụng vào việc đánh bạc, không liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật thì Cơ quan điều tra sẽ xem xét trả lại cho người dân này.
Thế Kha