Bị khởi tố tội tham ô, hai cán bộ ĐH Bách khoa Đà Nẵng đối diện mức án nào?

Hoài Sơn

(Dân trí) - Bị khởi tố về tội Tham ô tài sản, hai bị can vụ rút hơn 86 tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng của Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng có thể đối diện mức án 20 năm tù giam, tù chung thân hoặc tử hình.

Khung hình phạt cao nhất là tử hình

Hoàng Quang Huy (34 tuổi, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng) và Lâm Thị Hồng Tâm (50 tuổi, thủ quỹ nhà trường) bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội Tham ô tài sản, vào ngày 9/2.

Bị khởi tố tội tham ô, hai cán bộ ĐH Bách khoa Đà Nẵng đối diện mức án nào? - 1

Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng (Ảnh: Hoài Sơn).

Nhận định mức án của các bị can, Luật sư Nguyễn Sương (Công ty Luật FDVN, Đoàn Luật sư Đà Nẵng) cho rằng hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2 triệu đồng trở lên đã có dấu hiệu cấu thành tội Tham ô tài sản quy định tại Điều 353 Bộ luật hình sự 2015.

Thông tin ban đầu, số tiền mà các đối tượng chiếm đoạt hơn 86 tỷ đồng. Với mức tiền tham ô này, khung hình phạt cao nhất có thể là 20 năm tù giam, tù chung thân hoặc tử hình, theo điểm a Khoản 4 Điều 353 Bộ luật hình sự 2015.

Ngoài ra, các đối tượng còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm, có thể bị phạt tiền 30-100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Bị khởi tố tội tham ô, hai cán bộ ĐH Bách khoa Đà Nẵng đối diện mức án nào? - 2

Hoàng Quang Huy (áo vàng) bị khởi tố về tội Tham ô tài sản (Ảnh: Công an Đà Nẵng).

Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần làm rõ những lần rút tiền của các đối tượng, cụ thể: Thời điểm rút tiền, thủ tục rút tiền và số tiền được chuyển cho ai, sử dụng mục đích gì.

Theo hướng dẫn tại Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP, trường hợp các đối tượng sử dụng tài sản do tham ô mà có để thực hiện một trong các hành vi rửa tiền quy định tại Điều 324 của Bộ luật hình sự 2015 thì ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Tham ô tài sản, còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Rửa tiền.

Bên cạnh đó, nguyên nhân, điều kiện phạm tội, mối quan hệ và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong vụ án này cũng cần được làm rõ để tránh bỏ lọt tội phạm.

Nguyên Hiệu trưởng phải có trách nhiệm

Về việc ký séc trống của ông Đoàn Quang Vinh (nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa Đà Nẵng), Luật sư Nguyễn Sương nhận định việc lập và ký phát séc đã được quy định cụ thể tại Thông tư 22/2015/TT-NHNN, về nguyên tắc nếu séc không có chữ ký của người đại diện hợp pháp thì kế toán, thủ quỹ không thể sử dụng séc để rút tiền.

Ông Đoàn Quang Vinh phải có trách nhiệm trong sự việc này. Tuy nhiên ông Vinh có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không còn phụ thuộc vào các tình tiết, tài liệu, chứng cứ khác có trong vụ án để xem ông Vinh có vai trò đồng phạm hoặc có các sai phạm cụ thể ra sao.

Nếu ông Vinh không biết hành vi của các đối tượng nhưng vì thiếu trách nhiệm, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao, tạo ra sơ hở, điều kiện cho các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội, gây thiệt hại đến tài sản nhà trường, hành vi này có dấu hiệu cấu thành tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo quy định tại Điều 360 Bộ luật hình sự 2015.

Tội này có mức hình phạt cao nhất là 12 năm tù giam và có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.

Bị khởi tố tội tham ô, hai cán bộ ĐH Bách khoa Đà Nẵng đối diện mức án nào? - 3

Công an làm việc với Lâm Thị Hồng Tâm (Ảnh: Công an Đà Nẵng).

Luật sư Nguyễn Sương cũng kiến nghị, hành vi của các đối tượng và trách nhiệm các cá nhân, tổ chức có liên quan cần được cơ quan chức năng điều tra làm rõ và có phương thức xử lý đúng đắn, phù hợp, mang tính răn đe.

Các đơn vị hành chính sự nghiệp, tổ chức, pháp nhân cần tăng cường kiểm tra, thanh tra đối với công tác tài chính, có cơ chế giám sát hiệu quả để việc thu và sử dụng tài chính đúng mục đích, kế hoạch.

Như Dân trí thông tin, từ mối quan hệ thân thiết, Lâm Thị Hồng Tâm đã nhờ Hoàng Quang Huy lấy 500 triệu đồng từ quỹ của Trường Đại học Bách khoa nhằm giải quyết việc cá nhân.

Do quỹ tiền mặt của trường không đủ nên Tâm xin phép Huy cho rút tiền từ tài khoản ngân hàng của trường.

Để thực hiện hành vi, nữ thủ quỹ điền thông tin vào quyển séc và đưa Huy ký xác nhận, sau đó trình cho ông Đoàn Quang Vinh (thời điểm này là Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa và là chủ tài khoản) ký duyệt.

Thực hiện trót lọt vụ thứ nhất, Tâm lại viện cớ cần thêm nhiều tiền để chung vốn làm ăn nên đề nghị vay thêm.

Tâm bàn với Huy để trống số tiền cần rút trên séc khi trình ký duyệt, dù nghi ngờ nhưng ông Vinh vẫn nhiều lần ký các tờ séc khống như vậy và sau đó Tâm tự ghi số tiền muốn rút vào séc.

Với thủ đoạn trên, từ năm 2021 đến khi bị phát hiện, Tâm đã chiếm đoạt hơn 86 tỷ đồng.