Bị hại của Mr Pips cần làm gì để có cơ hội đòi lại tiền bị chiếm đoạt?
(Dân trí) - Theo luật sư, những ai là bị hại của Phó Đức Nam (còn gọi là Mr Pips) cần liên hệ cơ quan tố tụng để trình báo, giao nộp các tài liệu chứng cứ trong quá trình bị lừa đảo, để làm căn cứ giải quyết.
Trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản do Phó Đức Nam (còn gọi là Mr Pips) cầm đầu, Công an TP Hà Nội bước đầu đã thu giữ được hàng loạt tài sản mà Nam và đồng bọn có được từ hành vi phạm tội.
Khối tài sản trị giá khoảng 5.300 tỷ đồng bao gồm nhiều bất động sản hạng sang, siêu xế hộp, xe phân khối lớn, vàng, đồng hồ, tiền mặt... Cơ quan chức năng xác định có ít nhất hơn 2.600 bị hại và tổng số tiền nạn nhân đã nạp lần đầu là khoảng 50 triệu USD.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, luật sư Nguyễn Văn Đồng, Trưởng Văn phòng Luật sư Nhân Chính, cho biết bên cạnh việc làm rõ hành vi của Nam và đồng phạm, công tác thu hồi tài sản của Phó Đức Nam cũng sẽ được cơ quan tố tụng thực hiện.
Cơ quan điều tra sẽ truy xuất dòng tiền, tài sản do phạm tội mà có, các tài sản mang dấu vết của tội phạm; làm rõ dòng tiền mà các đối tượng di chuyển, làm rõ việc chuyển hóa tài sản, rửa tiền, các tài sản đang được cất giấu ở đâu để có biện pháp thu hồi phù hợp.
![Bị hại của Mr Pips cần làm gì để có cơ hội đòi lại tiền bị chiếm đoạt? - 1 Bị hại của Mr Pips cần làm gì để có cơ hội đòi lại tiền bị chiếm đoạt? - 1](https://cdnphoto.dantri.com.vn/0YjwSq4cW5I2tF_PMueAZrpZoN0=/thumb_w/1020/2024/12/11/mr-pips3-edited-1733883719307.jpeg)
Phó Đức Nam khi bị bắt (Ảnh: T.A.).
Luật sư Đồng trích dẫn Điều 89 Bộ luật Tố tụng hình sự, và cho biết những tài sản thu giữ được trong vụ án hình sự sẽ được xác định là vật chứng trong vụ án.
"Tài sản nào có liên quan đến hành vi phạm tội, do phạm tội mà có thì sẽ bị cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế để thu hồi, xác định là vật chứng vụ án hình sự để xử lý vật chứng theo quy định nhằm đảm bảo quá trình thi hành án về sau", ông Đồng cho biết.
Về phía các bị hại, theo luật sư, những người này được thực hiện quyền và nghĩa vụ như: Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; được thông báo kết quả điều tra, giải quyết vụ án; tham gia phiên tòa; trình bày ý kiến, đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi bị cáo và người khác tham gia phiên tòa; tranh luận tại phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; xem biên bản phiên tòa; kháng cáo bản án, quyết định của tòa án…
"Do đó, trong quá trình giải quyết vụ án (điều tra, truy tố, xét xử), cơ quan tiến hành tố tụng xác định được nguồn tiền chiếm đoạt của bị hại nào thì số tài sản đó sẽ được người có thẩm quyền quyết định để trả lại cho bị hại theo quy định pháp luật", Trưởng Văn phòng Luật sư Nhân Chính nói.
Để đảm bảo quyền lợi, luật sư nhấn mạnh những ai là bị hại cần liên hệ cơ quan tố tụng để trình báo, giao nộp các tài liệu chứng cứ trong quá trình bị lừa đảo, như các tin nhắn, văn bản trao đổi, nội dung chuyển khoản để làm căn cứ giải quyết.
"Bị hại của vụ án có thể gửi đơn trình báo và cùng tài liệu, chứng cứ liên quan tới Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội hoặc VKSND TP Hà Nội để được giải quyết theo quy định pháp luật.
Sau khi được các cơ quan chức năng tiếp nhận đơn và các tài liệu, chứng cứ, những đơn vị này sẽ mời/triệu tập những bị hại đến để lấy lời khai, xác minh làm rõ các tình tiết trong vụ án, đối chiếu các tài liệu, chứng cứ liên quan; xác định tư cách bị hại theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự", luật sư Đồng cho hay.
Theo luật sư, khi trình báo và được xác định là bị hại của vụ án, các bị hại cần theo dõi các thông báo, triệu tập của cơ quan tố tụng và theo dõi kết quả điều tra, truy tố, xét xử và công tác thi hành án về sau để được nhận lại tiền bị chiếm đoạt theo quy định pháp luật.