1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Bị cáo Nguyễn Thái Luyện tự bào chữa: "Tôi không có động cơ vụ lợi"

Xuân Duy

(Dân trí) - Tự bào chữa, bị cáo Nguyễn Thái Luyện một mực khẳng định việc mua bán bất động sản diễn ra công khai, bản thân không có hành vi lừa đảo, không có động cơ vụ lợi...

Chiều 19/12, phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thái Luyện (36 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP địa ốc Alibaba) cùng 22 đồng phạm về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền, tiếp tục phần tranh luận.

Buổi sáng, đại diện Viện kiểm sát cho rằng căn cứ hồ sơ vụ án, xác định bị cáo Nguyễn Thái Luyện phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và đề nghị HĐXX tuyên phạt Luyện mức án tù chung thân. Các đồng phạm còn lại trong vụ án bị đề nghị mức án từ 5-30 năm tù.

Bị cáo Nguyễn Thái Luyện tự bào chữa: Tôi không có động cơ vụ lợi - 1

Bị cáo Nguyễn Thái Luyện kêu oan (Ảnh: T.M.).

Tự bào chữa, bị cáo Luyện cho biết trong bài luận tội của Viện kiểm sát, chủ yếu tập trung vào việc phân lô và cơ quan công tố không nêu ra được căn cứ chứng minh Luyện có hành vi gian dối, chiếm đoạt tài sản của khách hàng.

"Mọi hoạt động mua bán bất động sản của công ty được diễn ra minh bạch, công khai, không có việc lừa dối. Thực tế, đã có rất nhiều khách hàng nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và ở trên phần đất nhận chuyển nhượng từ Công ty Alibaba", bị cáo Luyện bào chữa.

Bị cáo Luyện nói mình sẽ thực hiện đúng cam kết, trả lại toàn bộ số tiền khách hàng đã đầu tư vào công ty và trả lãi suất cao hơn mức lãi của ngân hàng để bù đắp cho khách hàng trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, nam bị cáo cho rằng: "Tôi không có động cơ vụ lợi, tiền thu về từ việc mua, bán đất đều phục vụ cho hoạt động của công ty và tái đầu tư". Từ đó, bị cáo Luyện nói mình không có hành vi chiếm đoạt tài sản của khách hàng.

Bào chữa cho bị cáo Luyện, luật sư Phan Thanh Hưng cho rằng thân chủ không phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản như cáo trạng truy tố. Theo ông Hưng, về khoa học hình sự, đối với tội lừa đảo, ý thức chiếm đoạt phải có trước nên người thực hiện hành vi phải sử dụng thủ đoạn gian dối để người khác tin tưởng, giao tài sản.

Trong trường hợp này, trước khi nhận tiền của khách hàng, Luyện đã ký hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mặc dù đây không phải là loại hợp đồng được quy định trong pháp luật về đất đai hiện hành và có thể tuyên bố vô hiệu nhưng khi giao nhận tiền với nhau có kèm theo một số điều kiện trong việc nhận, trả tiền bồi thường thiệt hại.

Một số khách hàng đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đúng theo quy định, chưa đăng bộ sang tên thì cơ quan điều tra áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản nên không thể hiện hoàn tất việc đăng bộ. Ngoài ra, nhiều bị cáo và người thân cũng đầu tư bằng các hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Như vậy các bị cáo cũng là bị hại.

Bị cáo Nguyễn Thái Luyện tự bào chữa: Tôi không có động cơ vụ lợi - 2

Các bị cáo tại tòa (Ảnh: T.M.).

Luật sư Hưng cho biết thêm, trong vụ án này, dấu hiệu chiếm đoạt chưa rõ ràng. Khách hàng đều biết đất mua là đất nông nghiệp, họ có niềm tin là khi nhận được nền đất, giá trị sẽ cao hơn giá trị đầu tư ban đầu. Khách hàng tự nhận thức và quyết định theo ý chí của mình một cách tự nguyện.

Hầu hết các vị trí mà bị cáo Luyện chỉ đạo nhân viên nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp để lập dự án đều nằm trong quy hoạch đất ở nông thôn theo bản đồ quy hoạch. Kết quả điều tra xác định bị cáo có tiến hành các bước xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại nơi có đất để tách thửa, theo quy định mà bị cáo lập nên.

Luật sư cho rằng các dự án có thật do bị cáo Luyện tự lập nhưng chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp nhận chủ trương đầu tư và cấp phép thực hiện. Cáo trạng xác định các dự án này không có thật là chưa thuyết phục. Hành vi của bị cáo Luyện và những bị cáo có dấu hiệu của tội Vi phạm các quy định về sử dụng đất đai. Từ đó, luật sư đề nghị tòa xét xử Luyện và các bị cáo về tội danh này.

Phiên tòa tiếp tục tranh luận.