Bị cáo Dương Thị Bạch Diệp: "Nếu tôi lừa đảo thì hãy tử hình tôi đi"
(Dân trí) - Tự bào chữa, bị cáo Dương Thị Bạch Diệp khẳng định mình bị oan và nói: "Nếu tôi lừa đảo thì hãy tử hình tôi đi, chung thân là quá nhẹ".
Ngày 6/10, phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thành Tài (cựu Phó Chủ tịch UBND TPHCM), Dương Thị Bạch Diệp (Giám đốc Công ty Diệp Bạch Dương) và đồng phạm tiếp tục phần tranh luận.
Theo nội dung vụ án, bị cáo Dương Thị Bạch Diệp có hành vi gian dối chiếm đoạt tài sản Nhà nước số tiền 186 tỷ đồng. Với hành vi trên, cấp sơ thẩm tuyên phạt tù chung thân. Cho rằng mình không phạm tội, bị cáo Diệp kháng cáo kêu oan.
Theo đại diện Viện Kiểm sát, tài sản 57 Cao Thắng đang thế chấp tại ngân hàng nhưng nữ bị cáo vẫn hoán đổi nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản 185 Hai Bà Trưng. Từ đó, Viện Kiểm sát xác định cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo Diệp mức án tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là đúng người, đúng tội, không oan sai.
Đối đáp quan điểm trên, luật sư Phan Trung Hoài (bào chữa cho bị cáo Diệp) cho rằng bản án sơ thẩm vi phạm tố tụng nghiêm trọng, có nhiều bất thường trong quá trình điều tra, xét xử.
Luật sư Hoài cho rằng những tài liệu phía ngân hàng cung cấp không thể chứng minh tài sản 57 Cao Thắng đang được thế chấp tại đơn vị này. Bởi nhà đất 57 Cao Thắng không thể cùng lúc bảo đảm cho nhiều nghĩa vụ như lập luận của ngân hàng.
Nếu bà Diệp có thế chấp và mượn giấy chứng nhận của ngân hàng để thực hiện các thủ tục thì hồ sơ phải có các biên bản giao nhận từ kho của ngân hàng vì đây là thủ tục bắt buộc nhưng hồ sơ hoàn toàn không có. Về bản chất không có việc thế chấp nhà 57 Cao Thắng. Ngoài ra, từ năm 2018, bà Diệp liên tục yêu cầu ngân hàng trả lại nhà đất này do không có thế chấp...
Về thiệt hại trong vụ án, luật sư Hoài cho rằng bản án sơ thẩm nhận định bà Diệp đã chiếm đoạt số tiền 186 tỷ đồng là không có căn cứ. Bởi lẽ, giá trị tài sản 185 Hai Bà Trưng được hiểu là giá trị quyền sử dụng đất, trong khi đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Tính đến thời điểm hiện nay, Nhà nước chưa có thiệt hại phát sinh.
Từ đó, luật sư Hoài cho rằng không đủ căn cứ kết tội bà Diệp lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đề nghị Hội đồng xét xử tuyên thân chủ không phạm tội. Trong trường hợp cần thận trọng nhằm đảm bảo tiếp cận sự thật khách quan, đề nghị tòa hủy bản án sơ thẩm, điều tra lại.
Tự bào chữa, bị cáo Diệp đồng ý với quan điểm của luật sư và khẳng định mình bị oan, không lừa đảo chiếm đoạt tài sản. "Nếu tôi lừa đảo thì hãy tử hình tôi đi, chung thân là quá nhẹ đối với tôi", bị cáo Dương Thị Bạch Diệp nói.
Chiều nay, phiên tòa tiếp tục phần tranh luận.