1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Hà Nội:

Bị cáo buộc “phù phép” 25 sổ đỏ, nữ Phó Trưởng phòng kêu oan

Tiến Nguyên

(Dân trí) - Ngày 24/8, TAND thành phố Hà Nội mở lại phiên phúc thẩm xét xử vụ án làm giả hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) tại huyện Ba Vì, Hà Nội.

Ba bị cáo bị đưa ra xét xử về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” gồm: Bùi Thúy Nga (cựu Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường, kiêm Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai huyện Ba Vì, Hà Nội), Nguyễn Bá Kiên (cán bộ địa chính xã Vân Hòa, Ba Vì) và Nguyễn Xuân Giúp (cựu Chủ tịch UBND xã Yên Bài, huyện Ba Vì).

Bị cáo buộc “phù phép” 25 sổ đỏ, nữ Phó Trưởng phòng kêu oan - 1

Ba bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm ngày 24/8.

Phiên phúc thẩm được mở do có kháng cáo của cả ba bị cáo. Trong đó, bị cáo Nga kháng cáo kêu oan; hai đồng phạm của bà Nga xin giảm nhẹ hình phạt.

Ngày 6/8, phiên phúc thẩm được mở nhưng đã phải trì hoãn vì vắng mặt bị cáo Kiên. Trong khi đó, bị cáo Nga và các luật sư bào chữa đề nghị Tòa triệu tập đại diện lãnh đạo huyện Ba Vì và các cán bộ có liên quan đến việc thẩm định hồ sơ cấp sổ đỏ đến phiên tòa.

Mở lại phiên phúc thẩm, HĐXX TAND TP Hà Nội xác định, trong các ngày từ 24/6 đến 10/7/2019, TAND huyện Ba Vì đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án này và tuyên phạt bị cáo Bùi Thúy Nga 5 năm 6 tháng tù, Nguyễn Bá Kiên 36 tháng tù và Nguyễn Xuân Giúp 30 tháng tù về cùng tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Bản án sơ thẩm cho thấy, cuối năm 2007 đầu năm 2008, bị cáo Bùi Thúy Nga nhờ một số cá nhân mua gom đất của các hộ dân tự khai hoang tại xã Yên Bài với mục đích đầu tư kinh doanh bất động sản. Sau khi mua được đất (loại đất nông nghiệp khai hoang, đất nông trường), bị cáo Nga đã nhờ người đo vẽ trích lục các thửa đất và làm hồ sơ giả để xin cấp sổ đỏ.

Tổng cộng, UBND huyện Ba Vì đã cấp 25 sổ đỏ đối với số đất nông nghiệp khai hoang, đất nông trường nói trên.

Cơ quan tố tụng xác định, việc cấp sổ đỏ này là không đúng trình tự quy định, không đúng nguồn gốc, mục đích sử dụng đất (đất có nguồn gốc do Nông trường Việt Mông quản lý và đất công do Nhà nước quản lý mà các hộ dân tự khai hoang sử dụng canh tác nông lâm nghiệp, bị chuyển đổi trái phép thành đất ở, do tư nhân quản lý, mua bán, chuyển nhượng qua nhiều người).

Hành vi này của Bùi Thúy Nga, Nguyễn Bá Kiên, Nguyễn Xuân Giúp đã gây thiệt hại cho Nhà nước gần 640 triệu đồng khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Trách nhiệm cao nhất thuộc về ai?

Tại tòa phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Bá Kiên và Nguyễn Xuân Giúp thừa nhận hành vi phạm tội như bản án sơ thẩm đã tuyên. Hai bị cáo này đều xin Tòa án cấp phúc thẩm xem xét để cho bản thân được hưởng án treo, song không đưa ra được tình tiết giảm nhẹ nào mới so với phiên sơ thẩm.

Bị cáo buộc “phù phép” 25 sổ đỏ, nữ Phó Trưởng phòng kêu oan - 2
Bị cáo Nguyễn Bá Kiên trả lời HĐXX.

Trả lời HĐXX cũng như câu hỏi của các luật sư, cựu Phó Trưởng phòng TNMT huyện Ba Vì khẳng định, bị cáo luôn làm đúng chức trách nhiệm vụ được giao, chưa bao giờ có biểu hiện lợi dụng quyền hạn hoặc lạm dụng quyền hạn của mình.

Theo trình bày của bà Nga, việc cấp sổ đỏ là cả một hệ thống. UBND xã được phân công làm công tác quản lý đất đai tại cơ sở. Việc đăng ký đất đai, cấp sổ đỏ, chuyển nhượng quyền sử dụng đất…, hồ sơ ban đầu phải do UBND xã thiết lập và xác nhận.

Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (gọi tắt là Văn phòng) chỉ thẩm định trên hồ sơ mà xã xác lập và đối chiếu với luật đất đai và các Nghị định, Thông tư hiện hành. Luật không yêu cầu Văn phòng xuống thẩm tra tại thực địa.

Nói rõ về quy trình cấp sổ đỏ, bà Nga cho hay, hồ sơ đất đai sau khi được xã thiết lập, qua các khâu, người ký cuối cùng và trách nhiệm cao nhất là Phó Chủ tịch huyện (?).

Khẳng định trước tòa, bà Nga nói bản thân không được lợi ích vất chất gì. Đồng thời, nữ Phó trưởng phòng cho rằng, lời khai của 3 người có trong hồ sơ vụ án là vô căn cứ vì 3 người này bị bà tố cáo lừa đảo, chiếm đoạt của bà hơn 6 tỷ đồng.

Bà Nga đưa ra công văn của Phòng Cảnh sát Hình sự (Công an TP Hà Nội), trong đó nêu, 3 người trên “đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bà Nga, cần phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can để đưa ra xử lý trước pháp luật”. Tuy nhiên, đến nay, sau khi công văn trên được ban hành 6 năm, vụ án vẫn chưa được khởi tố điều tra.

Ngoài ra, trả lời các câu hỏi tại phần thẩm vấn, bà Nga còn cho rằng, lời khai của hai bị cáo Nguyễn Bá Kiên, Nguyễn Xuân Giúp và của anh Phùng Quang Huy (cán bộ Phòng TNMT huyện Ba Vì) có nhiều mâu thuẫn, không đủ cơ sở để buộc tội bà…

Phiên xử vẫn đang tiếp tục ở phần xét hỏi. Dân trí sẽ tiếp tục cập nhật thông tin.