Quảng Ninh
Bị cáo 4 lần hầu tòa trong “kỳ án” cướp đò trên sông Ka Long bị tuyên y án sơ thẩm 7 năm tù
(Dân trí) - Sau nhiều lần thả rồi bắt, trải qua 4 phiên tòa và hành trình kêu oan kéo dài suốt 7 năm, cuối cùng Bùi Mạnh Giáp (SN 1983, trú huyện Mê Linh, TP Hà Nội), bị cáo trong vụ “kỳ án” cướp đò trên sông Ka Long cũng đã nhận mức án y án sơ thẩm (7 năm) do HĐXX phiên phúc thẩm tuyên vào sáng nay (24/9).
Luật sư, bị cáo, người bào chữa bổ sung nhiều căn cứ mới
Điều đáng nói, ngay khi Chủ tọa vẫn đang tuyên án thì phía dưới gia đình bị cáo đã có phản ứng dữ dội.
Người bào chữa Bùi Văn Khương bức xúc cho rằng, HĐXX không tôn trọng kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa nên gia đình sẽ kháng cáo.
Trước đó, ngày 23/9, sau 1 tháng tạm hoãn, TAND tỉnh Quảng Ninh đã tiếp tục đưa ra xét xử vụ “kỳ án” cướp đò trên sông Ka Long.
Có 7 luật sư và người bào chữa tham gia bào chữa cho bị cáo Bùi Mạnh Gíap
Theo cáo trạng và bản án sơ thẩm, năm 2011, Bùi Mạnh Giáp từ quê ra phường Hải Hòa (TP. Móng Cái) làm ăn. Tại đây, Giáp tập hợp 10 công nhân để tổ chức đội cửu vạn bốc hàng thuê ở vùng biên.
Khoảng 0h5’ ngày 16/12/2012, một cửu vạn trong nhóm là Nguyễn Quốc Cường (SN 1989, quê Sơn La) sau khi bốc hàng ở bờ sông Ka Long phía Trung Quốc trở về phòng trọ có nói với Giáp về việc nhìn thấy chiếc đò chở hàng điện tử vi tính cũ của một người Trung Quốc tên Tống Ân Hoa đang đỗ ở khu vực Cổ Ngỗng (khu 4 phường Hải Hoà, TP Móng Cái) có thể cướp được nên muốn tổ chức cho anh em đi cướp hàng. Sau khi nghe Cường nói Giáp đã đồng ý.
Ngay sau khi bị tuyên án, bị cáo Bùi Mạnh Giáp đã bức xúc phản đối.
Sau đó, Giáp chỉ đạo Cường dẫn cả nhóm cửu vạn mang theo 1 thanh kiếm, tuýp sắt, 1 dây thừng đi cướp. Khi đến nơi, nhóm cửu vạn được phân công 5 người xuống đò, 5 người còn lại cảnh giới trên bờ.
Cũng theo cáo trạng, trong khi đang thực hiện hành vi cướp nhóm Cường đã bị lực lượng biên phòng phát hiện bắt quả tang. Một nhóm gồm 5 cửu vạn bị bắt, nhóm còn lại cũng gồm 5 cửu vạn chạy thoát.
Tại phiên tòa phúc thẩm, các luật sư, người bào chữa cho bị cáo ngoài các căn cứ đưa ra để chứng minh bị cáo Giáp không phạm tội tại các phiên tòa trước như: việc bắt nhóm cửu vạn không phải bắt quả tang do việc truy đuổi không liên tục, tài liệu trong hồ sơ không khách quan, VKS chỉ trình chiếu các tài liệu nhận tội là không khách quan, có sự vi phạm tố tụng lấy lời khai nhân chứng, hiện trường đồi cổ ngỗng rất dốc không thể vác hàng lên được, bút lục trong hồ sơ vụ án bị trùng lặp…đã đưa ra rất nhiều căn cứ khác.
7 năm qua, bị cáo một mực kêu oan, tự đọc hồ sơ vụ án
Cụ thể, tại phiên tòa, bị cáo Giáp cho rằng, Tống Ân Hoa không phải bị hại trong vụ án này, dấu vân của bị hại này trong giai đoạn sơ thẩm và phục hồi điều tra khác nhau, chữ ký cũng không trùng khớp. Bị cáo đặt nghi vấn việc giả điểm chỉ và đề nghị xác định dấu vân tay.
Người bào chữa Bùi Văn Khương cũng cho rằng biên bản truy tìm vật chứng có vấn đề. Cụ thể, tại biên bản trên thể hiện Biên phòng có dẫn 2 cửu vạn truy tìm vật chứng, sau đó 2 cửu vạn này cũng đã ký vào biên bản. Tuy nhiên thực tế thì 2 cửu vạn này không hề được dẫn đi truy tìm vật chứng. Ngoài ra theo người bào chữa Bùi Văn Khương thì việc chỉ dẫn vị trí đò bị cướp của 5 cửu vạn không trùng khớp với vị trí chỉ dẫn của bị hại.
Người bào chữa Bùi Văn Khương cũng đề nghị VKS làm rõ, tại bút lục 23 (báo cáo về việc hỏi cung của ông KSV Bùi Quốc Huy) cho rằng có nhầm lẫn giữa các bản tường trình, lời khai, từ người này sang người kia. Trong khi các biên bản này là bản ông Huy viết tay vậy ông Huy nhầm từ tài liệu nào sang tài liệu nào, từ người nào sang người nào?
Để bào chữa cho bản thân
Còn theo một số luật sư, các tài liệu VKS giao nộp cho toà phúc thẩm bản chất là củng cố chứng cứ buộc tội cho Giáp chứ không phải chứng cứ gỡ tội cho Giáp, đề nghị đại diện VKS tranh luận rõ. Bên cạnh đó, cần phải thực nghiệm hiện trường để xác định đúng vị trí.
Đại diện VKS thừa nhận hồ sơ có nhầm, có sơ suất…
Tại phần tranh tụng, đại diện VKS đề nghị toà bác kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm 7 năm tù đối với bị cáo Bùi Mạnh Giáp.
Đối với các vấn đề luật sư, người bào chữa, bị cáo đưa ra đại diện VKS thực hiện quyền công tố tại tòa bà Trần Thị Minh Hiền cho rằng, tài liệu về bị hại Tống Ân Hoa không chỉ có dấu vân tay mà còn có cả chữ ký. Cũng theo bà Hiền, phía Trung Quốc không chỉ có chữ ký mà phải có cả dấu vân tay. Tuy nhiên chính bà Hiền cũng lại chỉ ra có biên bản được lập ở Trung Quốc nhưng không có dấu vân tay của bị hại.
Về việc thực nghiệm hiện trường bà Hiền cho rằng, trong đêm tối việc chỉ dẫn khu vực cướp của bị hại và 5 cửu vạn có khác nhau là khó tránh khỏi. “Tuy nhiên do đã thu thập đầy đủ nên không cần thực nghiệm hiện trường”, bà Hiền nói.
Vị Đại diện VKS này cũng cho rằng, không có chuyện thêm bớt tài liệu vào hồ sơ vụ án. Và dù xác nhận KSV Bùi Quốc Huy đã báo cáo có sự nhầm lẫn nhưng vị này không làm rõ được cụ thể việc nhầm lẫn từ tài liệu này sang tài liệu nào.
Liên quan đến vấn đề 2 cửu vạn không được dẫn đi truy tìm vật chứng nhưng lại có chữ ký trong biên bản này bà Hiền cho biết, phía Biên phòng cũng đã thừa nhận có việc này là do sơ suất.
Gia đình bị cáo bức xúc phản đối bản án
Luật sư bào chữa cho bị cáo Giáp cho rằng, từ các căn cứ buộc tội như: biên bản bắt người phạm tội quả tang có nhiều mâu thuẫn, lời khai của nhóm cửu vạn tại Công an TP Móng Cái, phiên toà phúc thẩm xử nhóm Cường là không có căn cứ bởi các cửu vạn khai bị bức cung, chịu áp lực nên mới nhận tội và đổ oan cho Giáp chỉ đạo đi cướp.
Đại diện VKS đã đưa ra quan điểm, bản án đối với 5 cửu vạn đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên là có tội. Vụ án này chỉ xem xét với bị cáo Giáp nên các tài liệu đó là căn cứ buộc tội.
Cũng liên quan tới vấn đề này, bị cáo Giáp có bổ sung kêu oan cho 10 cửu vạn, trong đó đã có 5 người chấp hành xong bản án, 5 người chưa bị xử lý. HĐXX cho rằng, phạm vi xét xử phúc thẩm bị cáo Giáp, nội dung kháng cáo bổ sung không nằm trong nội dung bản án sơ thẩm bị kháng cáo. Phiên toà phúc thẩm với bị cáo Giáp không phải xem xét kháng cáo hay tái thẩm đối với bản án phúc thẩm xét xử nhóm 5 cửu vạn. Lời khai phản cung của nhóm 5 cửu vạn đã bị xét xử là không khách quan nên không được chấp nhận.
An Nhiên