1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Bao nhiêu người vướng vòng lao lý trong vụ bà Nguyễn Phương Hằng?

Hoàng Thuận

(Dân trí) - Liên quan vụ bà Nguyễn Phương Hằng, đến nay, cơ quan điều tra đã khởi tố 7 người về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Ngày 26/2, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã hoàn tất các thủ tục khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với bà Đặng Thị Hàn Ni (46 tuổi, nhà báo Hàn Ni), tiến sĩ luật Đặng Anh Quân (45 tuổi, ngụ huyện Nhà Bè) và ông Trần Văn Sỹ (luật sư, 66 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) để điều tra về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, theo Điều 331 Bộ luật hình sự 2015.

Bao nhiêu người vướng vòng lao lý trong vụ bà Nguyễn Phương Hằng? - 1

Bị can Nguyễn Phương Hằng tại cơ quan điều tra (Ảnh: Công an cung cấp).

Đây là diễn tiến mới nhất trong quá trình mở rộng điều tra vụ án liên quan bà Nguyễn Phương Hằng (51 tuổi, ngụ quận 1, Tổng Giám đốc Công ty CP Đại Nam). Đến nay, cơ quan công an đã khởi tố 7 người, trong đó có bà Hằng về cùng tội danh.

Theo kết quả điều tra, công an xác định ông Đặng Anh Quân đã trực tiếp tham gia nhiều buổi livestream cùng bà Nguyễn Phương Hằng.

Trong các buổi livestream này, ông Quân đã phát ngôn, bình luận, cùng tương tác với bà Hằng về những nội dung xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của nhiều cá nhân.

Hành vi của ông Quân là giúp sức tích cực cho bà Hằng thực hiện hành vi phạm tội liên tục, nhiều lần trong thời gian dài, gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm phức tạp tình hình trên không gian mạng, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội.

Bao nhiêu người vướng vòng lao lý trong vụ bà Nguyễn Phương Hằng? - 2

Nhà báo Hàn Ni, tiến sĩ luật Đặng Anh Quân và ông Trần Văn Sỹ bị bắt do liên quan đến vụ bà Nguyễn Phương Hằng (Ảnh: Công an cung cấp).

Về hành vi của nhà báo Hàn Ni và ông Trần Văn Sỹ, cơ quan điều tra xác định, cả hai đã cố ý đăng tải nhiều đoạn ghi hình trên kênh Youtube, với các nội dung chưa được kiểm chứng, những thông tin thuộc bí mật cá nhân, bí mật gia đình, đời sống riêng tư.

Các nội dung đăng tải trên thu hút hàng trăm ngàn lượt xem, bình luận; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, gây hoang mang trong dư luận, xâm phạm quyền cơ bản của công dân.

Trước đó, ngày 1/12/2022, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, khám xét chỗ ở đối với Nguyễn Thị Mai Nhi (40 tuổi, trợ lý của bà Hằng), Lê Thị Thu Hà (31 tuổi, nhân viên Công ty CP Đại Nam), Huỳnh Công Tân (29 tuổi, Trưởng phòng Truyền thông Công ty CP Đại Nam) về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Kết quả điều tra, công an xác định Nhi, Hà và Tân là nhóm êkip hậu trường cho các buổi livestream của bà Hằng. Nhóm này giữ vai trò trợ lý, thư ký xuyên suốt trong quá trình bà Hằng livestream cho đến khi bà Hằng bị bắt.

Bao nhiêu người vướng vòng lao lý trong vụ bà Nguyễn Phương Hằng? - 3

Cơ quan điều tra tống đạt quyết định khởi tố đối với Nguyễn Thị Mai Nhi, trợ lý của bà Nguyễn Phương Hằng (Ảnh: Công an cung cấp).

Những người này đã giúp bà Hằng quản lý khoảng 12 kênh, trang mạng xã hội, lên kịch bản, khách mời trong các buổi livestream của bà Hằng để phát các thông tin trực tiếp với nội dung, ngôn từ sai sự thật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhiều người.

Trong đó, Hà và Nhi giữ vai trò là trợ lý, phụ trách thông báo lịch livestream/ngừng livestream, các vấn đề kiện tụng, đăng tải phát ngôn của bà Hằng; chuẩn bị các tài liệu, hệ thống kỹ thuật âm thanh, ánh sáng, máy chiếu, cập nhật những câu hỏi, bình luận của cộng đồng mạng để bà Hằng trả lời, bày tỏ quan điểm ủng hộ của mình đối với bà Hằng...

Ông Huỳnh Công Tân giữ vai trò thư ký, phụ trách dẫn chương trình, dẫn dắt câu chuyện tại các buổi livestream của bà Hằng. Trong buổi đua ngựa tổ chức tại trường đua Đại Nam, Tân đã đặt tên cho chó đua, ngựa đua giống tên một số người nổi tiếng và bình luận khiếm nhã.

Cơ quan CSĐT Công an TPHCM tiếp tục điều tra, xử lý.

Theo nội dung vụ án, tháng 3/2021, bà Nguyễn Phương Hằng thông qua 12 tài khoản mạng xã hội Youtube và TikTok, tổ chức nhiều buổi livestream tại TPHCM có nội dung xâm phạm bí mật đời tư, xúc phạm uy tín, danh dự của ông Võ Nguyễn Hoài Linh (nghệ sĩ Hoài Linh), bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sĩ Vy Oanh), bà Đặng Thị Hàn Ni.

Bà Hằng cũng thông qua các tài khoản mạng xã hội, công khai xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của ông Nguyễn Đức Hiển (nhà báo Đức Hiển), ông Huỳnh Minh Hưng (ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng), bà Trần Thị Thủy Tiên (ca sĩ Thủy Tiên) cùng chồng là ông Lê Công Vinh... trong các buổi livestream tại Bình Dương.

Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM thụ lý điều tra vụ Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, quy định tại Điều 331 Bộ luật hình sự, xảy ra tại TPHCM do bà Hằng thực hiện.

Theo Công an TPHCM, bà Hằng đã lợi dụng sức ảnh hưởng của bản thân, sử dụng chức năng của mạng xã hội, tổ chức nhiều buổi phát trực tiếp nội dung thông tin không kiểm chứng, liên quan đến đời tư của người khác; trong đó sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.

Quá trình điều tra, bà Hằng không hợp tác, coi thường pháp luật, nhiều lần tổ chức tập trung nhiều người đến nhà riêng của các cá nhân có mâu thuẫn, gây mất an ninh trật tự tại TPHCM và một số địa phương khác.

Qua thu thập tài liệu chứng cứ, ngày 24/3, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.