1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Huế:

Bài học xương máu sau vụ học sinh “múa kiếm chết người”

Cái chết oan ức của cậu học sinh lớp 10 trường Bùi Thị Xuân (TP. Huế) như một lời cảnh báo xương máu đối với các bậc làm cha làm mẹ. Hãy quan tâm đến sở thích, trò chơi của con em mình hơn nữa, để tránh tang thương có thể ập đến.

Cái chết tức tưởi

Trong một lần đi chơi cùng nhóm bạn, Hồ Tấn Hưng (sinh năm 1995, trú tại số 91 Lương Ngọc Quyến, phường Thuận Lộc, Thành phố Huế) "trổ tài" múa kiếm cho các bạn xem, bất ngờ lưỡi kiếm bay ra khỏi cán đâm vào ngực trái của người bạn đang đứng đối diện là Nguyễn Thành L. (sinh năm 1996, trú tại 108 Lương Ngọc Quyến, phường Thuận Lộc, Thành phố Huế).

L. kêu đau và ngã gục xuống đường. Hốt hoảng vì tai nạn bất ngờ, Hưng chạy đến rút lưỡi kiếm ra rồi cùng người bạn trong nhóm dùng tay bịt vết thương cho L. và gọi người nhà cùng đến đưa đi cấp cứu nhưng L. chết trên đường đến bệnh viện.

Minh họa
Minh họa

Ngày 21/8/2012, TAND TP Huế tuyên phạt Hồ Tấn Hưng 2 năm tù về tội “vô ý làm chết người”. Cha mẹ nạn nhân kháng cáo. Luật sư phía bị hại cho rằng có những lời khai của bị cáo và người làm chứng không thống nhất nhưng không được đối chất để làm rõ, việc thực nghiệm điều tra chưa được đảm bảo, vết thương của người bị hại chưa phù hợp với đặc điểm của lưỡi kiếm, việc mô tả lưỡi kiếm thiếu rõ ràng. Vì vậy đề nghị hủy bản án sơ thẩm để điều tra, truy tố, xét xử lại vụ án.

TAND TP Huế đã xét xử phúc thẩm vụ án. Tại phiên tòa, ông Tôn Minh Hiền - Thẩm phán chủ tọa phiên tòa - cho rằng “mặc dù có một số lời khai của bị cáo và người làm chứng không thống nhất, nhưng đây là những tình tiết không quan trọng, không ảnh hưởng đến yếu tố định tội hoặc yếu tố tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nên không làm thay đổi bản chất của vụ án”.

Theo tòa, hành vi của Hồ Tấn Hưng đã gây nguy hiểm cho xã hội và làm thiệt hại đến tính mạng của người khác. Bị cáo nhận thức được việc múa kiếm có thể gây nguy hiểm cho những người đứng xung quanh nhưng do nghĩ rằng hậu quả sẽ không xảy ra nên dẫn đến phạm tội. Hậu quả đã gây ra cái chết cho Nguyễn Thành L.

Trong quá trình thực hiện hành vi múa kiếm, mặc dù đã được các bạn và L. cảnh báo về sự nguy hiểm và yêu cầu dừng lại nhưng Hưng vẫn tiếp tục múa kiếm nên đã gây ra hậu quả nghiêm trọng. Điều này làm tăng tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội của bị cáo.

Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa phúc thẩm, ý kiến của kiểm sát viên, bị cáo, luật sư, giám định viên và những người tham gia tố tụng khác, hội đồng xét xử phúc thẩm đã nhận định bản án sơ thẩm về tội “vô ý làm chết người” là có căn cứ và đúng pháp luật.

Tuy nhiên, do chưa đánh giá đúng tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội nên xử bị cáo hai năm tù là nhẹ, chưa đảm bảo tác dụng răn đe, giáo dục phòng ngừa. Vì vậy, tại phiên phúc thẩm đã tăng mức án phạt cho Hồ Tấn Hưng là 2 năm 6 tháng tù.

Nỗi đau người ở lại

Người chị gái của L. mắt đỏ hoe khi kể lại, L. là con út trong nhà nên được ba thương nhất, em rất ngoan và chăm học, ở trường rất được thầy cô và bạn bè quý mến, L. còn là một học sinh tích cực trong các hoạt động của trường lớp.

Một tuần sau khi em L. mất, các bạn cùng lớp đã đem tấm bằng khen mà L.  giành được trong một cuộc thi của trường về đặt trang trọng trên bàn thờ nhỏ của L.  kê nơi góc nhà. Nhìn tấm bằng khen mà em L chưa kịp nhận, cả nhà không nén được nước mắt... Trên bàn thờ, khuôn mặt của chàng thanh niên mười sáu với đôi mắt trong sáng bình thản nhìn...

Từ ngày con trai không còn, người cha sau những cuốc xe ôm miệt mài mưu sinh từ sáng sớm đến tối mịt chỉ còn biết tìm vui bên lũ chim chóc. Còn ở góc một con đường nhỏ, mẹ L.  bên chiếc xe đẩy bán thức ăn vặt rẻ tiền nhìn đám học sinh nô nức tan trường  mà lòng đau thắt… Giá như Hưng, L.  và bạn bè không chơi những thứ đồ chơi nguy hiểm, thì sự tình đâu nên nổi.

Theo Hà Lê
Pháp luật Việt Nam