Bác sĩ bán morphine điều chế thuốc cai nghiện cho con nghiện
Từ tháng 9/2014 đến khi bị bắt, bác sĩ Thuần đã mua 2.428 lọ thuốc có nhãn hiệu morphine với giá 36.000 đồng/lọ. Toàn bộ số thuốc này, Thuần dùng để pha trộn với các lọ thuốc hiệu dimedrol loại 1ml/lọ rồi cho vào các ống bơm tiêm để bán cho người nghiện tự tiêm chích thay thế việc sử dụng ma túy.
TAND TP HCM vừa ra quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án Trần Hiệp Thuần (55 tuổi, nguyên bác sĩ công tác tại Trung tâm y tế quận Tân Bình) bị truy tố về tội "Mua bán trái phép chất ma túy".
Theo cáo trạng, chiều 4-7-2015, trước cổng Bệnh viện Thống Nhất, phường 7, quận Tân Bình, lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy - Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng Công an địa phương bắt quả tang Trần Hiệp Thuần đang bán chất ma túy cho Nguyễn Hoàng Lân.
Thu giữ của Thuần một túi nilon bên trong có 10 ống bơm tiêm chứa chất không màu có tổng thể tích 30ml dung dịch có chứa thành phần morphine với nồng độ morphine trung bình là 0,04mg/ml, 250.000 đồng, 1 điện thoại di động.
Quá trình điều tra, Thuần khai nhận: Từ tháng 9-2014 đến khi bị bắt, Thuần đã mua 2.428 lọ thuốc có nhãn hiệu morphine (loại 1ml) với giá 36.000 đồng/lọ. Toàn bộ số thuốc này, Thuần dùng để pha trộn với các lọ thuốc hiệu dimedrol loại 1ml/lọ rồi cho vào các ống bơm tiêm để bán cho người nghiện tự tiêm chích thay thế việc sử dụng ma túy.
Ngoài Lân, Thuần còn bán cho Nguyễn Văn Sơn (đã bị cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An bắt giữ về hành vi này) tổng cộng khoảng 1.230 ống kim tiêm với giá 50.000 đồng/ống.
Trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 7-2015, Thuần còn bán 80 ống bơm tiêm cho các con nghiện ở Đắk Lắk và TP Tuy Hoà (tỉnh Phú Yên). Tính đến ngày bị bắt giữ, Thuần đã thu lợi từ việc làm bất hợp pháp này trên 55 triệu đồng.
Nhiều ý kiến cho rằng, với chuyên môn nghiệp vụ điều trị nghiện ma túy; từng tham dự các khóa học liên quan đến nghiệp vụ này, bên cạnh việc công tác tại Trung tâm Y tế quận Tân Bình, bác sĩ Thuần còn điều trị cho các bệnh nhân nghiện heroin khi có yêu cầu, vậy hành vi trên có cấu thành tội?
Trao đổi phóng viên về vấn đề này, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho biết:
Căn cứ theo quy định tại Danh mục II các chất ma túy được dùng hạn chế trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế theo quy định của cơ quan có thẩm quyền ban hành kèm theo Nghị định số 82/2013/NĐ-CP ngày 19-7-2013 của Chính phủ, morphine, tên khoa học là 7,8 - dehydro - 4,5 - epoxy - 3,6 - dihydroxy - N – methylmorphinan được xem là chất ma túy...
Morphine được dùng hạn chế trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế theo quy định của cơ quan có thẩm quyền. Vì vậy, bất kỳ cá nhân nào khi tiến hành sử dụng morphine đều phải đáp ứng các điều kiện theo pháp luật, nếu không sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, trong vụ án này, theo LS Thế Trạch, bác sĩ Thuần không thể tự ý mua nguồn morphine không rõ nguồn gốc, sau đó tự điều chế và bán cho các con nghiện khi chưa có sự đồng ý của cơ quan y tế có thẩm quyền. Nếu thật sự đây là phương pháp sử dụng điều trị cắt cơn ma túy thì trong mọi trường hợp bác sĩ Thuần cũng phải kê toa, liều lượng nhất định cho từng người sử dụng.
Tuy nhiên, cũng cần nói thêm rằng, trong vụ án này có người mua, người bán nhưng CQĐT, Viện Kiểm sát mới xử lý "người mua" là bác sĩ Thuần, còn những "người bán" còn lại vô can là có thiếu sót.
Theo A.Huy
Công an nhân dân