5 bị cáo trắng án và bữa cơm ngon nhất đời
Vậy là đã hơn một tuần kể từ ngày TAND tỉnh Kon Tum tuyên bố năm bị cáo trắng án trong vụ cưa cây gỗ chết khô.
Nhưng dư âm ngọt ngào của một phiên tòa ở vùng núi vẫn còn đọng mãi trong tâm khảm của những người yêu công lý…
15 giờ ngày 1-6, TAND tỉnh Kon Tum quyết định lùi giờ tuyên án so với dự kiến. Mưa xối xả. Gần 16 giờ, trời tạnh. Bị cáo Phan Tiến Dũng nổi bật trong màu áo đỏ cùng với chiếc ba lô, biểu tượng của sự may mắn. Bị cáo Lê Quốc Khánh thì bất ngờ xuất hiện với cái đầu cạo trọc lóc. Mọi người nhìn nhau, cúi nhẹ đầu thay cho lời chào. Tất cả đã chuẩn bị sẵn sàng chờ phán quyết của tòa.
Công lý đã đến
Phòng xử không còn một chỗ đứng cho người dự khán. Bên hành lang, nhiều người vịn cửa sổ, hướng mắt vào bên trong nơi chủ tọa đang đọc bản án. Có một sự trùng hợp, cả năm bị cáo đều siết chặt lấy tay mình.
“HĐXX thấy có đủ căn cứ để tuyên bố năm bị cáo không phạm tội, cần hủy bản án sơ thẩm để đình chỉ giải quyết vụ án”. Tôi cố kìm cảm xúc, chỉ dám ồ nhẹ một tiếng thật nhỏ, phía dưới người dân vỗ tay dồn dập. Chủ tọa yêu cầu mọi người giữ trật tự.
“Quyết định các bị cáo Lê Quốc Khánh, Nguyễn Văn Bảy, Nguyễn Ngọc Bình, Nguyễn Văn Thụ, Phan Tiến Dũng không phạm tội trộm cắp tài sản . Tôi tuyên bố bế mạc phiên tòa”. Những cảm xúc dồn nén nãy giờ mới được vỡ òa, năm anh nhảy tưng lên, ùa tới bàn luật sư (LS) bắt tay chúc mừng. Bên ngoài, nhiều người dân chạy vào phòng xử ôm chầm lấy các anh.
Anh Khánh rơm rớm nước mắt. Vợ anh ôm bụng bầu cũng chạy vào phòng xử, nghẹn ngào. Sau chiếc áo bầu, tôi thấy em bé đạp liên hồi.
Một tay cầm ba lô đỏ, một tay mân mê điện thoại dò tìm số người thân, anh Dũng nở nụ cười sáng rực khuôn mặt: “Đây là điều anh chưa bao giờ nghĩ tới”. Ở một góc khác, anh Khánh hít một điếu thuốc thật sâu rồi phả ra nhẹ nhõm, đôi mắt vẫn ngấn lệ: “Hai năm trời!”.
Ngay cả những anh cảnh sát bảo vệ phiên tòa cũng rạo rực vui cùng chúng tôi. Không thể tin được, đây không phải giấc mơ. Thần công lý đã đến với chúng tôi. Trời Tây Nguyên lúc đó thật rộn ràng.
Anh Nguyễn Văn Thụ, một trong năm người bị oan, sẽ tiếp tục công việc cắt cỏ nuôi bò của mình. Ảnh: N.NGA
Bữa cơm ngon nhất sau hai năm
Ngày hôm sau, từ TP Kon Tum, chúng tôi quay ngược trở về huyện Đắk Hà cách đó khoảng 40 km. “Như lời hứa, năm anh em tụi anh đích thân vào bếp đãi em và các anh chị LS một bữa cơm gia đình” - các anh đón chúng tôi trên con đường đất ngoằn ngoèo, hai bên là nương rẫy.
Chúng tôi ghé đúng dịp bà con chòm xóm sắp đi dự đám cưới nhưng mọi người vẫn tranh thủ ghé chúc mừng. “Chỉ là một khúc gỗ chết khô, không đáng vì nó mà bỏ tù người dân. Giờ tòa tuyên như thế là quá đúng rồi. Nếu không có các ông LS thì các nạn nhân cứ thế mà nhận tội, chẳng ai cãi cho đâu” - cô Đỗ Thị Thanh (ngoài 60 tuổi, hàng xóm anh Nguyễn Văn Thụ) quả quyết.
Một hàng xóm khác là anh Phan Công Sơn nhớ lại cảm xúc chiều hôm trước: “Dân chúng tôi cứ nghĩ tòa sẽ lại tuyên có tội như hồi xử sơ thẩm. Nhưng cuối cùng tòa bảo các anh ấy không có tội. Hợp tình hợp lý quá. Công lý vẫn còn. Bất ngờ, xúc động muốn khóc luôn, lúc ấy tôi còn không dám vào phòng xử để bắt tay chúc mừng năm anh”.
“Lúc tranh luận, thấy đại diện VKS giữ nguyên quan điểm là y án sơ thẩm, tôi đã nghĩ chắc lần này phải đi tù” - anh Khánh nghẹn lời nhắc lại. Buổi sáng hôm tòa nghị án, anh chở vợ đi uống cà phê để chuẩn bị tâm lý cho chị. Lỡ mà anh có đi tù thì vợ ở nhà thay anh lo cho các con. Điều anh lo nhất là hai đứa con gái đi học sẽ bị bạn bè trêu trọc vì có cha đi tù sẽ dễ dẫn đến suy sụp. “Nhưng giờ thì xong rồi. Như vậy là vui lắm rồi” - vợ anh Khánh cười.
Trước ngày xử phúc thẩm, anh Thụ sụt mất mấy ký. “Từ hôm qua tới giờ lương tâm anh thoải mái lắm. Cuộc đời quá chi là sung sướng. Nếu không có LS và nhà báo bỏ bao công sức đồng hành thì tụi anh không có ngày hôm nay” - anh nói tận đáy lòng. Chỉ tay về đàn bò, anh khoe mình sẽ tiếp tục làm nông dân đi cắt cỏ nuôi bò. Anh cũng chưa nghĩ tới chuyện yêu cầu TAND huyện Đắk Hà xin lỗi hay bồi thường oan.
“Thằng Khánh là người lời nhất. Tưởng phải đi nên nó cho vợ mang bầu trước cho chắc ăn. May mắn là vợ nó mang bầu bé trai, giờ lại được ở nhà” - ai đó trong đám đông thốt lên. Chúng tôi ồ lên cười trong bữa cơm ngon nhất của chúng tôi hai năm nay.
Tiễn chúng tôi ra về, khác với hình ảnh cười tươi hết cỡ lúc chủ tọa tuyên bố bế mạc, mắt anh kiểm lâm Tiến Dũng rưng rưng. Tự dưng khóe mắt tôi cũng chợt nhòe đi. Không biết đến khi nào chúng tôi mới có dịp gặp lại nhau ở nơi đây, nơi mà chúng tôi đã hòa chung một bức xúc, nỗi buồn, niềm vui suốt hai năm qua. Tôi buông lời trêu: “Thế ngày mai các anh có vào rừng nữa không?”. “Chừa rồi, em à! Hai năm qua thế là quá đủ rồi” - anh Bảy quả quyết nói thay cho mọi người.
Nội dung vụ án
Tháng 4-2016, kiểm lâm Phan Tiến Dũng để cho bốn người dân vào rừng đặc dụng Đắk Uy (rừng tự nhiên) cưa một cây gỗ trắc chết khô thì bị phát hiện (khúc gỗ mà các bị cáo lấy chỉ có 0,123 m3). Vì vậy, kiểm lâm Dũng cùng bốn người dân trên đã bị công an huyện, VKSND huyện Đắk Hà (Kon Tum) khởi tố, truy tố về tội trộm cắp tài sản.
Hành vi của năm bị cáo là sai nhưng theo quy định hiện hành thì chỉ là vi phạm hành chính chứ không phải là tội phạm. Tuy nhiên, tháng 9-2016, TAND huyện Đắk Hà xử sơ thẩm lần đầu vẫn phạt năm bị cáo 12-15 tháng tù về tội trộm cắp tài sản. Các bị cáo kháng cáo kêu oan. Tháng 3-2017, TAND tỉnh Kon Tum xử phúc thẩm lần đầu đã hủy bản án sơ thẩm vì có vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Xử sơ thẩm lần hai hồi tháng 9-2017, TAND huyện Đắk Hà vẫn phạt năm bị cáo 11-14 tháng tù về tội trộm cắp tài sản.
Tại phiên xử phúc thẩm lần hai của TAND tỉnh Kon Tum ngày 1-6-2018, đại diện VKSND tỉnh Kon Tum vẫn đề nghị HĐXX bác kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm đối với các bị cáo. Cuối cùng, HĐXX đã tuyên bố năm bị cáo không phạm tội trộm cắp tài sản. Phán quyết của HĐXX đã được người dân địa phương và dư luận ủng hộ vì áp dụng đúng pháp luật.
Theo Ngân Nga
Pháp luật TP Hồ Chí Minh