1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

3 nước Đông Dương hợp tác phòng chống tội phạm xuyên biên giới

(Dân trí) - Trong 2 ngày 22 và 23/12, tại TP Nha Trang (Khánh Hòa) diễn ra Hội nghị Tòa án các tỉnh biên giới ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia, nhằm mục đích hợp tác đấu tranh phòng chống các loại tội phạm giữa 3 nước.

 

3 nước Đông Dương hợp tác phòng chống tội phạm xuyên biên giới - 1

Toàn cảnh Hội nghị

 

Tại hội nghị, các bên tập trung thảo luận công tác đấu tranh phòng chống tội phạm của nghành Tòa án 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, đặc biệt là Tòa án các tỉnh có chung đường biên giới.

 

Tiến sỹ Đặng Quang Phương, Phó Chánh án thường trực TANDTC Việt Nam cho biết, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế, các loại tội phạm xuyên quốc gia đang gia tăng một cách nhanh chóng, sự hợp tác của ngành Tòa án 3 nước góp phần quan trọng vào công tác đấu tranh, phòng chống và xét xử tội phạm, nhất là tội phạm xuyên quốc gia.

 

Theo bà Hoàng Thị Kim Oanh, Phó Chánh tòa Tòa hình sự Tòa án nhân dân Tối cao Việt Nam, bên cạnh những thuận lợi để 3 nước phát triển bền vững, thực hiện quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế thì cũng có không ít nguy cơ đang đe dọa, thách thức an ninh, trật tự của 3 nước. Đó là sự gia tăng của tội phạm có tính quốc tế.

 

Tội phạm có tính quốc tế không chỉ xảy ra phổ biến ở tội phạm về ma túy mà còn tội phạm về buôn bán người, các tội liên quan đến an ninh và trật tự công cộng.

 

Trong 5 năm (2004 - 2009), ở Việt Nam đã xảy ra gần 1.600 vụ buôn bán phụ nữ, trẻ em, lừa bán hơn 4.000 nạn nhân. Trong đó, khoảng 11% tổng số vụ mua bán sang Campuchia và 29% số vụ mua bán sang Lào.

 

3 nước Việt Nam,  Lào và Campuchia có chung đường biên giới kéo dài nên các loại tội phạm về an toàn, trật tự công cộng như: Đánh bạc; tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có; mua bán vận chuyển, tàng trữ trái phép vũ khí… cũng diễn biến phức tạp.

 

Trước tình hình tội phạm diễn ra ngày càng phức tạp, quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam là nêu cao tinh thần đấu tranh, phòng chống tội phạm trong nhân dân kết hợp và phát huy sức mạnh toàn dân, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước; tăng cường hợp tác quốc tế, đặc biệt là với Lào và Campuchia trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi.

 

Hội nghị thống nhất tiếp tục tăng cường hợp tác đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt là các loại tội phạm về ma túy, buôn bán người qua biên giới, góp phần giữ vững an ninh, trật tự trong khu vực.

 

Hội nghị cũng thống nhất tiếp tục trao đổi về sự phối hợp trong việc tổ chức Hội nghị luân phiên, hai năm một lần.

 

Nguyễn Thành Chung