1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Huế:

3 người Trung Quốc lợi dụng hộ chiếu du lịch để đi đào quặng sắt trái phép

(Dân trí) - Ngày 25/4, tin từ Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đơn vị vừa ra quyết định xử phạt một số người Trung Quốc do lợi dụng hộ chiếu du lịch để làm việc trái phép.

Theo đó, có tổng cộng 5 trường hợp người Trung Quốc bị phạt với tổng số tiền 75 triệu đồng (15 triệu đồng/người) về hành vi “Người nước ngoài nhập cảnh, hành nghề hoặc có hoạt động khác tại Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam”.

Trong số 5 người Trung Quốc này có 3 người gồm Liang Qingxiang (55 tuổi), Chen Wubin (52 tuổi), Liang Yongcai (31 tuổi) nhập cảnh vào Việt Nam ngày 25/2 với thị thực đi du lịch. Ba người trên đã đến lưu trú tại khách sạn Thác Mơ, thôn Xuân Phú, xã Hương Phú, huyện Nam Đông (Thừa Thiên – Huế).

Thời gian tại đây, 3 người đã thường vào khu vực khai thác quặng sắt ở mỏ Đại Sơn tại thôn Phú Mậu, xã Hương Phú để nhận mẫu phẩm quặng đưa đi khảo sát, đánh giá chất lượng nhằm thu mua.

“Việc sử dụng thị thực loại du lịch, nhập cảnh Việt Nam đến Thừa Thiên Huế và có hoạt động khảo sát, đánh giá chất lượng quặng sắt để thu mua là trái với mục đích nhập cảnh đã được duyệt” – Thượng tá Nguyễn Văn Thanh, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Công an tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định.

3 người Trung Quốc lợi dụng hộ chiếu du lịch để đi đào quặng sắt trái phép

Khu vực người Trung Quốc khai thác quặng sắt trái phép ở xã Hương Phú, huyện Nam Đông vừa bị phát hiện

2 trường hợp còn lại bị xử phạt gồm ông Cao Qi (27 tuổi) và ông Yang Renhua (34 tuổi), được Cục Quản lý Xuất nhập cảnh (A72) xét duyệt nhân sự cho phép nhập cảnh vào Việt Nam với mục đích du lịch; được Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh (Trung Quốc) cấp thị thực, loại sử dụng nhiều lần với thời gian được phép nhập cảnh từ ngày 6/3/2015 đến 6/6/2015.

Ngày 7/3, những người này nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu Hữu Nghị và đến lưu trú tại xã Hương Lộc, huyện Nam Đông. Trong thời gian từ đó đến nay, 2 người này đến làm việc tại Công ty CP thủy điện Thượng Lộ (huyện Nam Đông). Công việc hai người là chuyên gia giám sát việc lắp máy theo hợp đồng giữa Công ty CP thủy điện Thượng Lộ với Công ty hữu hạn cổ phần thủy điện Vân Hà – Trùng Khánh (Trung Quốc).

Việc 2 người Trung Quốc trên sử dụng thị thực loại du lịch, nhập cảnh Việt Nam, đến Thừa Thiên Huế làm việc là trái với mục đích nhập cảnh đã được duyệt.

Kết quả, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã lập biên bản, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 5 trường hợp trên về hành vi “Người nước ngoài nhập cảnh, hành nghề hoặc có hoạt động khác tại Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam”, quy định tại điểm b, khoản 5, Điều 17, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của chính phủ, mức phạt đối với mỗi trường hợp là 15 triệu đồng.

Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đồng thời đề nghị A72 trục xuất về nước đối với 5 trường hợp người Trung Quốc nhập cảnh và hành nghề trái phép trên.

Đặc biệt liên quan đến câu chuyện 3 người Trung Quốc vào khảo sát tại mỏ quặng Đại Sơn ở xã Hương Phú, phía UBND  huyện Nam Đông cho biết hoạt động khai thác bắt đầu từ ngày 20/3/2015 do ông Nguyễn Đức H. (trú đường Bà Triệu, TP Huế) thực hiện trên khu đất của các ông Đào Sanh, Phan Cư (cùng trú xã Hương Phú) và ông Nguyễn Nam (trú thị trấn Khe Tre, huyện Nam Đông). Giữa hai bên có hợp đồng viết tay để cải tạo đất. Tuy nhiên, sau đó những người Trung Quốc này xuất hiện với hành vi vi phạm về nhập cảnh như trên.

Sau thời gian khai thác khai thác quặng sắt “núp bóng” cải tạo đất bị phát hiện, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, UBND huyện Nam Đông tiến hành kiểm tra. Tại đây, cơ quan chức năng đã xác nhận có dấu hiệu khai thác quặng sắt. 
Các quặng sắt Laterit tại hiện trường

Các quặng sắt Laterit tại hiện trường

Đoàn đã  phát hiện 1 xe múc, một số máy máy móc, dụng cụ để thăm dò khoáng sản do 3 người Trung Quốc mang theo. Bên cạnh đó là một khu vực rộng gần 2.000 m2 bị bóc tầng đất phủ làm lộ quặng sắt Laterit. Tại thời điểm đoàn đến thì các hoạt động khai thác đã ngưng hẳn và không có đối tượng nào.

Qua kiểm tra hồ sơ của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế, đây là khu vực chưa được cấp mỏ khai thác khoáng sản. Về số máy móc người Trung Quốc mang theo để thăm dò khoáng sản, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết đang phối hợp với ngành hải quan để làm rõ việc nhập khẩu các thiết bị này có hợp pháp hay không.

Đại Dương