12 năm tù cho vị giám đốc buôn lậu xăng dầu

Lợi dụng chính sách tạm nhập tái xuất, vị giám đốc cùng đồng bọn "hô biến" gần 300 tấn xăng A92, bán ra thị trường trong nước, thu lợi bất chính, gây thiệt hại hơn 1,6 tỷ đồng tiền thuế. Sự việc bị bại lộ, vị giám đốc này bị kết án tù cùng 3 can phạm khác.

Ngày 11-11, Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng đưa vụ án “Buôn lậu xăng dầu” ra xét xử công khai. 4 bị cáo hầu tòa gồm: Nguyễn Hải Triều (50 tuổi, trú tại Hà Nội)- Giám đốc Xí nghiệp thương mại dầu khí Hàng không Miền Bắc, thuộc Công ty TNHH MTV xăng dầu Hàng không Việt Nam (viết tắt VINAPCO), Nguyễn Minh Tân (46 tuổi), Phạm Ngọc Hiệp (30 tuổi) và Nguyễn Văn Thịnh (57 tuổi), Phó Phòng kinh doanh -Xí nghiệp thương mại dầu khí Hàng không Miền Bắc, cùng cư trú trên địa bàn Hải Phòng.

4 bị cáo hầu tòa

4 bị cáo hầu tòa

Theo cáo trạng, lợi dụng chính sách tạm nhập tái xuất của nhà nước, Triều cấu kết cùng Tân, Hiệp buôn lậu 296,652 tấn xăng A92, thu tổng số tiền 8.090.453000 đồng (trong đó Hiệp trực tiếp bán 06 xe xăng thu về 6.940.453.000 đồng), gây thất thu số tiền thuế cho nhà nước gần 1,63 tỷ đồng.

Hành vi của các đối tượng: Triều, Tân, Hiệp đã phạm tội “Buôn lậu”; riêng Thịnh bị truy tố tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Vụ việc bị Hải quan Hải Phòng phát hiện, lật tẩy, báo cáo lên Tổng Cục Hải quan Việt Nam, sau phi vụ làm thủ tục tái xuất 296,625 tấn xăng A92 tại kho xăng dầu Đình Vũ của Công ty VINAPCO cho đối tác là Công ty TNHH cung ứng xăng dầu và thủy sản thành phố Bắc Hải, Trung Quốc (gọi tắt là Công ty Bắc Hải) bằng đường bộ, được chuyên chở trên 07 xe xì-téc chuyên dụng qua Chi cục Hải quan cửa khẩu Tà Lùng vào 3 ngày 6-7, 09/7 và 10-7-2012. Toàn bộ số hàng không được công ty này chuyển qua cửa khẩu Tà Lùng, Triều, Tân và Hiệp đã bàn nhau phá kẹp chì của Hải quan Hải Phòng, bán xăng cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại các tỉnh, thành phố phía Bắc, lấy tiền chia nhau.

Thấy động, toàn bộ số xăng A92 đã bán hết, nhưng không hợp thức hóa được hồ sơ tái xuất, Triều cùng đồng bọn nghĩ ra kế mượn xăng của Công ty VINAPCO với số lượng tương đương với số xăng đã bán ra thị trường, thuê lại 5 xe xì téc đã vận chuyển trước đó và mượn thêm 02 xe ô tô xì téc bên ngoài, sau đó thay biển kiểm soát giả, giống với biển của 2 xe cũ chở ngược lại Hải Phòng trả về nơi xuất bến với lý do đối tác chưa sẵn sàng nhận hàng.

Trước đó, đầu tháng 4-2012, thông qua Tân, Công ty VINAPCO ký hợp đồng mua bán xăng dầu số 02-2012/VINAPCO/TXTQ với Công ty Bắc Hải. Vị giám đốc Bắc Hải khi đó có tên Trần Hưng Phú.

Ngày 27-4-2012, Ông Trần Hữu Phúc- Tổng Giám đốc Công ty VINAPCO ký giấy ủy quyền cho cấp dưới là Nguyễn Hải Triều chịu trách nhiệm phối hợp với các phòng, ban, đơn vị của công ty để làm thủ tục xuất nhập khẩu và mua bán xăng dầu với đối tác. Khi đó ông Triều giữ cương vị Quyền Giám đốc Chi nhánh Xí nghiệp thương mại dầu khí Hàng không miền Bắc, trực thuộc VINAPCO.

Để thực hiện hợp đồng, Tân nhờ Nguyễn Cảnh Thăng- Trưởng Phòng kinh doanh của Công ty TNHH Đại Dương (Hải Phòng) “đóng thế” làm người đại diện cho Công ty Bắc Hải (Trung Quốc), soạn thảo các thủ tục liên quan đến việc mua bán xăng dầu giữa Công ty Bắc Hải với Công ty VINAPCO. Thăng soạn hợp đồng, sau đó chuyển cho một đối tượng tên là Trần Duy Liễu. Liễu có trách nhiệm mang đến cho Trần Hưng Phú – Giám đốc Công ty Bắc Hải ký, đóng dấu.

Sau khi ký 4 phụ lục hợp đồng, cuối tháng 5/2012 , Công ty Bắc Hải sử dụng tàu Shunfa 109 đã 04 lần cập Cảng Đình Vũ, Hải Phòng để nhận hơn 6854 tấn xăng A92 theo diện tái xuất của Công ty VINAPCO. Phi vụ này, Trần Duy Liễu đưa cho Tân 20 triệu đồng, Thăng 20 triệu đồng gọi là tiền trả công.

Không được Thăng giúp, Tân tự mình làm các thủ tục, rồi gửi cho Công ty VINAPCO.

Sau đó giữa VINAPCO và Công ty Bắc Hải có ký phụ lục hợp đồng số 5 xuất hàng hóa qua cửa khẩu Tà Lùng, tỉnh Cao Bằng.

Qua xác minh, điều tra, Cục điều tra chống buôn lậu (Tổng Cục Hải quan) và Bộ Công an đã làm rõ hành vi vi phạm pháp luật của 4 đối tượng: Thịnh, Hiệp, Tân, Triều.

Kết quả thông tin xác minh của công an Hải Phòng về đối tượng Liễu- người mà Tân khai đã cầm 7.959.523.500 đồng chuyển cho Trần Duy Liễu sau khi phi vụ bán lậu 7 xe xăng A92. Tại địa chỉ số 17 Trần Nhân Tông, Hồng Bàng (Hải Phòng) có 01 người tên là Trần Duy Liễu (SN:1949, không nghề nghiệp) nhưng ông này đã chết vào tháng 12-2012 sau vụ tai biến mạch máu não.

Còn về sự tồn tại của Công ty Bắc Hải, có địa chỉ tại thị trấn Hồ Nhuận, huyện Tịnh Tây, thành phố Bắc Hải (Trung Quốc), ngày 15-8-2012, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng Cục Hải quan) đã có Văn bản gửi Cục Chống buôn lậu- Hải quan Trung Quốc đề nghị phối hợp xác minh. Kết quả, Cao ủy Hải quan Trung Quốc trả lời, tại địa chỉ nêu trên không có Công ty Bắc Hải. Và con tàu mang tên Sunfa 109 đến nay cơ quan điều tra không xác định được chủ tàu là ai cũng như số xăng đã được bơm lên tàu này trước đó trở đi đâu.

Toàn bộ số tiền thu lợi bất chính từ số xăng dầu thuộc diện tạm nhập tái xuất cũng như số tiền thuế gần 1,63 tỷ đồng, tương ứng với số xăng dầu đã bán đã được các đối tượng liên quan tự giác giao nộp lại cho cơ quan điều tra.

Tại cơ quan điều tra, cũng như tại  phiên tòa, Triều, Tân, Hiệp và Thịnh đều thành khẩn khai nhận tội và mong nhận được sự khoan hồng của pháp luật.

Sau khi xem xét đến tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, HĐXX tuyên phạt bị cáo Triều và Tân cùng mức án 12 năm tù, phạt tiền 15 triệu đồng; bị cáo Hiệp 10 năm tù, phạt tiền 10 triệu đồng; bị cáo Thịnh 18 tháng tù.

Theo Trường Giang
An ninh thủ đô