Cơ hội tìm hiểu cách thức sử dụng phần mềm hợp pháp và hiệu quả cho doanh nghiệp
Ngày 29/8, Hội Sở hữu Trí Tuệ Việt Nam – VIPA và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI phối hợp với BSA| Liên minh Phần mềm tổ chức Hội thảo “Cơ hội tìm hiểu cách thức sử dụng phần mềm hợp pháp và hiệu quả cho doanh nghiệp”.
Tại hội thảo, lần đầu tiên hầu hết các tên tuổi phần mềm lớn trên thế giới là hội viên của BSA đều có mặt, gồm: Microsoft, PTC, Autodesk, Siemens, CNC Mastercam, giới thiệu những chính sách cấp phép phần mềm hiệu quả cho các doanh nghiệp Việt Nam. Hội thảo cũng thu hút được sự có mặt của các doanh nghiệp trong nước và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan.
Khai mạc Hội thảo, Chủ tịch VIPA, ông Mai Hà chia sẻ: Việt Nam đang quyết tâm hội nhập quốc tế mạnh mẽ và một trong những yêu cầu quan trọng là phải tuân thủ luật quốc tế. Đối với doanh nghiệp càng phải tuân thủ luật, cạnh tranh lành mạnh để hướng tới những lợi ích bền vững. “Tôi cho rằng tại hội thảo này, các chuyên gia của các công ty phần mềm chia sẻ cho các doanh nghiệp về chính sách đối với việc sử dụng các phần mềm hợp pháp là một trong những bước đi rất tốt và vững chắc cho các doanh nghiệp. Chúng tôi hy vọng qua hội thảo này quý vị có thể trao đổi được kết quả tốt để hiểu hơn chính sách của các công ty phần mềm và hiểu hơn chính sách của Việt Nam”, ông Mai Hà nhấn mạnh.
Trao đổi về ý nghĩa của buổi hội thảo trong đó có mặt các doanh nghiệp sử dụng và những công ty phần mềm, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI nói: “Đây là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước nắm được cách sử dụng phần mềm hợp pháp từ các công ty phần mềm lớn trên thế giới, từ đó để có thể phát huy được năng lực trí tuệ của mình, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp”.
Đẩy mạnh thực thi hiệu quả quyền SHTT, trong đó có bản quyền phần mềm máy tính là một trong những mục tiêu ưu tiên của Chính phủ để đảm bảo việc thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế về SHTT.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Trần Văn Minh, Phó Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch cho biết: “Qua hoạt động thanh tra cho thấy, tình trạng vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan vẫn còn diễn ra, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ sở hữu quyền trong và ngoài nước, ảnh hưởng đến hoạt động sáng tạo, sự phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội của đất nước và tiến trình hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Nguyên nhân của tình trạng nói trên chủ yếu là do nhận thức, hiểu biết, đặc biệt là ý thức chấp hành pháp luật quyền tác giả, quyền liên quan của các tổ chức, cá nhân còn nhiều hạn chế, chưa nghiêm túc”.
Ông Minh cũng cho biết, tổng kết 10 năm thực hiện Luật Sở hữu trí tuệ từ 2006-2016 về quyền tác giả, quyền liên quan, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành thanh tra 541 doanh nghiệp, kiểm tra 27.602 máy tính, xử phạt vi phạm hành chính 8 tỷ 613 triệu đồng. Riêng 8 tháng đầu năm 2017 thanh tra 55 doanh nghiệp, xử phạt vi phạm hành chính 1.380.000.000 đồng.
“Công tác thực thi, bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan nói chung và quyền tác giả đối với chương trình máy tính nói riêng là một trong những vấn đề lớn nhất mà các doanh nghiệp phải đặc biệt quan tâm. Nếu không nhận thức đầy đủ, các doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và khó khăn trong quá trình Hội nhập”, ông Minh nhấn mạnh.
Ngoài tránh được những rủi ro đối mặt với pháp luật, lợi ích quan trọng nhất của sử dụng phần mềm có bản quyền là gia tăng hiệu quả hoạt động và đảm bảo an toàn thông tin cho doanh nghiệp. Theo Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) trong năm 2016, VNCERT đã ghi nhận tổng cộng 134.375 sự cố tấn công mạng của cả 3 loại hình Phishing (lừa đảo), Malware (mã độc) và Deface (thay đổi giao diện), tăng hơn 4,2 lần so với năm 2015. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2017, các website Việt Nam đã phải hứng chịu hơn 6.000 cuộc tấn công mạng.
Trước tình trạng tấn công an ninh mạng hướng tới các tổ chức, các doanh nghiệp lớn của Việt Nam ngày càng gia tăng nguy hiểm, ông Gary Gan, Giám đốc Chương trình Tuân thủ Khu vực Châu Á -Thái Bình Dương, BSA| Liên minh Phần mềm nhấn mạnh:”Giữa việc sử dụng phần mềm bất hợp pháp hay phần mềm không bản quyền và các cuộc tấn công mã độc hay tấn công mạng có mối liên hệ chặt chẽ. Vì thế, lời khuyên đầu tiên của tôi đối với doanh nghiệp Việt Nam là nên sử dụng phần mềm có bản quyền. Có như vậy, các bạn mới có được những bản vá mới nhất từ các công ty phần mềm, dù bạn đang sử dụng phần mềm của công ty nào, như Microsoft, Adobe hay Autodesk … Theo đó, các bạn sẽ có thể nhanh chóng phát hiện hành động tấn công mạng để có biện pháp xử lý hiệu quả”.
Ông Gary cũng chia sẻ về công cụ Quản lý Tài sản Phần mềm (SAM) cho phép các công ty hay doanh nghiệp sẽ thực hiện đánh giá các phần mềm hiện có. Việc đánh giá sẽ giúp doanh nghiệp đồng bộ được việc sử dụng phần mềm của mình với yêu cầu của doanh nghiệp, để từ đó bảo đảm có sự lồng ghép trong hoạt động của doanh nghiệp. Ý nghĩa của quy trình này là từ trước đến nay, khi nói đến phần mềm, mọi người thường nghĩ đó là trách nhiệm của Ban giám đốc hay người phụ trách CNTT. “Nhưng theo tôi trong thời đại hiện nay khi mà mọi người đều sử dụng điện thoại di động, máy tính xách tay, mọi người đều có thể sử dụng nhiều loại phần mềm khác nhau. Vì thế chúng ta phải biết mình đang sử dụng cái gì, sử dụng như thế nào, có rủi ro gì khi sử dụng, và khi phát hiện có hành vi tấn công mạng thì làm sao để nhanh chóng phát hiện và đối phó hiệu quả”.