Xe mới: “Bình mới, rượu cũ”
(Dân trí) - Người tiêu dùng bắt đầu cảm thấy không thể phân biệt được các mẫu xe của cùng một nhà sản xuất khi mà mỗi năm lại có hàng trăm mẫu xe mới được đem đến các triển lãm ô tô quốc tế. Đây cũng chính là vấn đề nan giải của các công ty.
Ví như mẫu xe thể thao Nissan Altima có thiết kế bóng bẩy hệt như chiếc Infiniti G35, một sản phẩm của phân nhánh xe hạng sang của Nissan Motor. Hay như phiên bản concept của xe Honda Accord với những đường gờ, lượn đầy nam tính và mạnh mẽ mà người ta đã thấy đâu đó ở xe Acura, mác xe hạng sang của Honda.
Dưới sức ép cạnh tranh, các hãng ô tô của Mỹ phải liên tục tung ra những mẫu xe mới, trong khi sức sáng tạo cũng cần có thời gian. Kết quả là sự ra đời của nhiều phiên bản xe khác nhau, dưới nhãn mác khác nhau, nhưng thực chất vẫn chỉ từ một bản thiết kế. Trong khi đó, các nhà sản xuất ô tô của Nhật Bản đã có những bước đi thận trọng nhằm duy trì sự khác biệt nhất định giữa các mẫu xe của từng phân khúc thị trường.
Tuy nhiên, giờ đây, trong môi trường cạnh tranh quá khốc liệt, các nhà sản xuất Nhật Bản cũng bắt đầu khiến người tiêu dùng đôi khi bị lẫn lộn giữa các mẫu xe hạng bình dân và hạng sang của cùng một nhà sản xuất.
Các công ty của châu Âu cũng không thoát khỏi tình cảnh này. Hãng BMW sản xuất xe Mini Cooper mà không lường trước được rằng mẫu xe này cuối cùng lại phải cạnh tranh với chính mẫu 1-series của mình tại thị trường Mỹ. Khi đó, nhà sản xuất không còn cách nào khác là phải tạo ra nét đặc trưng mới, đưa sản phẩm sang phân khúc thị trường khác, cao cấp hơn hoặc bình dân hơn, bằng cách thay đổi thiết kế hoặc tăng công suất cho động cơ. Tất cả đều nhằm mục đích giảm sự trùng lặp giữa các dòng sản phẩm và thu hút thêm khách hàng.
Hiện tượng này thoạt nhìn rất dễ nhầm lẫn với “chiêu bài” cùng một mẫu xe nhưng được bán dưới nhiều thương hiệu, tất nhiên là có một số thay đổi về hình thức bên ngoài.
Đó là tình huống mà một số công ty của Nhật Bản đã rơi vào cách đây chừng 1- 2 thập kỷ, do nhu cầu phát triển vượt ra khỏi phân khúc thị trường bình dân nên họ đã xây dựng một thương hiệu mới cho các mẫu xe cao cấp. Tuy nhiên, trong lúc chưa thể độc lập sản xuất từ A đến Z thì các mác xe mới vẫn phải dùng chung hệ thống gầm bệ của công ty mẹ.
Khi bị hạn chế về thời gian và chịu sức ép về sản phẩm mới, các công ty như Honda và Nissan đều có xu hướng lấy cảm hứng từ những mẫu xe đã có để thiết kế mẫu mới. Do đó sự giống nhau là điều không tránh khỏi. Trang Autoblog.com chuyên về xe hơi thậm chí còn gọi chiếc Altima coupe là “xe G35 của người nghèo”.
Xe Altima coupe (trái) và xe Infiniti G35 (phải)
Lãnh đạo một số công ty sản xuất xe hơi cho biết một nguyên nhân khác đằng sau xu hướng này là người tiêu dùng ngày nay không còn mua xe theo mô-típ cũ nữa, nghĩa là bắt đầu từ mức giá bình dân, rồi tiến dần lên các mẫu xe đắt tiền hơn.
Cụ thể hơn là trước đây một phụ nữ ở lứa tuổi 20 có thể mua một chiếc Scion, rồi nâng cấp lên xe sedan của Toyota khi ở độ tuổi 30 và khi nhiều tuổi hơn, có nhiều tiền hơn thì sẽ là một chiếc Lexus. Do đó, mục tiêu của các hãng là lấp đầy mọi phân khúc thị trường để giữ khách hàng trung thành với hãng.
Nhưng giờ đây, có một số khách hàng đang dùng xe Scion lại chuyển thẳng sang dùng xe thể thao của Lexus.
Vào thập niên 90, hầu hết người tiêu dùng Mỹ đều thích các mẫu xe to xác, hầm hố, như SUV và bán tải. Hiện nay giới trẻ lại thích xe nhỏ hơn, nhưng không phải là rẻ hơn - họ sẵn sàng chi trả khoảng 18.000-19.000 USD cho một chiếc xe, và yêu cầu đầy đủ phụ kiện "đồ chơi", hay có thêm một số chi tiết nội thất.
Có lẽ đã đến lúc Lexus phải nghĩ đến phương án sản xuất xe nhỏ hơn và rẻ hơn, song song với xe có giá trên 100.000 USD.
Trong vài năm tới, nét đặc trưng của mỗi thương hiệu sẽ là một yếu tố ngày càng quan trọng để thu hút khách hàng, đặc biệt là khi các hãng của châu Âu như Fiat, Alfa Romeo và Citroën sẽ tăng tốc và xuất hiện một số gương mặt mới từ Trung Quốc, như Geely và Changfeng. Cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt hơn.
Nhật Minh
Theo International Herald Tribune