Hà Nội:

Xe máy ế ẩm: Đại lý thua lỗ, DN dừng sản xuất

Từ cuối năm 2011 tới nay, mặc cho các DN sản xuất kinh doanh xe máy thi nhau giảm giá, tung “chiêu” khuyến mãi thì thị trường xe máy Việt Nam vẫn hết sức ảm đạm, nhiều đại lý cho biết họ thua lỗ nặng nề.

Ế ẩm, đồng loạt mất giá

 

Khảo sát thị trường xe máy thời gian qua tại Hà Nội cho thấy nhu cầu về xe máy của người tiêu dùng xuống thấp khiến cho tiêu thụ gặp khó khăn, tồn kho tăng cao, giá giảm.

 

Hầu hết các loại xe máy bán ra hiện nay đều giảm giá, các mẫu xe tay ga của Honda đều bán dưới giá đề xuất. Xe PCX giá đề xuất của nhà máy là 59 triệu đồng, nhưng giá bán tại các đại lý, cửa hàng chỉ dưới 54 triệu đồng/xe. Xe Lead có giá đề xuất 35,5-36,5 triệu đồng/xe tùy màu, nhưng giá bán thực tế hiện chỉ khoảng 34,5-35,5 triệu đồng. Honda Vision, một thời gây sóng gió vì bị đẩy giá lên 6-7 triệu đồng mỗi xe, nay bán thấp hơn giá đề xuất 1-2 triệu/xe tùy màu.

 

Các xe Yamaha cũng giảm giá từ 1-3 triệu đồng. Tại một dại lý xe Yamaha tren phố Bà Triệu (Hà Nội), nhân viên bán hàng cho biết, những loại xe như Luvias, Nouvo, Cuxi, Mio Classico hiện bán rất chậm, không được như mọi năm. Ngay cả dòng xe hiện đang được xem là một trong những xe đời mới bán chạy nhất của Yamaha - Nozza - giá bán 33 triệu đồng (mức giá đề xuất là 33,9 triệu đồng), nếu so với thời kì đỉnh cao trước đó (37 triệu đồng) thì mức giá này bị xem là rớt thảm, nhưng người tiêu dùng vẫn rất thờ ơ.

 

Xe tay ga của Piaggio Việt Nam cũng trong tình trạng chung, bán rất chậm mặc dù giá đã giảm 1-3 triệu đồng/xe. Với các mẫu xe của DN trong nước sản xuất lắp ráp như Sufat, Lisohaka thì giá cũng giảm 2-5 triệu đồng/xe mà tiêu thụ rất chậm.

 

Xe nhập khẩu giá cũng giảm mạnh. Mẫu xe Sachs nhập khẩu về Việt Nam trước đây có giá bán 39 triệu đồng thì nay khuyến mại tặng phí trước bạ và phí đăng ký 3 triệu đồng, trừ đi khách hàng chỉ phải trả 36 triệu đồng.
 
Xe máy ế ẩm: Đại lý thua lỗ, DN dừng sản xuất

 

Tất cả đều ế ẩm - đó là câu nói các nhân viên kinh doanh xe máy. Lý do chính là kinh tế khó khăn người dân thắt chặt chi tiêu dẫn đến nhu cầu về xe máy giảm mạnh.

 

“Nông dân và công nhân được cho là hai đối tượng khách hàng lớn của các DN xe máy đến nay gặp đều khó khăn. Nông dân không bán được nông sản, có bán thì cũng bán rẻ, lỗ vốn nên không có tiền mua sắm xe máy. Công nhân nhiều công ty đang bị nợ lương, “xù” lương nên chỉ ưu tiên mua sắm thực phẩm, thay vì mua xe mới,” chủ một đại lý xe máy lý giải.

 

Bên cạnh đó, công suất sản xuất xe máy tăng mạnh khiến cho cạnh tranh khốc liệt dẫn đến giá giảm. Honda Việt Nam bắt đầu tăng sản lượng loại xe tay ga từ tháng 7/2011, Yamaha và Piaggio cũng tăng sản lượng, khiến cho nguồn cung lớn dẫn đến giá giảm.

 

Ra sức chiều khách

 

Cuối năm là dịp bán hàng rất tốt đối với các DN xe máy; khi đó, giá chỉ có tăng chứ không hề giảm, vậy nhưng vào cuối năm 2011 thì ngược lại, giá bán hầu hết các loại xe máy giảm mạnh dưới giá công bố mà tiêu thụ vẫn không tốt. Bước sang năm 2012, mọi chuyện còn tồi tệ hơn, tiêu thụ giảm mạnh và giá cũng giảm mạnh, ông Hùng chủ đại lý xe máy Honda trên phố Bà Triệu Hà Nội cho biết.

 

Một số đại lý xe máy Honda như Hồng Phát (Hải Phòng), Thắng Lợi (Hà Nội), trước đây bán cả ngàn xe mỗi tháng thì nay chỉ bán ra hơn trăm xe. Công ty TNHH Vượng phát (Hà Nội), DN nhập nhẩu xe máy Sachs cho biết, trước đây mỗi tháng các đại lý trên cả nước bán được 400 xe thì nay chỉ còn 100 xe. Thị trường xe máy tiêu thụ ước giảm tới 40% so với đầu năm 2011. Bán xe như vậy các DN cho biết họ hòa vốn hoặc thua lỗ. Hiện nay có đến gần 80% xe máy bán giá hòa vốn hoặc lỗ vốn. Ngay cả số xe bán có lời cũng ở mức tượng trưng, chỉ từ 300.000 - 500.000 đồng/xe.

 

Thông thường, một chiếc xe tay ga có giá 28 - 32 triệu đồng đại lý bán hàng được hưởng hoa hồng từ khoảng 2-3 triệu đồng nhưng nay khi bán ra thấp hơn giá công bố từ 1-3 triệu đồng, coi như hòa vốn hoặc thua lỗ. Các DN khi mua xe thường phải vay ngắn hạn từ ngân hàng, bán xong trả nợ, nay không bán được, trong khi lãi suất vay cao nên phải hạ giá mong bán nhanh thu hồi vốn trả ngân hàng, tránh để lâu phát sinh lãi coi như lỗ nặng. Hạ giá bán các DN hy vọng bán ra được nhiều thì chịu khó làm công việc bảo hành bảo dưỡng lấy lãi ở khâu này bù lại. Tuy nhiên, số lượng người mua khá ít nên không ăn thua. Hàng tồn kho lớn, lãi vay ngày càng tăng, nhiều DN đang thua lỗ nặng nề.

 

Một đại lý kinh doanh xe máy Honda tại Thái Bình cho biết từ cuối năm 2011 đến nay đại lý của ông đã thua lỗ tới gần 3 tỷ đồng do không bán được hàng. Những DN nào thời gian qua đẩy mạnh hoạt động bảo dưỡng, sửa chữa thì còn sống được, DN nào không coi trọng hoạt động này chỉ quan tâm đến bán xe, hoặc đại lý ở các vùng xa xôi thưa thớt, việc sửa chữa bảo dưỡng không ăn thua thì đang trong giai đoạn lỗ nặng.

 

Khi tiêu thụ khó khăn thì không chỉ có các đại lý xe máy “chết”, mà nhiều DN cũng khốn đốn. Mới đây, Honda Việt Nam đã phải cho lao động tạm nghỉ việc 10 ngày lý do là tiêu thụ giảm, tồn kho tăng cao. Trước đó, Yamaha Việt Nam cũng phải cho lao động tạm nghỉ việc 2 tuần với lý do tương tự. Đây là 2 DN xe máy lớn nhất Việt Nam hiện nay với số lượng xe tiêu thụ khoảng 3 triệu chiếc/ năm 2011 vậy mà cũng gặp khó khăn thì các DN khác còn khăn hơn. Từ đầu năm 2012 đến nay, nhiều DN sản xuất lắp ráp xe máy trong nước đã phải cho lao động tạm nghỉ việc  1 thời gian, hưởng 50-70% lương.

 

Chưa bao giờ mua xe máy lại tuyệt vời như hiện nay. Muốn mua xe gì đều có ngay và giá giảm, khác hoàn toàn với trước đây nhiều mẫu xe luôn cháy hàng, giá tăng chóng mặt, các đại lý bán xe không còn cách nào khác là giảm giá và phục vụ “thượng đế” tối đa.

 

Tại đại lý xe máy Matexim Nguyễn Trãi (Hà Nội), khách đến bảo trì xe được mời ngồi phòng máy lạnh, thích uống nước lọc, cà phê đá hay cà phê sữa đều được nhân viên phục vụ. Với nhiều đại lý khác cũng vậy, khách hàng đi xe máy đang được hưởng chế độ chăm sóc như khách hàng đi ô tô.

 

Các dự báo cho biết, cuối năm nay khi các DN như Honda, Piaggio, Yamaha Việt Nam hoàn tất đầu tư, công suất sản xuất xe máy tại Việt Nam tăng cao trong khi nhu cầu giảm thì giá xe máy khó có thể tăng trở lại. 
 

Theo Trần Thuỷ

VEF

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm