Kinh nghiệm lái xe từ thực tế:

Xe bồn rơi moóc khi ôm cua, người đi xe máy thoát hiểm trong gang tấc

Nhật Minh

(Dân trí) - Hai người đi xe máy đã cực kỳ may mắn khi vừa lướt qua đầu xe bồn thì xảy ra sự cố.

Tình huống diễn ra vào ngày 20/9 ở thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái.

Xe bồn bị "bẻ đôi" khi ôm cua, người đi xe máy thoát hiểm trong gang tấc (Video: OFFB).

"Tình huống xuống dốc kết hợp vào cua, tải nặng đi số 3 kết quả 50/50; nếu đi số 4 phải phanh lực lớn, lại bị nổ lốp nên không may như vậy. Để yên tâm hơn thì đi số 2, gần hết dốc và hết cua tăng số là vừa. Còn tình huống này thực tế ra sao thì người trong cuộc mới hiểu được.

Xảy ra tai nạn, nhưng dù sao vẫn may mắn, mong bác tài bình an. Hai người đi xe máy may mắn quá", tài khoản Facebook có tên Doan Nguyen bình luận sau khi xem video được chia sẻ trên mạng xã hội.

"Trông có vẻ như xe bồn bị nổ lốp, chạy cũng khá nhanh. Ôm cua đường đèo thì cứ chầm chậm bám làn thôi, có gì còn kịp xử lý", tài khoản Minh Luân nêu ý kiến.

Ở vùng núi phía Bắc, đa số là dạng đường đèo, dốc hiểm trở, nên tài xế xe tải, xe container, xe đầu kéo... cần chú ý kiểm tra hệ thống phanh và lốp, cũng như việc chằng buộc hàng hóa, chốt moóc cẩn thận trước khi khởi hành. Việc bảo dưỡng, sửa chữa xe cần thực hiện đầy đủ, không nên chủ quan.

Trên đường đi, khi leo đèo, tài xế cần chuyển xe về các số thấp phù hợp với độ dốc của đèo, phối hợp côn - ga - số hợp lý để tránh cho xe bị bó côn, "cháy" phanh...

Khi vào cua hoặc xuống dốc, tài xế nên rà phanh từ từ, tránh phanh gấp, dễ dẫn tới hiện tượng trượt dốc, hoặc cua nhanh dễ khiến thùng hoặc moóc phía sau bị nghiêng, dẫn tới mất kiểm soát phương tiện. Tài xế cũng không nên rà phanh liên tục khiến má phanh phải hoạt động liên tục, dầu phanh sôi.

Dù là lên hay xuống dốc, hãy lái với tốc độ mà mình cảm thấy an toàn, ôm cua không bị cuống, ít phải dùng phanh nhất.

Một lưu ý quan trọng là khi xe đổ dốc đèo, không được về số N, để xe tự trôi, vì như vậy sẽ khó kiểm soát được tốc độ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm