Ô tô may mắn thoát khỏi vụ sạt lở núi trong tích tắc

Nhật Minh

(Dân trí) - Tình huống diễn ra vào ngày 22/8 ở xã Nậm Vì, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, cho thấy sự nguy hiểm của việc di chuyển trên các cung đường núi vào thời điểm đã hoặc đang có mưa dông kéo dài.

Hình ảnh do camera hành trình ghi lại cho thấy cảnh sạt lở núi ngay phía trước mũi xe ô tô, tài xế đã có phản xạ khá nhanh, lập tức cho xe lùi lại.

Nếu chạy nhanh hơn một chút thì có lẽ chiếc ô tô đã bị vùi dưới khối đất đá sạt lở núi (Video: OFFB).

Tình huống trên cho thấy việc mưa dông kéo dài có thể gây khó khăn và nguy hiểm như thế nào cho các phương tiện di chuyển ở các khu vực miền núi. Nếu không thực sự cần thiết, các tài xế nên hạn chế tối đa việc di chuyển tới những địa hình đường núi phức tạp vào mùa mưa lũ, vì nguy cơ sạt lở cao.

Khi tham gia giao thông ở các khu vực này, tài xế nên chú ý dừng xe nơi an toàn để xuống thăm dò trước, xem đoạn đường phía trước có cảnh báo nguy cơ sạt lở đất đá hay không, lượng bùn đất cao tới đâu, liệu xe có thể qua được hay không.

Nếu thấy đoạn đường có nhiều nguy cơ thì không nên đi cố, để tránh rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng.

Khi di chuyển, lái xe cần chú ý duy trì khoảng cách lớn với các xe đi trước, không nên chạy song song với xe ô tô nào, và luôn tập trung quan sát đường đi cũng như hai bên đường để có thể chủ động tránh những bất trắc.

Như tình huống trong clip trên, may mắn là phía sau xe có camera hành trình không có xe nào bám đuôi, nếu không, sẽ không thể lùi lại nhanh như vậy để tránh đất đá sạt lở.

Bên cạnh đó, khi đi trên đường núi vào mùa mưa hoặc khi có nhiều sương mù, trời âm u, tài xế cần bật đèn cốt để có thể quan sát đường tốt hơn, và giúp các lái xe khác thấy rõ xe bạn. Không nên bật đèn pha khi có xe chạy đối diện vì như vậy sẽ làm lóa mắt tài xế phía bên kia, gây nguy hiểm cho cả hai.

Khi trời mưa lớn hoặc sương mù dày đặc, nên dừng xe lại; còn trong trường hợp buộc phải đi, bạn nên đi với tốc độ dưới 10km/h và bật đèn khẩn cấp trong toàn hành trình.

Ngoài ra, trước mỗi hành trình, bạn nên lưu một vài số điện thoại cứu hộ ở tuyến đường mình sẽ đi qua và kiểm tra chắc chắn trung tâm cứu hộ đó vẫn đang hoạt động. 

Chúc các bạn lái xe an toàn!