Vừa cập nhật phần mềm chống trộm, chiếc Kia Optima vẫn bị kẻ gian "cuỗm" đi
(Dân trí) - Mặc dù hãng xe Hàn Quốc đã triển khai phương án nhằm đẩy lùi vấn nạn ăn cắp xe, nhưng độ hiệu quả bị đặt dấu hỏi sau vụ việc này.
Hơn 10 năm qua, tỷ lệ ô tô Hyundai và Kia bị đánh cắp tại Mỹ đã gia tăng đột biến, khiến tập đoàn xe hơi đến từ Hàn Quốc vướng vào những vụ kiện tập thể.
Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ thử thách mang tên "Kia Challenge" được lan truyền trên TikTok và các nền tảng mạng xã hội khác. Chúng có nội dung hướng dẫn cách nổ máy xe của hai thương hiệu này chỉ bằng các công cụ đơn giản và một dây cáp USB.
Hầu hết các mẫu xe bị ảnh hưởng thuộc phiên bản 2011-2022 và không được trang bị hệ thống mã hóa khóa động cơ (Engine Immobilizer) - tính năng chống trộm phổ biến trên nhiều ô tô hiện đại. Theo Cơ quan Quản lý An toàn giao thông đường bộ Quốc gia Mỹ (NHTSA), ít nhất 14 vụ va chạm và 8 người tử vong có liên quan đến những chiếc xe bị trộm đã được ghi nhận.
Nhằm khắc phục lỗ hổng an ninh, cách đây khoảng 3 tháng, Hyundai và Kia đã tung bản cập nhật phần mềm chống trộm mới cho các sản phẩm của mình. Tuy nhiên, biện pháp trên dường như "chẳng thấm vào đâu" với vấn nạn này.
Điển hình là trường hợp của Taylor Rose (19 tuổi), sinh sống tại thành phố New Orleans thuộc tiểu bang Louisiana. Rạng sáng 15/5, anh hốt hoảng khi phát hiện chiếc ô tô "đầu đời" của mình - một chiếc Kia Optima đời 2020, đậu ở sân nhà đã "không cánh mà bay".
Đáng nói, chiếc Optima này đã được cập nhật phần mềm bảo mật mới nhất tại đại lý chính hãng chỉ 15 tiếng trước khi bị kẻ gian lấy đi.
Chia sẻ với phóng viên của kênh truyền hình WWLTV, Taylor cho biết anh cảm thấy rất sốc và không thể đứng vững khi nhận ra ô tô của mình đã biến mất.
Vài ngày sau khi sự việc xảy ra, cảnh sát đã phát hiện chiếc Optima với đầu xe hư hại nặng và kính sau phía người lái vỡ hoàn toàn. Nội thất của xe cũng không khá khẩm hơn: 3 túi khí phía trước đã bung, các tấm ốp trên cột lái bị tháo tung và một viên đạn chưa kích nổ nằm trong hộc để ly.
Tương tự đa số vụ trộm xe Kia trước đó, đối tượng đã cắm một dây cáp USB vào bộ đề khởi động xe.
Sau khi nhận được thông tin, đại diện hãng xe Kia cho biết đây là lần đầu tiên họ ghi nhận trường hợp một chiếc xe đã qua cập nhật phần mềm vẫn bị ăn cắp, đồng thời hứa hẹn sẽ kiểm tra chiếc xe để xác định vấn đề.
Tất nhiên, lời phản hồi này không thể xoa dịu sự phẫn nộ và thất vọng của gia đình Taylor cũng như nhiều người dùng khác. Ông Scott Rose, bố của Taylor kiêm sĩ quan đang công tác tại Sở Cảnh sát Jefferson Parish, đã bày tỏ sự bất mãn với công tác cập nhật phần mềm của hãng xe Hàn Quốc.
"Ngay cả khi Kia đã cập nhật phần mềm thì chiếc xe vẫn bị trộm. Thật không thể tin nổi", ông cho biết. "Tôi chỉ có một câu hỏi dành cho Kia. Các vị đang làm cái gì vậy? Các vị sẽ làm gì để giải quyết tình trạng này? Chúng tôi mua xe để phục vụ đời sống hàng ngày và các vị sẽ làm gì để khắc phục điều này".
Trong lúc đó, mặc dù công ty bảo hiểm đã đưa ra phương án cung cấp xe thuê cho Taylor Rose nhưng nam thanh niên lại không thể dùng xe do chưa đủ 25 tuổi - độ tuổi cho phép thuê xe tại Mỹ. Taylor và gia đình tuyên bố họ sẽ tìm kiếm một chiếc xe khác có tính năng chống trộm tốt hơn.
Dữ liệu ghi nhận tại 7 thành phố của Mỹ, do hãng tin AP tổng hợp, cho thấy số vụ trộm xe Hyundai và Kia vẫn gia tăng, bất chấp những nỗ lực của công ty trong việc vá lỗ hổng an ninh. 8,3 triệu xe thuộc hai thương hiệu Hàn Quốc này đang có nguy cơ dễ dàng bị trộm "bẻ khóa".
Một số thành phố của Mỹ cho biết ít nhất 60% số vụ trộm xe trên địa bàn liên quan tới xe Kia và Hyundai. Các video trên TikTok và các trang mạng xã hội khác đã chỉ ra cách "bẻ khóa" để lấy trộm xe Kia và Hyundai chỉ bằng một chiếc tua-vít và một dây cáp USB. Việc này khiến số vụ trộm xe của hai thương hiệu này tăng đột biến tại Mỹ từ cuối năm 2021.