VinFast “tái định nghĩa” ô tô cao cấp tại Việt Nam

(Dân trí) - “Để so sánh hai mẫu xe của VinFast, phải lấy BMW Series 5, Mercedes E-Class làm hệ quy chiếu, chứ không thể lấy giá công bố để so với xe cùng tầm tiền” là nhận xét của chuyên gia ô tô Nguyễn Thanh Hải. Cũng theo ông Hải, VinFast đã giúp việc sở hữu những “cỗ máy lái chất lượng Đức” ở phân khúc cao cấp dễ dàng hơn khi kéo giá trong giai đoạn đầu xuống như một cách định nghĩa lại ô tô cao cấp tại Việt Nam.

VinFast “tái định nghĩa” ô tô cao cấp tại Việt Nam - 1

Những “cỗ máy lái chất lượng Đức”

Theo ông Nguyễn Thanh Hải - người từng phụ trách marketing của Bentley và Lamborghini tại Việt Nam, không hề quá lời khi cho rằng hai mẫu xe VinFast Lux SA 2.0 và Lux A 2.0 mang trong mình dòng máu Đức. Dù là những mẫu xe thương hiệu Việt đầu tiên sẽ được sản xuất hoàn toàn tại Việt Nam nhưng những chiếc xe này được sản xuất bằng máy móc của Đức, được chế tạo dựa trên cơ sở nguyên mẫu Đức, phần lớn các chi tiết được cung cấp bởi các công ty Đức và được lắp ráp bởi những nhân công được đào tạo theo tiêu chuẩn Đức.

Cụ thể hơn, chiếc Lux A 2.0 dùng máy và platform F10 của BMW (được sử dụng trên các dòng sản phẩm BMW 5 Series giai đoạn 2011-2017). Các mẫu xe tiêu biểu là BMW 520i, 528i chính là nền tảng của chiếc sedan của VinFast. Đối với chiếc SUV Lux SA 2.0 dùng platform F15 (được sử dụng trên các dòng sản phẩm BMW X5 giai đoạn 2014-2018).

“Dù xe VinFast không phải 100% là BMW, nhưng với những thành tố căn bản của một chiếc xe là động cơ, platform cùng nhiều chi tiết khác đến từ BMW, được sản xuất theo giấy phép của BMW, hai mẫu xe Lux của VinFast thuộc phân khúc premium với những đặc tính vốn có của phân khúc này như sang trọng, đẳng cấp, an toàn và đặc biệt là chất lượng cực tốt. Có thể gọi đây là những “cỗ máy lái chất lượng Đức”, ông Hải nhận định.

Dưới một góc độ khác, một chuyên gia tư vấn về công nghiệp ô tô đánh giá, việc BMW đồng ý hợp tác cùng VinFast qua việc cung cấp quyền sở hữu trí tuệ để phát triển những chiếc xe thương hiệu Việt là bảo chứng rõ ràng cho chất lượng và đẳng cấp của những chiếc xe VinFast. “Cái bắt tay” của VinFast với BMW cho thấy hãng xe Việt ngoài việc có tiềm lực tài chính còn có khả năng tiếp nhận và ứng dụng vào các sản phẩm của mình những công nghệ đỉnh cao của thế giới trong ngành công nghiệp chế tạo xe hơi.

“Với sự hợp tác chặt chẽ với BMW, VinFast có một lợi thế cực lớn để sản xuất ra những sản phẩm chất lượng”, ông Titikorn Lertsirirungsun, quản lý vùng Đông Nam Á của công ty tư vấn LMC Automotive cho biết.

VinFast “tái định nghĩa” ô tô cao cấp tại Việt Nam - 2

Ngang cơ BMW Series 5, Mercedes E Class

Nhận xét về chất lượng hai mẫu xe VinFast Lux SA 2.0 và Lux A 2.0 vừa ra mắt tại công viên Thống Nhất, ông Hải là cho rằng xe VinFast ngang cơ với các dòng cao cấp châu Âu, và nếu so sánh thì phải lấy BMW Series 5, Mercedes E Class làm hệ quy chiếu, chứ không thể lấy giá công bố để so với xe cùng tầm tiền.

“Mọi người đi xe BMW hay Mercedes-Benz sẽ thấy ngay rằng gầm bệ của các hãng xe này rất phức tạp, dùng nhôm nhiều và các chi tiết (kể cả các loại rô-tuyn) đều được bọc nhựa. Xe BMW 520, 528 hay chính xe VinFast dùng hệ treo tay đòn kép với càng A bằng nhôm, chứ không phải kiểu MacPherson rẻ hơn. Với nhiều trang bị chỉ có trên những dòng xe cao cấp, không thể xếp VinFast ngang với những xe cùng tầm tiền”, ông Hải nêu dẫn chứng.

Đồng tình với quan điểm của ông Hải, ông Nguyễn Mạnh Thắng - Tổng Giám đốc Whatcar cho rằng với xuất xứ BMW cùng hàng loạt đối tác hàng đầu thế giới như Magna Steyr (phát triển dòng xe VinFast trên cơ sở nền tảng BMW), AVL (phát triển hệ thống truyền động, động cơ), ZF (cung cấp hộp số), Pininfarina (thiết kế nội, ngoại thất), Bosch (linh kiện và công nghệ)… hai mẫu xe của VinFast thực sự nổi trội và ở một mức độ nào đó có thể nói là tiệm cận phân khúc hạng sang.

“Hai mẫu xe của VinFast có thể được cá nhân hóa theo sở thích của khách hàng, cách làm chỉ có ở những dòng xe sang và siêu sang như Rolls-Royce, Bentley. Điều này không chỉ tối ưu hóa quyền lợi cho người mua xe, tạo ra những chiếc xe mang dấu ấn của chủ xe mà còn là một tuyên ngôn rõ ràng về phân khúc cao cấp của hai chiếc xe này”, ông Thắng nhấn mạnh.

“Giá 3 Không” là chiêu marketing chưa từng có

Điều đặc biệt bất ngờ là mức giá “quá mềm” cho hai “cỗ máy lái Đức” khi Lux SA 2.0 chỉ có 1,136 tỷ đồng và Lux A 2.0 là 800 triệu đồng (chưa VAT) sau khi áp dụng chính sách 3 không và ưu đãi thời gian đầu mở bán: không chi phí khấu hao - không chi phí tài chính - không lợi nhuận.

Nhận xét về biểu giá “3 Không” của VinFast, ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Le Bros, chuyên gia thương hiệu hàng đầu cho rằng đây bản chất là một chiến lược marketing “chưa từng có” kể cả trên thị trường thế giới. Dù cho rằng VinFast sẽ là bên chịu phần thiệt nhưng ông Vinh đánh giá cao động thái này như một cách định nghĩa lại khái niệm ô tô cao cấp tại Việt Nam.

“Trong quá trình vận hành, doanh nghiệp có thể giảm chi phí bằng cách hợp lý hóa quy trình sản xuất, nguyên vật liệu. Với VinFast, đang có kế hoạch nội địa hóa lên tới 70%, mặc dù người ngoài chưa hình dung họ nội địa hóa như thế nào nhưng đó là một cách để giảm chi phí xuống” - ông Vinh kỳ vọng.

Thị trường xe sang có thể tái định nghĩa lại không phải chờ VinFast ra bản thương mại vào 2019 nhưng chắc chắn ngay từ bây giờ người tiêu dùng Việt đã có một cơ hội “quá hời” để sở hữu “niềm tự hào Việt Nam” xe sang, máy chất, giá “yêu thương”.

Hoàng Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm