Vì sao Tesla đứng vững trong khi các hãng xe chật vật vì khủng hoảng chip?
Năm 2021, các nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới như ngồi trên lửa vì thiếu chip điện tử.
Tesla thì khác, khi doanh số quý sau phá kỷ lục quý trước và kết thúc năm 2021 với tổng lượng xe bán ra tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020.
Từ "trò cười" trở thành chiến lược khôn ngoan
Xưa nay, hãng xe Tesla và Giám đốc điều hành Elon Musk rất ít khi tiết lộ về cách thức vận hành. Hiện tại dù đã đạt được nhiều thành tựu lớn, Musk vẫn từ chối trả lời.
Nhưng nhìn cách họ làm, bức tranh về Tesla phần nào rõ hơn. Trong một bài phân tích, tờ báo New York Times (Mỹ) nhận định, công thức thành công của hãng xe điện Mỹ đơn giản là làm chủ công nghệ và chuỗi cung ứng của riêng mình.
Đối mặt với sự biến đổi khôn lường của dịch bệnh, từ mức giảm sâu ở đầu đại dịch, thị trường ô tô phục hồi cực nhanh khiến nhiều hãng ô tô bị sốc.
Một vài hãng khác không có đủ chip và phụ tùng để sản xuất xe, bắt kịp nhu cầu.
Với Tesla, hãng xe điện Mỹ cũng không nằm ngoài thảm cảnh khan hiếm chip. Tuy nhiên họ có cách giải quyết mà các hãng khác khó có thể làm được, đó là sử dụng chip có sẵn và viết lại phần mềm đã vận hành để phù hợp với nhu cầu.
Các hãng ô tô lớn hơn không thể làm vậy vì họ phụ thuộc vào nguồn cung bên ngoài đối với cả phần mềm và chuyên môn máy tính.
Trong một số trường hợp, các nhà sản xuất ô tô còn phải dựa vào những nhà cung cấp này để đàm phán với các nhà sản xuất chip. Khi khủng hoảng ập tới, các hãng sản xuất ô tô không có khả năng thương lượng.
Theo New York Times, cách đây vài năm, Musk từng bị đem ra làm trò cười khi chật vật trong sản xuất và cung ứng, liên tục không đạt mục tiêu đề ra.
Hãng cũng vấp phải nhiều lỗi sản xuất vì CEO Musk khăng khăng rằng, công ty phải tự chế tạo nhiều bộ phận trên ô tô thay vì thuê ngoài. Nay kết quả đã chứng minh cho sự đúng đắn của chiến lược tự sản xuất đó.
Hay như năm 2014, khi hầu hết các nhà sản xuất ô tô còn mải tranh cãi xem ô tô điện có thể chiếm lĩnh thị trường hay không, Tesla đã động thổ xây dựng công trình được gọi là siêu nhà máy (gigafactory) ở Reno, bang Nevada (Mỹ) để sản xuất pin cùng đối tác Panasonic. Hiện tại, nhà máy này đã giúp Tesla đảm bảo nguồn cung bền vững.
Ryan Melsert, cựu Giám đốc điều hành Tesla, người trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng Nhà máy Nevada cho biết: "Lúc ấy, dự án xây dựng nhà máy là rủi ro rất lớn nhưng ban lãnh đạo Tesla đã sớm ra quyết định đưa mọi công đoạn trở về sản xuất nội bộ để họ có thêm quyền định đoạt số phận của mình".
Ông Morris Cohen, Giáo sư danh dự tại Khoa Wharton, Đại học Pennsylvania (Mỹ) chỉ ra, xét trên nhiều mặt, dường như Tesla đã chọn cách tiếp cận như giai đoạn đầu của ngành ô tô thế giới, thời điểm mà Ford còn sở hữu riêng một nhà máy sản xuất thép và trồng cao su.
Trong vài thập kỷ gần đây, các nhà sản xuất ô tô đã chuyển hướng, chỉ tập trung vào thiết kế và khâu lắp ráp cuối cùng còn các khâu khác thì thuê ngoài.
Chiến lược đó đã giúp nhiều ông lớn trong ngành sản xuất ô tô tiết kiệm chi phí nhưng lại khiến họ dễ bị tổn thương khi chuỗi cung ứng hỗn loạn.
Dẫn đầu về phần mềm
Một yếu tố khác làm nên thành công của Tesla là phần mềm. Trong thời đại ô tô đang ngày càng đi theo hướng kỹ thuật số, phần mềm cũng có tầm quan trọng tương tự như động cơ và hộp số.
Và Tesla gần như là hãng xe đi tiên phong. Phần mềm của họ được đánh giá là tinh vi nhất trong ngành.
Công ty này không cần sử dụng nhiều chip như các loại xe khác mà có thể kiểm soát các chức năng như làm mát pin, tự động lái từ hệ thống máy tính tập trung trên xe.
Trong khi đó, cách đây vài tháng, các hãng xe như Ford, Mercedes-Benz mới công bố thông tin đang thuê kỹ sư và lập trình viên để tự thiết kế chip và viết riêng phần mềm cho hãng xe mình.
Bên cạnh đó, Tesla cũng không ham chạy theo quá nhiều dòng xe. Đa phần doanh số của công ty trong năm 2021 tập trung vào 2 mẫu sedan Model 3 và thể thao đa dụng Model Y.
Tesla cũng đưa ra ít lựa chọn trang thiết bị trên xe (option) hơn các hãng xe truyền thống, qua đó có thể đơn giản hóa sản xuất.
Triển vọng Tesla trong thời gian tới
Dĩ nhiên, để có thể duy trì thành quả tăng trưởng đạt được trong năm 2021 và mục tiêu tăng doanh số khoảng 50%/năm trong vài năm tới, Tesla vẫn gặp nhiều vấn đề.
Trong báo cáo quý III, Tesla thừa nhận, cách viết lại phần mềm để khắc phục tình trạng hỗn loạn chuỗi cung ứng có thể không còn hiệu quả vì hãng đã tăng sản xuất và cần thêm nhiều chip, phụ tùng hơn.
Thị trường ô tô điện cũng cạnh tranh hơn khi các hãng xe truyền thống đã bắt đầu tung ra nhiều mẫu xe hấp dẫn người dùng hơn là những mẫu xe nhỏ.
Ford cho biết sẽ tăng công suất phiên bản xe bán tải điện nổi tiếng F-150 lên gấp đôi vì nhu cầu tăng mạnh, trong khi phải ít nhất một năm nữa, xe bán tải điện của Tesla mới được bán ra thị trường.
Ngoài ra, năm nay, triển vọng của các nhà sản xuất ô tô truyền thống cũng sáng hơn vì tình trạng thiếu chip và các phụ tùng khác đã bớt căng thẳng.
Cuối cùng, phương tiện của Tesla vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề về chất lượng. Cuối tháng 12 vừa rồi, công ty này thông báo kế hoạch triệu hồi hơn 475.000 ô tô vì 2 lỗi khác nhau.
Một lỗi có thể khiến camera phía sau gặp trục trặc; lỗi khác khiến mui xe phía trước bị mở ra bất ngờ.
Năm 2021, Tesla đã bán 936.000 ô tô trên toàn cầu, tăng 87% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi Ford, GM và Stellantis, đều có doanh số thấp hơn.
Nếu xét về lượng xe được giao trên toàn cầu, Tesla vượt qua Volvo và Subaru trong năm 2021 và một số nhà phân tích đã dự đoán Tesla có thể bán 2 triệu chiếc trong năm 2022 khi các nhà máy sản xuất tại Berlin (Đức), Austin (Texas) đi vào hoạt động, còn một nhà máy tại Thượng Hải tăng năng suất.