Tương lai VAMA thống lĩnh thị trường ô tô
(Dân trí) - Thông tư mới nhất của Bộ Công thương bổ sung quy định về thủ tục nhập khẩu ô tô mới dưới 9 chỗ có tính chất không khác gì một lệnh cấm đối với các nhà nhập khẩu không chính hãng. Trong khi đó, VAMA có lý do để ăn mừng…
Không còn ô tô nhập khẩu “ngoài luồng”
Tinh đến hết năm 2009, Việt Nam đã có hơn 1.700 doanh nghiệp tham gia nhập khẩu ô tô (số liệu từ Cục Đăng kiểm Việt Nam). Các cơ quan nhà nước, cụ thể là Cục Đăng kiểm không có chức năng và nhiệm vụ kiểm tra năng lực, quy mô và trách nhiệm của các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô. Do đó, không có cơ quan nào giám sát việc bảo đảm quyền lợi của khách hàng.
Trên thực tế, trong đợt triệu hồi xe Toyota toàn cầu cách đây vài năm do lỗi chân ga, quyền lợi của nhiều khách hàng mua xe nhập khẩu không chính hãng tại Việt Nam đã bị bỏ quên, khi không thể ràng buộc trách nhiệm với bất cứ doanh nghiệp nào (chỉ có duy nhất một doanh nghiệp nhập khẩu độc lập tổ chức sửa chữa và thay thế tại Việt Nam).
Các salon độc lập thường thu gom xe tại các thị trường nước ngoài, sau đó nhập về Việt Nam. Do không có kế hoạch đặt hàng tại chính hãng sản xuất hoặc nhà phân phối ở nước ngoài, nên cũng không có hỗ trợ kỹ thuật, dịch vụ hậu mãi… từ chính hãng. Từ đó, việc mua linh kiện thay thế, dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng cho sản phẩm hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực và trách nhiệm của salon nhập khẩu, chứ không có ràng buộc về pháp lí.
Ngoài ra, một thực tế không thể phủ nhận là có rất nhiều nhà nhập khẩu chỉ có showroom bán hàng mà không có xưởng dịch vụ và không có khả năng cung cấp linh kiện chính hãng, đúng chủng loại cho xe cần sửa chữa, thay thế.
Chính vì vậy, sự ra đời của Thông tư 20/2011/TT-BCT là tín hiệu mừng trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, khi có quy định rõ hơn về trách nhiệm của các nhập khẩu đối với khách hàng. Tuy nhiên, điều này tiềm ẩm một nguy cơ khác: sự độc quyền nhập khẩu dẫn đến khả năng lũng đoạn giá trên thị trường.
Thị trường mất tính cạnh tranh
Khi đã có Toyota Việt Nam (TMV) nhập khẩu và phân phối chính hãng xe Toyota tại Việt Nam, không một nhà phân phối nào khác, như Toyota USA, Toyota Trung Đông hay Toyota Đài Loan, được tập đoàn mẹ là Toyota Nhật Bản cấp phép phân phối sản phẩm cho các doanh nghiệp nhập khẩu độc lập tại Việt Nam.
Ví dụ, một chiếc Land Cruiser Prado 2011 do TMV phân phối có giá bán 1,923 tỷ đồng (xấp xỉ 92.000 USD, theo tỷ giá bình quân liên ngân hàng ngày 18/5/2011 là 20.673 VND/USD), trong khi chiếc xe tương tự được các salon tự do rao giá bán 88.000 - 90.000 USD với nhiều trang bị hơn. Tương tự, xe Honda Accord 3.5 nhập từ Mỹ được các salon tự do bán với giá khoảng 75.000 USD, thì Honda Việt Nam phân phối với giá 1,71 tỷ đồng (tương đương 82.000 USD), hàng nhập từ Thái Lan.
Nhập khẩu - Hướng đi của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam?
Tiến Công