Trung Quốc: Các hãng xe sang đổ về tỉnh lẻ
(Dân trí) - Các thành phố lớn của Trung Quốc như Bắc Kinh hay Thượng Hải giờ đây đã không còn là những mảnh đất màu mỡ của các hãng xe sang, vì nhu cầu thị trường đã chững. Đích ngắm mới của họ là những thành phố tỉnh lị.
Chen Beiyin cực kỳ hào hứng khi có quà cưới là một chiếc Mercedes-Benz E350 giá 141.700 USD trong đoàn xe rước dâu gồm 12 chiếc S600.
“Bố tôi lái một chiếc S-Class, còn chồng tôi có một chiếc C-Class. Vì thế, khi bố hỏi tôi muốn gì làm quà cưới, tôi đã chọn ngay xe Mercedes-Benz,” cô dâu Chen, 29 tuổi, kể. Chen có tên tiếng Anh là Helly.
“Bạn biết đấy, các cô gái ở tuổi tôi ngày nay rất mê ô tô thể thao. Tôi đã băn khoăn giữa xe SLK và E350, nhưng rồi tôi chọn E350, vì xe SLK thì phô trương quá,” Chen cho biết.
Chen sinh trưởng ở Từ Khê, một thành phố nhỏ nhưng thịnh vượng ở phía đông tỉnh Chiết Giang. Cô không chỉ là một tấm gương phản chiếu tầng lớp mới giàu ở Trung Quốc, mà còn cùng với những người giống như cô là hình ảnh đại diện cho một xu hướng mới: nhóm người tiêu dùng giàu có ở tỉnh lẻ.
Từ Khê có quy mô chỉ bằng 1/5, nhưng mức độ giàu có của người dân thì không hề thua kém Thượng Hải, thủ đô tài chính của Trung Quốc, Từ Khê là một trong số nhiều thành phố nhỏ của Trung Quốc đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các hãng xe sang.
Thành phố này nổi tiếng về mô hình kinh tế hộ gia đình, với khoảng 30% số gia đình có doanh nghiệp riêng. Bố của Chen có cơ sở sản xuất nam châm.
Ba thương hiệu xe sang lớn nhất thế giới là Audi, BMW và Lexus nhanh chóng nắm bắt xu hướng mới này, đã mở hàng loạt showroom quanh thành phố Từ Khê, cách Thượng Hải khoảng hai giờ lái xe. Jaguar và Land Rover cũng đã chọn được địa điểm mở showroom.
“Các nhà sản xuất ô tô làm vậy là hoàn toàn đúng, vì thị trường đang mở rộng. Trước đây, điểm đến là các thành phố lớn và thành phố ven biển. Nhưng giờ đây, những người giàu không chỉ có ở các thành phố cấp 1 và cấp 2, mà còn cả ở thành phố cấp 3 và cấp 4,” ông Klaus Paur, Giám đốc chi nhánh Trung Quốc của công ty tư vấn Synovate Motoresearch, nhận định.
Xu hướng mới
Sự chuyển dịch này đã bắt đầu từ cách đây 2-3 năm, nhưng rõ rệt hơn vào năm 2010, khi chính sách kích cầu của Trung Quốc đã đẩy tiêu thụ ô tô tăng cao và giúp tạo ra một lớp nhà giàu mới ở các thành phố nhỏ.
Những lo ngại của chính phủ về tình trạng ách tắc giao thông ở các thành phố lớn cũng góp phần vào sự chuyển dịch này. Chính quyền các thành phố như Bắc Kinh và Thượng Hải đã triển khai các biện pháp hạn chế người dân mua xe mới.
Ví dụ, người dân Bắc Kinh chỉ có thể mua một chiếc ô tô nếu có phiếu đăng ký xe mới trong cuộc bốc thăm được tổ chức hàng tháng.
Theo số liệu thống kê của J.D. Power & Associates, gần 60% doanh số xe sang ở Trung Quốc hồi năm 2004 đến từ các thành phố cấp 1, như Bắc Kinh, Thượng Hải hay Quảng Châu. Giờ đây tỷ lệ giảm xuống chỉ còn hơn 50%.
Điều đó có nghĩa là tiêu thụ xe sang tại các thành phố nhỏ hơn, như Ngọc Lâm ở tỉnh Thiểm Tây, Thiệu Hưng ở Chiết Giang, và Erdos ở Nội Mông, tăng lên.
Erdos, nơi từng là tiền đồn hoang vu ở vùng đồng cỏ phía bắc Trung Quốc, giờ đây đã trở thành một thị trường lớn của hai thương hiệu Jaguar và Land Rover.
Các chủ chăn nuôi gia súc ở Nội Mông - một số mới phất nhờ hoạt động kinh doanh khai mỏ tại đây - rất ưa chuộng Range Rover, dòng xe sang nhất của Land Rover, với giá bán lên tới 518.000 USD.
“Xe Range Rover và Land Cruiser chạy nhan nhản trên đường. Thậm chí, trong bãi đậu xe của một khách sạn 3 sao cũng đầy xe sang, và chúng khiến cho chiếc Jeep Compass của tôi trở nên thật xoàng xĩnh,” Shawn Li, giám đốc một công ty giải pháp tin học ở Bắc Kinh, kể lại sau chuyến công tác một tuần tới Erdos.
Một thành phố khai thác than khác - Ngọc Lâm, thuộc tỉnh Thiểm Tây - cũng là một “trận địa” then chốt đối với các hãng xe sang như Audi và BMW.
Audi đã mở một đại lý tại Ngọc Lâm vào cuối năm 2009, BMW theo chân sau đó chưa đầy một năm. Hoạt động kinh doanh đang cực kỳ sôi động.
Choi Duk Jun, Phó chủ tịch Mercedes-Benz ở Trung Quốc, cho biết khi ông mới tới Trung Quốc cách đây 5 năm, chỉ có 60 đại lý bán xe có biểu tượng “sao ba cánh”. Giờ đây, con số là hơn 180 đại lý, trong đó, 12% là ở các thành phố nhỏ, nơi có tiêu thụ mỗi năm ít nhất là 1.000 xe sang các loại. Mercedes-Benz đặt mục tiêu từ nay đến năm 2015 sẽ tăng gấp đôi số lượng đại lý tại Trung Quốc, trong đó, 1/4 sẽ là ở các thành phố nhỏ.
Trong 9 tháng đầu năm, Mercedes-Benz đã bán được 139.400 xe tại Trung Quốc, tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái. BMW bán được 177.522 xe, tăng 45%. Trong khi đó, tổng tiêu thụ xe du lịch của thị trường Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm chỉ tăng 6,4%.
Ông Xu Dizhen, chủ một đại lý Mercedes-Benz ở Từ Khê, dự kiến mở thêm hai cửa hàng ở Ninh Hải và Dư Diêu, hai thành phố ngay sát Từ Khê, cũng rất thịnh vượng.
Audi có mục tiêu còn tham vọng hơn, là nâng tổng số đại lý tại Trung Quốc từ 174 của năm ngoái lên 400 vào cuối năm 2013. Volvo cũng đặt mục tiêu mở thêm hơn 100 đại lý tại nước này vào năm 2015. Volvo hiện thuộc sở hữu của tập đoàn ô tô Geely (Trung Quốc).
“Chúng tôi không mở thêm đại lý ở Bắc Kinh hay Thượng Hải nữa là mà các thành phố nhỏ hơn,” ông Richard Snijders, Giám đốc bộ phận bán hàng của Volvo tại Trung Quốc, cho biết.
Nhật Minh
Theo Reuters