Trình Thủ tướng quyết “số phận” xe không chính chủ
(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ GTVT vừa gửi tờ trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Nghị định 71 sửa đổi về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ-đường sắt. Đáng chú ý nhất trong dự thảo này là không đưa vào quy định xử phạt “xe không chính chủ”.
Cụ thể, Tờ trình Chính phủ Dự thảo Nghị định 71 sửa đổi của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) nêu rõ vấn đề có ý kiến khác nhau là việc xử phạt đối với chủ phương tiện thực hiện hành vi vi phạm “không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định” (còn gọi là xe không chính chủ). Trong đó, có 2 quan điểm khác nhau như sau:
Việc xử phạt xe không chính chủ đến nay vẫn không thống nhất được giữa các bộ, ngành nên phải chờ Thủ tướng Chính phủ quyết định
Lý do thể hiện Dự thảo được Bộ GTVT giải thích rằng, hiện nay việc quy định trách nhiệm của cá nhân phải thực hiện nghĩa vụ làm thủ tục đăng ký lại phương tiện (chuyển quyền sở hữu phương tiện) khi phương tiện được mua, bán, cho, tặng, thừa kế là chưa rõ ràng, khó xác định đối tượng vi phạm.
Thực tiễn triển khai thực hiện Nghị định số 71/2012/NĐ-CP cho thấy, việc xác định đối tượng vi phạm hành vi nói trên để xử phạt là rất khó và trong thời gian vừa qua, việc lực lượng chức năng của một số địa phương đã xác định vi phạm bằng cách dừng xe để kiểm tra đối với người đang điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên đường là chưa phù hợp, gây bức xúc, không đồng thuận của đại đa số nhân dân (vì người điều khiển phương tiện không phải là đối tượng bị xử phạt về hành vi vi phạm này), dẫn đến không khả thi khi thực hiện.
Vì vậy, nếu quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm nói trên trong Nghị định của Chính phủ sẽ không bảo đảm tính khách quan, minh bạch và khả thi khi thực hiện nên Dự thảo Nghị định không đưa vào quy định xử phạt xe không chính chủ.
Ý kiến 2: Đề nghị tiếp tục quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm nói trên trong Dự thảo Nghị định; đồng thời giảm mức phạt (bổ sung vào khoản 1, khoản 4 Điều 30) và giới hạn các trường hợp kiểm tra xử phạt. Bộ Công an, Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và 21 địa phương ủng hộ đề nghị này.
Theo đó, đề nghị này được giải thích trên cơ sở quy định của Luật Giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thì xe cơ giới phải đăng ký và gắn biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp (khoản 3 Điều 53 Luật GTĐB) và khi phương tiện được mua, bán, cho, tặng, thừa kế thì phải làm thủ tục sang tên, thay đổi đăng ký xe (khoản 3 Điều 6 Thông tư số 36/2010/TT-BCA ngày 12 tháng 10 năm 2010 của Bộ Công an).
Chiếu theo những quy định trước đó thì mọi hành vi vi phạm quy định này đều phải bị xử lý; Tại các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trước đây và tại Nghị định số 71/2012/NĐ-CP đều có quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm nói trên. Bởi thế, cần tiếp tục quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm nói trên trong Nghị định để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Như vậy, sau 7 lần công bố dự thảo Nghị định 71 sửa đổi và tiếp thu các ý kiến, thẩm định và giải trình, Ban soạn thảo và các Bộ ngành liên quan vẫn không thống nhất được vấn đề xe không chính chủ. Tờ trình gửi Thủ tướng của Bộ GTVT vẫn thể hiện theo hướng không quy định xử phạt. Điều này cũng có nghĩa, việc có hay không xử phạt sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Quỳnh Anh