Triển lãm ô tô Paris 2018 - Đìu hiu chợ chiều
(Dân trí) - Dù được giới thiệu là một trong những sự kiện chuyên ngành lớn nhất thế giới, nhưng Triển lãm ô tô Paris vẫn phải đối diện với thực tế là ngày càng nhiều hãng xe lớn không còn mặn mà.
Mới đây nhất, theo trang AutoNews, Opel, cùng với "người anh em" Vauxhall, đã thông báo không tham gia Triển lãm ô tô Paris 2018; thay vào đó sẽ tập trung nhiều hơn vào các sự kiện riêng khi cần ra mắt sản phẩm mới.
Một người phát ngôn của công ty cho biết: “Chúng tôi quyết định sẽ tập trung nhiều hơn vào các sự kiện riêng khi ra mắt sản phẩm mới", đồng thời cho biết thêm rằng cả Opel và Vauxhall sẽ trở lại với các triển lãm ô tô truyền thống khi nó mang lại giá trị kinh tế và truyền thông.
Một lý do khác khiến Opel/Vauxhall quyết định bỏ qua Triển lãm ô tô Paris 2018 có thể là chưa có xe mới để ra mắt, ngoại trừ mẫu GT X Experimental Concept. Danh mục sản phẩm của hai thương hiệu này khá hẹp, với 3 mẫu crossover cùng một số mẫu du lịch ở phân hạng từ B đến D.
Opel/Vauxhall không phải là các thương hiệu duy nhất không tham gia Triển lãm ô tô Paris. Danh sách còn có Alfa Romeo, Bentley, Fiat, Ford, Infiniti, Jeep, Mazda, MINI, Mitsubishi, Nissan, Subaru, Volkswagen và Volvo.
Có vẻ như Aston Martin, Lamborghini, McLaren và Rolls-Royce cũng sẽ không góp mặt. Chính hãng Aston Martin không có gian hàng, nhưng đại lý của hãng ở Paris sẽ tham gia trưng bày các mẫu DB11 Volante, Vantage, và DBS Superleggera.
Triển lãm ô tô Paris 2018 sẽ diễn ra từ ngày 4 đến 4/10 tới. Đáng chú ý nhất sẽ là màn ra mắt của mẫu BMW 3-series mới, mẫu xe chạy điện Mercedes-Benz EQ C và mẫu xe off-road cỡ nhỏ Suzuki Jimny.
Với lịch sử 120 năm, Paris Motor Show là một trong 4 sự kiện chuyên ngành lớn nhất thế giới, bên cạnh các triển lãm ở Detroit (Mỹ), Geneva (Thụy Sĩ) và Frankfurt (Đức).
Không riêng Paris Motor Show mà các triển lãm ô tô truyền thống nói chung đều đang mất dần sức hút, bởi các hãng xe có xu hướng ngày càng tham gia các triển lãm công nghệ thông tin nhiều hơn. Mới đây, ban tổ chức Triển lãm ô tô quốc tế Bắc Mỹ (NAIAS), hay còn gọi là Triển lãm Detroit, đã phải phá bỏ truyền thống 30 năm, quyết định lùi sự kiện sang tháng 6, do không thể cạnh tranh trực tiếp với Triển lãm hàng điện tử tiêu dùng (CES) diễn ra vào cùng thời điểm tháng 1.
Lý do chính khiến các hãng không còn mặn mà với mô hình triển lãm ô tô truyền thống là "chi phí và hiệu quả". Việc tham gia một triển lãm quốc tế cần rất nhiều chi phí nhưng liệu hiệu quả nó mang lại chưa rõ có thực sự vượt trội so với các hình thức quảng cáo hay tiếp thị hiện đại.
Ngoài ra, một triển lãm tập trung khó có thể hiệu quả như một sự kiện ra mắt và quảng bá xe riêng của từng hãng nhưng chi phí (từ vận chuyển tới thuê các gian hàng) thì quá lớn. BMW từng phải chi tới 25 triệu euro (hơn 29 triệu USD) cho một sự kiện triển lãm.
“Ngày nay, nhiều khách hàng trực tiếp các đại lý sau khi tham dự các sự kiện lái thử và đưa ra quyết định của mình. Trong khi, họ có rất ít cơ hội trải nghiệm với các nhà sản xuất ô tô tại các triển lãm,” một chuyên gia trong ngành ô tô lý giải.
Hiện tại, các nhà sản xuất ô tô đang tập trung phát triển công nghệ cho những chiếc xe của tương lai như xe điện hay xe tự lái. Và để giới thiệu các bản thiết kế hiện đại của mình, họ chọn các triển lãm công nghệ thông tin thay vì các triển lãm ô tô truyền thống.
Nhật Minh