Tranh cãi chuyện bảo vệ khóa bánh ô tô trong khu đô thị: Liệu có lạm quyền?
(Dân trí) - Đã có nhiều trường hợp chủ xe phản ứng với bảo vệ do ô tô của họ bị khóa bánh khi đỗ sai quy định trong khu đô thị. Thậm chí gần đây, một phụ nữ còn lấy kìm cắt khóa rồi lái xe rời đi.
Chủ xe phản ứng khi bị bảo vệ khóa bánh
Trên mạng xã hội thời gian gần đây đã ghi nhận nhiều vụ lùm xùm giữa chủ xe và bảo vệ xung quanh việc khóa bánh những phương tiện đỗ sai quy định.
Đầu tháng 6, một cặp vợ chồng đỗ ô tô sai vị trí trong một khu đô thị thuộc quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) nên xe của họ đã bị khóa bánh. Hai người này tìm cách phá khóa nhưng bị bảo vệ tại đây ngăn lại.
Hai vợ chồng sau đó đã tấn công, thậm chí người vợ còn tát vào mặt nam bảo vệ. Hành động trên đã khiến cộng đồng mạng bất bình.
Tình huống tương tự xảy ra ngày 16/8 khi người phụ nữ mắng chửi bảo vệ sau khi biết xe của mình bị khóa bánh. Theo một số người dân sống trong khu đô thị, việc chủ xe cãi cọ, phản ứng với bảo vệ khi ô tô đỗ sai quy định bị khóa là chuyện không quá đặc biệt ở đây.
Mới nhất là vụ người phụ nữ lấy kìm để bẻ khóa sau khi xe của người này bị khóa bánh khi đỗ trong một khu đô thị phía Tây Hà Nội. Như thể đã quen với việc bị bảo vệ xử lý theo cách này, mọi hành động được người phụ nữ thực hiện rất nhanh gọn.
Cộng đồng mạng tranh luận ai đúng, ai sai?
Những lùm xùm giữa chủ xe bị khóa bánh và bảo vệ đã nhận được rất nhiều ý kiến khác nhau trên mạng xã hội. Một luồng cho rằng bảo vệ khu đô thị khóa bánh ô tô của người khác là lạm quyền và xâm phạm vào tài sản của người khác.
"Ai quy định đường này cấm đỗ, biển báo ở đâu và đơn vị nào cắm biển vậy? Đừng nói là lấy một cái bảng ra rồi nói là biển cấm đỗ xe nhé", người dùng Facebook có tên Minh Thành viết. "Việc khóa bánh xe người khác còn phức tạp hơn, vì đó là can thiệp vào tài sản cá nhân. Nói đơn giản như xước xát la-zăng thì ai sẽ chịu trách nhiệm".
Độc giả Vũ Tuấn cũng đã viết bài "Ai cho bảo vệ quyền khóa bánh ô tô đỗ sai trong khu đô thị?" để chia sẻ về góc nhìn của mình.
Trong khi đó, chị Thúy Hường, một người sống trong khu đô thị cao cấp ở Hà Nội, cho rằng những tuyến đường nội khu ở nơi chị sinh sống thì xe nào đỗ sai quy định cũng đều bị khóa bánh. Chủ phương tiện chỉ cần ký vào giấy cam kết không tái phạm sẽ được mở khóa.
"Đây là đường nội khu, nhưng nhiều người không có ý thức, đỗ xe từ đêm đến sáng, ảnh hưởng việc di chuyển của các phương tiện khác. Bảo vệ khóa xe để yêu cầu tài xế làm bản cam kết lần sau không tái phạm, chứ không phạt tiền hay làm khó gì ai cả", chị Hường nói.
"Nếu bạn đỗ xe đúng quy định thì chẳng ai có quyền khóa bánh. Nhưng bạn đỗ sai và ở đó là nội khu thì ban quản trị sẽ xử lý theo quy định của nơi ấy. Cũng giống như khi vào một ngôi nhà, ta sẽ phải tuân thủ quy định của chủ nhà thôi", ý kiến của anh Minh Tuấn nêu.
"Chỉ người hay đỗ xe bừa bãi mới phản đối bảo vệ chung cư khóa bánh ô tô" là tiêu đề bài thảo luận của độc giả Đức Thành xung quanh vấn đề này.
Bảo vệ khóa bánh ô tô có bị coi là lạm quyền?
Trao đổi với PV Dân trí, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP Hà Nội nhận định, trên thực tế, nhiều chung cư, khu đô thị thiếu diện tích đỗ xe, gây nên tình trạng đỗ xe tràn lan, có dấu hiệu lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, chắn lối ra vào trước cửa nhà người dân…
Một trong những biện pháp xử lý đối với những trường hợp vi phạm gây nhiều tranh cãi hiện nay là khóa bánh xe.
Theo ông Tiền, người dân đỗ xe không đúng quy định trong khu đô thị, chung cư có thể chỉ là lựa chọn tình thế, trong trường hợp cấp bách. Ngược lại, cũng có nhiều tài xế dẫu biết vị trí không được đỗ, nhưng vẫn cố tình, thì đây là hành vi đáng lên án.
Trên phương diện pháp lý, luật sư Tiền phân tích 2 trường hợp pháp luật quy định về đường nội bộ trong khu chung cư.
Trong đó, khoản 2 Điều 100 Luật Nhà ở 2014 quy định: Đường nội bộ thuộc về phần sở hữu chung của nhà chung cư, cụ thể đây là hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên ngoài nhưng được kết nối với nhà chung cư đó.
Tuy nhiên, nếu hệ thống hạ tầng kỹ thuật sử dụng vào mục đích công cộng hoặc thuộc diện phải bàn giao cho Nhà nước hoặc giao cho chủ đầu tư quản lý theo nội dung dự án đã được phê duyệt thì đây không được xem như phần sở hữu chung của nhà chung cư.
Như vậy, trong trường hợp này, nếu đường nội bộ thuộc về phần sở hữu chung của nhà chung cư, Ban Quản lý tòa chung cư có quyền thay mặt các chủ sở hữu thực hiện việc quản lý theo Quy chế quản lý Nhà Chung cư mà Bộ Xây dựng đã hướng dẫn trong Thông tư 02/2016/TT - BXD.
"Do đó, họ hoàn toàn có quyền đặt ra các yêu cầu nội bộ, các vị trí cấm dừng/đỗ xe và hình thức xử phạt với các phương tiện vi phạm", luật sư Tiền phân tích.
Việc đỗ xe không đúng vị trí có thể bị coi là hành vi lấn chiếm không gian và các phần thuộc sở hữu chung của khu chung cư, theo quy định tại khoản 5 Điều 6 Luật Nhà ở 2014, cho nên việc áp dụng hình thức xử lý là "khóa bánh xe" là đúng quy định của pháp luật.
Trường hợp thứ hai, nếu đường nội bộ là hệ thống hạ tầng kỹ thuật được sử dụng vào mục đích công cộng hoặc thuộc diện phải bàn giao cho Nhà nước hoặc giao cho Chủ đầu tư quản lý theo nội dung dự án đã được phê duyệt, thì đường nội bộ không được coi là phần sở hữu chung của nhà chung cư.
Từ đó, việc sử dụng đường nội bộ thực hiện theo quy định trong hồ sơ dự án được cấp phép hoặc văn bản của cơ quan quản lý nhà nước.
Đối với những phương tiện vi phạm, hành động bảo vệ khóa bánh xe là trái pháp luật, xâm phạm quyền sở hữu đối với chủ phương tiện. Việc xem xét, xử lý hành vi vi phạm trong trường hợp này thuộc về chính quyền địa phương.
Quy định là như vậy, nhưng trên thực tế có rất nhiều vấn đề phát sinh xung quanh chuyện đỗ xe trong khu đô thị.
"Về bản chất, việc gửi - giữ xe được coi là một hợp đồng dân sự. Giữa các bên sẽ phát sinh quyền và nghĩa vụ liên quan theo những gì đã thỏa thuận. Do đó, việc vi phạm quy định cũng như việc xử phạt cũng phải căn cứ vào thỏa thuận của các bên và quy định của pháp luật", ông Tiền nói.
Vị luật sư chỉ ra, hiện nay, có tình trạng đơn vị quản lý khu đô thị lợi dụng việc tự chủ trong việc ban hành quy định nội bộ mà đưa ra những quy định bất hợp lý hoặc xử phạt quá nặng đối với hành vi vi phạm, gây bất bình cho người dân.
Hoặc có sự móc ngoặc, liên kết giữa một nhóm cá nhân trong việc chiếm hữu phần diện tích chung, mà khi có người đỗ xe vào khu vực đó, họ sẵn sàng thẳng tay áp dụng những biện pháp xử lý tự đưa ra mà không căn cứ vào quy định nào. Điều này khiến xung đột, mâu thuẫn trở nên gay gắt, thậm chí để lại những hậu quả hết sức nghiêm trọng, nặng nề.
Từ những phân tích trên, luật sư Trần Xuân Tiền nhận định, biện pháp xử lý khóa bánh xe đối với phương tiện đỗ xe không đúng vị trí quy định tại đường nội bộ của khu đô thị, khu chung cư có thể mang lại những hậu quả tiêu cực, nếu như áp dụng một cách cứng nhắc, hoặc vượt quá chức năng, thẩm quyền của người xử lý vi phạm.
Ông khuyến cáo các tài xế khi điều khiển phương tiện trên đường giao thông hoặc đường nội bộ tại các khu đô thị, cần chú ý quan sát biển báo, hoặc nếu không có biển báo cần lựa chọn những vị trí đỗ phù hợp, không gây ảnh hưởng đến giao thông hoặc hoạt động khác của người dân.
Ngược lại, trong trường hợp phát hiện phương tiện đỗ xe không đúng quy định, bảo vệ hoặc đại diện ban quản lý chung cư cần nhắc nhở, giải thích cho chủ xe trên nguyên tắc đảm bảo sự hài hòa, lợi ích cho các bên.
"Biện pháp khóa bánh xe dù được thực hiện đúng quy định hay không cũng không phải là giải pháp tối ưu. Cách xử lý tốt hơn hết là khi chủ xe cố tình chống đối, có thái độ không hợp tác thì cần thông báo sự việc với chính quyền địa phương để sự việc được giải quyết đúng quy định của pháp luật", luật sư nêu.
Ông cũng khẳng định, chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý liên quan cần xem xét, nâng cao trách nhiệm, tránh để xảy ra tình trạng trên.
"Việc xác định đúng và đủ nhu cầu sở hữu xe tô của người dân và đưa ra các quy định cụ thể về diện tích chỗ đỗ xe của cơ quan quản lý là vô cùng cần thiết, vừa đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại khu đô thị, chung cư, vừa đảm bảo quyền lợi cho cư dân cũng tránh được những hậu quả pháp lý đáng tiếc có thể xảy ra", luật sư Trần Xuân Tiền nhấn mạnh.